Thứ bảy, 14/12/2024 14:00 (GMT+7)
Thứ tư, 06/11/2024 12:39 (GMT+7)

Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho khoáng sản chiến lược

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược

Thảo luận về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản chiều 5/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định, khoáng sản có công dụng quan trọng. Hiện nay, dự Luật chia khoáng sản theo các nhóm, trong đó nhóm 1 là kim loại và năng lượng quan trọng như đất hiếm, vonfram, uranium, titan, băng cháy…

Theo đại biểu, những khoáng sản này phục vụ cho việc chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, xe điện, hàng không quân sự... 

Ông Nghĩa nêu dự Luật có định nghĩa về khoáng sản chiến lược quan trọng nhưng chưa có quy định riêng về những khoáng sản này. Bởi mỗi tài nguyên có chiến lược quan trọng khác nhau.

Về thẩm quyền cấp phép, dự thảo quy định cơ bản giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh. Đại biểu đoàn Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần có danh mục các loại khoáng sản chiến lược quan trọng và đặc biệt quan trọng; đồng thời các quyết định thăm dò, khai thác, thu hồi… thì Thủ tướng quyết định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị khôi phục lại và nói rõ là tài nguyên vị thế, theo định nghĩa cũ, đồng thời quy định về khoáng sản chiến lược quan trọng, khoáng sản có tài nguyên, vị thế đặc biệt quan trọng làm thành một danh mục riêng và giao cho Chính phủ quyết định những điều này. Thiết kế như thế để chúng ta sẽ không vướng mắc những chuyện chuyển nhượng hoặc tranh chấp sau này.

Thượng tọa Lý Minh Đức, đoàn Sóc Trăng, dẫn thông tin, theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nhân tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của ngành kỹ thuật mũi nhọn công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Đất hiếm gồm 17 loài vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, tuy nhiên tại Điều 6 phân nhóm khoáng sản thì không phân đất hiếm thuộc nhóm nào. Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét bổ sung một điểm trong khoản 1 Điều 6 phân nhóm đất hiếm thuộc nhóm nào và khoáng sản đặc biệt, bởi tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.

Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho khoáng sản chiến lược - Ảnh 1
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới với ước tính khoảng 22 triệu tấn, chiếm khoảng 19% trữ lượng được biết đến trên thế giới. Ảnh minh họa

Đối với vấn đề cấp phép khai thác khoáng sản, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho hay, dự thảo Luật quy định thời gian gia hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác. 

Trong đó, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản không quá 30 năm và được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác. Tổng thời gian này không quá 20 năm.

Bên cạnh đó, dự Luật quy định nếu hết thời gian gia hạn có thể tiếp tục đề nghị cấp lại.

Bà Lan cho rằng quy định về thời hạn khai thác và gia hạn khai thác khoáng sản chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định của luật đầu tư.

Giải trình, tiếp thu một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết nội dung về phân nhóm khoáng sản từ kỳ họp trước đã có nhiều đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến. Hiện nay trong dự thảo luật đưa ra quy định phân nhóm khoáng sản dựa trên công dụng và mục đích quản lý. Theo Bộ trưởng, đây là một cách phân loại phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng tình với nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng nêu rõ, dù cùng một nhóm như khoáng sản nhóm 1 là khoáng sản kim loại nhưng có nhiều loại khoáng sản có tính chất, vai trò hay vị thế khác nhau, như khoáng sản chiến lược, đất hiếm, vonfram hay có một số khoáng sản có tính chất đặc thù như bôxít hay, titan khi phân bố trên một bề mặt rộng, ở một chiều sâu không lớn.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin thêm, đối với các khoáng sản chiến lược như đất hiếm hay vonfram không chỉ có các quy định trong dự thảo luật này mà hiện nay chủ trương của cấp có thẩm quyền cũng yêu cầu cần phải xây dựng chiến lược để quản lý các loại khoáng sản chiến lược.

“Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ cũng đang nghiên cứu để xây dựng, hướng tới đưa ra những khung chính sách riêng, đặc thù và chiến lược để quản lý các loại khoáng sản này”, ông Duy cho biết.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho khoáng sản chiến lược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới