Ngay 6 tháng đầu năm, người lao động sẽ nhận tiền hỗ trợ thuê nhà
Với tinh thần quyết liệt, tránh “đầu năm đủng đỉnh cuối năm vội vàng", ngày 30/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính thức ban hành
Hôm 30/1, Nghị quyết 11/NQ-CP do Chính phủ ban hành đã chính thức triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trị giá gần 350.000 tỷ, được thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV ngày 10/1.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo các cấp các ngành phải tập trung triển khai Chương trình phục hồi nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Chương trình phục hồi nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đạt tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/ năm, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, Chương trình phục hồi cũng hướng tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Thời gian triển khai Chương trình phục hồi chủ yếu trong 2 năm, ngoài ra một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh. Đối tượng hỗ trợ hướng đến người dân, người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, ngành nghề, lĩnh vực tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhiều hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân
Ngoài ưu tiên hàng đầu là mở cửa kinh tế gắn với nâng cao năng lực y tế và phòng chống dịch bệnh; Dự kiến nhóm giải pháp an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm trong Chương trình phục hồi sẽ bao gồm nhiều gói hỗ trợ thiết thực đến người dân, đặc biệt các đối tượng yếu thế, chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Trong đó, gói hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm. Gói hỗ trợ triển khai gấp rút trong 6 tháng đầu năm 2022, với mức hỗ trợ dành cho người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng.
Ngoài ra còn có các gói vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội như vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (tối đa 10.000 tỷ); Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (tối đa 15.000 tỷ); Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (tối đa 3.000 tỷ); Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (tối đa 9.000 tỷ); Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch (tối đa 1.400 tỷ).
Ngoài ra, có gói cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội và gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ.
Liên quan đến nhóm giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dự kiến miễn giảm nhiều loại thuế phí quan trọng như: miễn giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% (còn 8%) trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp mà phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước và nhiều loại thuế, phí, lệ phí khác.
Song song, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Ngoài ra, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành được quy định cụ thể.
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, thị trường tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.
Nhóm giải pháp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 113.000 tỷ là một trong những cấu phần quan trọng nhất, chiếm lượng lớn trong tổng quy mô Chương trình phục hồi lần này.
Với gói này, Chính phủ kỳ vọng sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như nhiều tuyến hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp.
Gói đầu tư cơ sở hạ tầng lần này cũng tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng y tế, xã hội, hạ tầng phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cuối cùng, nhóm giải pháp cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đánh giá là nhóm giải pháp dài hạn góp phần quan trọng vào hiệu quả thực thi Chương trình phục hồi.
Nhóm giải pháp này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời thúc đẩy tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến, các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.
Mục tiêu hướng tới là điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bùi Hằng (T/h)