Nghề nuôi hươu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh): Khát vọng vươn xa
Nuôi hươu đang là nghề “hót” và mang lại kinh tế cao tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Với khát vọng “vươn xa”, trở thành “trại hươu giống hạt nhân 38”, người dân huyện Hương Sơn đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ.
Mong muốn trở thành “Trại hươu giống hạt nhân 38”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đầu tư (Đại học Vinh) và đi làm một thời gian nhưng anh Nguyễn Hồng Tiệp (SN 1996) trú xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cảm thấy không “bằng lòng” với đồng tiền lương ít ỏi nên xin nghỉ ở nhà và sinh hoạt Đoàn tại địa phương. Nhận thấy quê hương có nhiều lợi thế về thiên nhiên rừng núi, khí hậu thuận lợi cho nghề nuôi hươu lấy lộc, anh bắt đầu tìm hiểu, học hỏi nhằm thực hiện khát vọng làm giàu trên chính quê hương mình.
Thực thế, nghề nuôi nuôi hươu tại Hương Sơn đã có từ rất lâu nhưng việc đầu tư còn manh mún, chưa áp dụng các khoa học kỹ thuật vào nuôi đại trà. Anh Tiệp nhận thấy thị trường hiện nay đang được quan tâm nhiều đến các sản phẩm về hươu như: Nhung hươu, thịt hươu, cao hươu… nên đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng trại nuôi hươu trên diện tích 500m2 với 200 con hươu ban đầu. Trang trại anh được xem là trại nuôi hươu có quy mô lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Hiện, có 150 con hươu bắt đầu cho lộc nhung, sinh sản.
Anh Nguyễn Hồng Tiệp chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống nuôi hươu. Từ nhỏ tôi đã cùng cha, ông chăm sóc hươu. Việc bán nhung hươu và hươu giống là nguồn thu nhập chính của gia đình từ trước tới nay. Tuy nhiên, chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nên cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Sau bao suy nghĩ, tôi quyết định vay mượn, kêu gọi đầu tư từ chính người thân để đầu tư chăn nuôi quy mô, bài bản hơn với kế hoạch làm giàu từ sản phẩm của địa phương. Và kế hoạch của tôi được người thân, gia đình ủng hộ”.
“Đến thời điểm này, tôi đã đầu tư gần 4 tỷ đồng, trong đó, 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hơn 2 tỷ đồng mua con giống. Hiện tôi đang tiếp tục hoàn thiện khu chế biến, trưng bày sản phẩm. Trang trại hươu của tôi có 40 con hươu đực đã cho thu hoạch lộc nhung, trị giá hơn 360 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều con hươu cái đã sinh sản - đây sẽ là nguồn thu nhập cao cho gia đình", anh Tiệp cho biết thêm.
Với các sản phẩm từ trại nuôi hươu, nhung tươi sau khi thu hoạch sẽ được bảo quản để sau này chế biến thành các sản phẩm như: Nhung hươu sấy khô, bột nhung hay rượu nhung hươu… phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Anh Tiệp cũng đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm nhung hươu thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng tầm giá trị nhung hươu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trang trại ngoài việc nuôi hươu, hiện anh Tiệp đang đầu tư xây dựng nơi đây nhằm thành điểm du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây không chỉ chiêm ngưỡng mà còn được chơi đùa, chụp ảnh với những chú hươu sao đã được thuần hóa. Cùng với đó, khi vào mùa khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình cắt nhung và tham quan, thưởng ngoạn những vườn cây ăn trái trong khuôn viên trang trại.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hương Sơn, cho biết: "Trang trại nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp hiện là một trong những trại nuôi hươu lớn trong tỉnh và là mô hình đầu tiên sử dụng lót đệm sinh học trong chăn nuôi hươu. Với kỹ thuật này, chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, giúp đàn hươu sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh. Bởi vậy, huyện đang khuyến khích các hộ nuôi hươu mở rộng quy mô, thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
“Thất nghiệp” trở thành ông chủ nuôi hươu
Cách trang trại nuôi hươu của anh Nguyễn Hồng Tiệp không xa là mô hình nuôi hươu của anh Nguyễn Khắc Huân ở thôn Đông, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn.
Cơ duyên đến với nghề nuôi hươu của anh Huân cũng thật tình cờ và bất ngờ do “thất nghiệp”. Anh Huân kể lại: "Năm 2011, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành xây dựng cầu đường. Do điều kiện khó khăn nên tôi phải nghỉ học giữa năm 2 rồi ra Hà Nội lập nghiệp, cưới vợ. Mãi tới năm 2021, khi dịch đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tôi thất nghiệp rồi trở về quê chơi. Tại đây, tôi nhận thấy nhu cầu mua bán, sử dụng nhung hươu rất lớn. Đây là thời điểm thích hợp để chuyển về quê sinh sống, phát triển và quảng bá các sản phẩm từ hươu của địa phương mình. Tôi đã chuyển gia đình về quê hẳn”.
Xác định về quê lập nghiệp, anh và vợ đã quyết định bán toàn bộ cơ ngơi ở Thủ đô về quê đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc… sản xuất các sản phẩm từ hươu với 2 sản phẩm chính: Cao xương hươu Việt Gold và bột nhung hươu Việt Gold. Từ đó Công ty Cổ phần Sản xuất & Thương mại Nhung hươu Việt ra đời. Để sản phẩm nhung hươu đạt năng suất cao, anh Huân đã lặn lội khắp trên địa bàn huyện Hương Sơn để tuyển chọn những con hươu nòi, có cặp sừng to về làm giống. Có cặp hươu giống, anh phải mua đến 85 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư về giống, chuồng trại, nhà xưởng, máy móc cũng lên đến 2,5 tỷ đồng.
Hiện tại, công ty Cổ phần Sản xuất & Thương mại Nhung hươu Việt đang nuôi 25 con hươu (9 con đực và 16 con cái). Trong đó, có 6 con hươu đực đã cho ra nhung, mỗi năm thu hoạch khoảng 16kg. Ngoài ra, công ty còn liên kết với người dân thu gom nhung trên địa bàn và chế biến sâu các sản phẩm để làm thương mại. Công ty hiện đang sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP (những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm), ISO 22000. Nhà máy ước đạt công suất 100 nghìn sản phẩm/năm.
Sản phẩm chủ lực của công ty là chế biến ra sản phẩm bột nhung hươu Việt Gold (dạng gói nhỏ rất tiện ích, có thể sử dụng ngay) và cao xương hươu Việt Gold đạt tiêu chuẩn đánh giá phân hạng OCOP 3 sao vào tháng 12/2021. Với giá bán 880.000 đồng/1 hộp bột nhung hươu Việt Gold và 990.000 đồng/1 hộp cao xương hươu Việt Gold, bình quân mỗi tháng công ty đạt doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng, bước đầu cho lãi từ 15-20%.
Ông Hồ Phạm Tuân - Chủ tịch UBND xã Sơn Châu cho biết: “Sơn Châu nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung là địa phương chăn nuôi hươu khá lâu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay, toàn xã có 1.031 hộ dân thì có khoảng 700 hộ nuôi hươu với tổng đàn trên 2.100 con, bình quân mỗi năm thu được khoảng 1 tấn lộc nhung. Công ty Cổ phần Sản xuất & Thương mại Nhung hươu Việt ra đời là một trong những mô hình khá hay của huyện và xã. Đây cũng là doanh nghiệp có ý tưởng táo bạo bởi họ bán nhà cửa ngoài Hà Nội để về đầu tư phát triển quê hương, nhằm nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn".
Khát vọng vươn xa
Tháng 2/2019, sản phẩm nhung hươu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, cùng với Luật Chăn nuôi quy định hươu là đối tượng nuôi, tạo hành lang pháp lý cho phát triển, chế biến sâu các sản phẩm nhung hươu.
Hươu là vật nuôi truyền thống, đặc thù, được nuôi nhốt tại các hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện Hương Sơn. Tổng đàn đến nay trên 36.609 con. Sản lượng nhung hươu 14,5 tấn/năm, tăng 22,88% so với năm 2015. Giá trị sản xuất đạt 226 tỷ đồng, giá nhung tăng từ 1-1,5 triệu đồng/kg, giá hươu giống tăng 3-5 triệu đồng/con. Hiện, Hương Sơn có 4 cơ sở chế biến nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP.
Trước đó, năm 2018, Luật chăn nuôi bổ sung quy định hươu sao là đối tượng nuôi quản lý đã tạo hành lang pháp lý, mở ra nhiều cơ hộ thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi hươu, giá trị nhung hươu được nhiều người dân trong cả nước biết đến. Cùng với sự đồng hành, liên kết tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp như: Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, DN tư nhân Thuận Hà, HTX dịch vụ Hươu giống, nhung hươu Sơn Lâm, Cơ sở SXKD nhung hươu Hiền Ngọc và các cá nhân.
Ngoài ra, việc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại thăm dò thị hiếu người tiêu dùng nên nhung hươu đã được sơ chế, chế biến thành nhiều sản phẩm thích hợp như: Nhung tươi, nhung khô thái lát, nhung khô tán bột, rượu nhung hươu, cao hươu…
Chăn nuôi hươu phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao với tổng đàn tăng 43,6% so với năm 2013, sản lượng nhung hươu năm 2020 đạt 14,55 tấn, tăng 103,5% so với năm 2011. Hiện có 17 sản phẩm chế biến từ nhung hươu đạt sản phẩm OCOP năm 2019, 2020, 2021. Tỷ lệ liên kết tiêu thụ sản phẩm nhung hươu trên địa bàn toàn huyện năm 2020 là 2,92 tấn đạt tỷ lệ 20,13%. Đến tháng 11/2021 sản lượng nhung hươu liên kết đạt 2,438 tấn, đạt tỷ lệ 15,6%.
Với những nổ lực của các cấp ngành tỉnh Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và người chăn nuôi hươu tại huyện Hương Sơn, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm nhung hươu là còn “vươn xa” hơn nữa.
Phan Quý