Thứ sáu, 18/10/2024 12:22 (GMT+7)
Thứ tư, 25/09/2024 16:20 (GMT+7)

Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

Theo dõi KTMT trên

Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Việt Nam quyết tâm hướng tới phát triển bền vững

Sáng 25/9, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Diễn đàn "Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới". 

Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới - Ảnh 1
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Minh Thành

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế tuần hoàn hiểu một cách khái quát nhất là mô hình kinh tế dựa trên nguyên  lí cơ bản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống. Kinh tế tuần hoàn theo giải thích của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 của nước ta, (khoản 1 Điều 142) là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp khép kín, nhờ đó, giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất, nhằm tối thiểu hóa tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể. 

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.

Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện KTTH, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội.... 

Đề xuất các giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới - Ảnh 2
Hệ thống xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Nước thải sau khi xử lý được sử dụng tưới cây, nuôi cá, tưới đường.

Trao đổi tại Diễn đàn, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay.

Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở một số lĩnh vực như mô hình sản xuất hệ thống nông nghiệp tổng hợp và phát triển năng lượng tái tạo trong công nghiệp.

Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cần thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ từ nay tới năm 2035 đó là: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế 
tuần hoàn; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Tăng cường quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng  kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất tập trung vào các ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng. Các chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, tín dụng xanh, phân loại xanh, khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia; tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. Nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn, 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương.

Còn TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV đã nêu các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH; Ban hành Kế hoạch hành động và cơ chế thí điểm triển khai Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn; Sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mụcxanh/Green Taxonomy), trong đó cần xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và “đơn vị xác nhận xanh”; Đồng bộ cơ chế, chính sách (tài khóa: thuế, phí, vốn ưu đãi, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có; tín dụng ưu đãi (có Quỹ chuyển đổi xanh)…); phát triển thị trường tài chính xanh tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu và quỹ đầu tư xanh…)
Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn (thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, tài chính, KHCN, đổi mới sáng tạo, thông tin – dữ liệu…). 
Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..); đầu tư CSHT “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng, sở hữu trí tuệ…)

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề còn hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn cũng như nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay; kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở cấp độ chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.../.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Khởi động Diễn đàn Khu công nghiệp sinh thái Việt Nam
Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Phát triển bền vững ngành điện: Đâu là giải pháp?
Những năm qua, giá điện trở thành chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của xẫ hội. Việc giá bán lẻ điện không theo kịp giá thành sản xuất đã tạo ra những thách thức lớn cho ngành điện trong việc duy trì đầu tư, phát triển, và đảm bảo an ninh năng lượng.

Tin mới

Chuẩn bị trang sức cho ngày trọng đại
Đối với các cặp đôi chuẩn bị bước vào một chương mới của cuộc đời, tháng 10 là thời điểm hoàn hảo để kiếm tìm những món trang sức tinh xảo, ghi dấu khoảnh khắc thiêng liêng.
Chân dung Tân Tổng giám đốc 41 tuổi của Vietinbank
Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Trần Mạnh Trung làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024 – 2029, đồng thời bầu giữ chức Tổng giám đốc của ngân hàng này.