Thứ tư, 01/05/2024 15:37 (GMT+7)
Thứ tư, 15/11/2023 07:00 (GMT+7)

Nguyên nhân các nước Nam Á bị ô nhiễm khói bụi “tấn công”

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đang “tấn công” các quốc gia Nam Á như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, khiến nhiều trường học, công trình xây dựng phải dừng hoạt động.

Lahore – thành phố đông dân thứ hai của Pakistan, với hơn 13 triệu người, đã buộc phải đóng cửa toàn bộ trường học, công viên công cộng, trung tâm thương mại và văn phòng sau khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tuần này tăng vọt lên hơn 400. Con số đó được đánh giá là vượt qua ngưỡng “nguy hiểm”.

Giới chức tỉnh Punjab đã áp đặt “tình trạng khẩn cấp về môi trường và sức khỏe” ở các thành phố Gujranwala, Hafizabad và Lahore với tổng dân số hơn 15 triệu người cho đến khi tình hình được cải thiện.

Nguyên nhân các nước Nam Á bị ô nhiễm khói bụi “tấn công” - Ảnh 1
Khói bụi độc hại được ghi nhận tại thành phố Lahore.

Tuyên bố của nhà chức trách nêu rõ, hoạt động di chuyển của người dân đến và đi từ những thành phố kể trên bằng phương tiện giao thông cá nhân và công cộng đều sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo hạn chế tụ tập nhiều hơn 4 người tại cùng một địa điểm.

Đầu tháng 11 này, trường học tại một số khu vực ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được yêu cầu đóng cửa trong 2 ngày do chỉ số AQI rơi xuống mức nghiêm trọng. Hầu hết các công trình xây dựng trong các khu vực này cũng bị dừng hoạt động.

Ngày 8/11, Chính quyền thủ đô New Delhi tiếp tục gia hạn quyết định đóng cửa tất cả trường học đến ngày 18/11.

Các thành phố lớn khác của Ấn Độ, bao gồm Kolkata và Mumbai, đều nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong tuần này, với mức độ ô nhiễm dao động giữa “nguy hiểm” và “không tốt cho sức khỏe”. Chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, từ hạn chế phương tiện tham gia giao thông, tưới nước trên vỉa hè và cấm các hoạt động xây dựng không cần thiết để giảm bớt bụi.

Còn tại Dhaka, thủ đô của Bangladesh với dân số hơn 10 triệu người, cũng nằm trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất. Ngày 10/11, chỉ số chất lượng không khí tại thành phố là 222, mức “không lành mạnh”.

Theo CNN, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở tất cả thành phố kể trên đã vượt xa giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tình trạng này cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng đối với các quốc gia Nam Á đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và bùng nổ dân số dẫn đến gia tăng mức độ ô nhiễm.

Các nhóm môi trường và các nhà hoạch định chính sách từ lâu đã kêu gọi các giải pháp hiệu quả hơn để quản lý sự gia tăng dân số, đồng thời cho rằng các biện pháp hiện tại như hạn chế giao thông và tạm dừng xây dựng không tạo ra nhiều khác biệt về lâu dài.

Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC), không khí xấu có thể làm giảm tuổi thọ của người dân Delhi tới 9 năm. Nghiên cứu cũng cho thấy mỗi người trong số 1,4 tỷ cư dân Ấn Độ đều phải chịu mức ô nhiễm trung bình hàng năm vượt quá mức hướng dẫn do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra.

Các bác sĩ ở thủ đô của Ấn Độ tiết lộ rằng họ đã chứng kiến sự gia tăng các bệnh liên quan đến ô nhiễm, với các bệnh nhân phàn nàn về dấu hiệu như ho, rát họng, khó thở và các vấn đề về da, cùng nhiều căn bệnh khác.

Hai thập kỷ qua, các nước Nam Á trải qua quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế lẫn tăng dân số mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu năng lượng và nhiên liệu hóa thạch tăng theo.

Ngoài nguồn phát thải thông thường như các khu vực khác như hoạt động công nghiệp hay phương tiện giao thông, Nam Á còn có phát thải từ đốt nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm, hỏa táng, đốt chất thải nông nghiệp. Ví dụ khoảng 38% ô nhiễm tại thành phố New Delhi năm nay là do đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa trên địa bàn hai bang Punjab và Haryana lân cận.

Số lượng phương tiện giao thông gia tăng cũng khiến tình hình thêm tồi tệ. Tại Ấn Độ và Pakistan, lượng phương tiện đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu những năm 2000. Dữ liệu chính thức cho thấy New Delhi có 472 phương tiện trên mỗi 1.000 dân, gần 8 triệu phương tiện lưu thông trên đường tính đến năm 2022.

Các nước Nam Á được cho là đã bắt đầu cố gắng giảm ô nhiễm bằng loạt kế hoạch quản lý chất lượng không khí, lắp đặt thêm thiết bị giám sát ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhưng tất cả đều chưa mang lại kết quả đáng kể.

Giới chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các nước thiếu phối hợp. Bụi mịn có thể di chuyển hàng trăm km, vượt qua biên giới quốc gia, tác động đến nhiều nơi chứ không chỉ nơi tạo ra chúng. Chẳng hạn, 30% ô nhiễm ở một số thành phố lớn nhất của Bangladesh bắt nguồn từ Ấn Độ, bụi bay theo gió thổi từ đông bắc sang tây nam.

Như vậy, nếu muốn giải quyết ô nhiễm thì các nước Nam Á cần phối hợp với nhau, hợp tác trong giám sát và đưa ra chính sách. Song song đó biện pháp triển khai trên toàn khu vực cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện từng địa phương. Ngoài ra, họ cần chú ý đến lĩnh vực lâu nay ít được quan tâm chẳng hạn như nông nghiệp và quản lý chất thải.

Ví dụ để hạn chế đốt rơm rạ, chính phủ có thể trợ cấp cho nông dân mua máy móc thu hoạch hiện đại hơn. Một số quốc gia như Ấn Độ đã thực thi chính sách này nhưng nhu cầu còn thấp vì giá cả quá đắt, thời gian chờ để được thuê lại quá dài.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân các nước Nam Á bị ô nhiễm khói bụi “tấn công”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.