Sắp diễn ra hội thảo kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản
Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam gắn liền với việc bảo vệ môi trường.
Thực hiện công tác năm 2024, nhằm đẩy mạnh và góp phần cho các tổ chức Khoa học và Công nghệ trong công cuộc cải thiện môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên Trái đất và Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác và chế biến khoáng sản ở Việt Nam gắn liền với việc bảo vệ môi trường”.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam; Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước về Tài nguyên môi trường với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hội thảo diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại tầng 4, trụ sở VUSTA (Lô D20, 19 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội).
Chủ trì Hội thảo có Thường trực Đoàn Chủ tịch và lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Hội thảo sẽ lắng nghe các tham luận của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, môi trường như: PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường; GS.TS Nguyễn Xuân Cự; PGS.TS Phạm Quang Hà; PGS. Trần Văn Thụy; PGS.TS Nguyễn Phương...
Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường.
Duy Khánh