Ngành công nghiệp không khói: Thay đổi mạnh mẽ để thích nghi
Nhìn ở mặt tích cực, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là cơ hội cho những người làm du lịch học cách thích nghi và ứng biến trước cái bất thường. Ổn định trong bất định mới tạo ra sức mạnh.
Nửa đầu năm 2020, chưa bao giờ thế giới đồng loạt chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ đến như vậy của ngành du lịch, của tâm lý và hành vi tiêu dùng du khách. Đại dịch Covid-19 đã gần như "hủy diệt" cả ngành công nghiệp không khói toàn cầu không thương tiếc và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người làm trong ngành dịch vụ này.
Nhưng, cũng bằng một cách mạnh mẽ khác, những người làm trong lĩnh vực du lịch Việt Nam học được cách thích nghi và tìm đường để thay đổi trong bối cảnh khó khăn mới, khi xu hướng du lịch biến động do dịch bệnh.
Xu hướng của thế giới sau đại dịch
Được định giá ở mức 446 tỉ USD vào năm 2019, trong nghiên cứu của Phocuswright (Tổ chức nghiên cứu đánh giá du lịch khách sạn), thị trường du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu bảng so với Bắc Mỹ và châu Âu, và dự báo sẽ phát triển hơn nữa vào năm 2020.
Thế nhưng, đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả dự báo lạc quan này thay đổi hoàn toàn, người dân buộc phải thực hiện giãn cách xã hội và tạm dừng du lịch không cần thiết trên khắp thế giới. Từ các hãng hàng không cho đến công ty du lịch và lữ hành cùng chuỗi doanh nghiệp dịch vụ liên quan đều ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, khảo sát mới nhất từ Google cho thấy người tiêu dùng ở một số thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết sẽ đi du lịch nội địa trong thời gian tới.
Cụ thể tại Indonesia, Philippines và Việt Nam có hơn 25% người phản hồi cho biết có kế hoạch du lịch nội địa trong 3 tháng tới, trong khi đó con số này ở các quốc gia như Australia và Nhật Bản chỉ là dưới 14%. Trong 6 tháng tới, người dân Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam muốn đi du lịch quốc tế cao gấp 1,5 lần so với người Australia, Singapore và Nhật Bản.
Ngành du lịch có thể sẽ phải cần tới 12-18 tháng mới hồi phục hoàn toàn. (Ảnh: Đậu Đậu/Vietnam+) |
Đáng chú ý, khảo sát từ Global Web Index (đơn vị cung cấp thông tin chuyên sâu về việc sử dụng các trang web mạng xã hội trên toàn cầu) cho thấy 45% người dùng trên thế giới có kế hoạch du lịch bị trì hoãn bởi dịch Covid-19 đang dự định cho một kỳ nghỉ hay du lịch sau khi đại dịch kết thúc.
Trên Google Tìm kiếm, những từ khóa tìm kiếm của người dùng cũng cho thấy tín hiệu lạc quan đối với ngành du lịch tại Việt Nam sau khi ngừng giãn cách xã hội vào cuối tháng Tư, và trong tháng Sáu, khi lượng tìm kiếm về du lịch tăng gấp đôi so với tháng Ba, dù vẫn còn thấp hơn 20% so với tháng 6/2019.
Việt Nam thay đổi để thích nghi
Trong cuộc họp tổng kết 6 tháng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuần qua, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng ngành Du lịch Việt Nam và thế giới vẫn chưa lường hết được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những tổn thương, thiệt hại do dịch bệnh này gây ra với ngành du lịch chắc chắn sẽ còn kéo dài.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phải đến giữa năm hoặc thậm chí hết năm 2021, du lịch quốc tế mới có thể bước vào giai đoạn phục hồi. Do đó, việc cập nhật thông tin, dự báo thị trường là hết sức quan trọng để có những giải pháp đẩy mạnh thị trường nội địa và mở cửa quốc tế cho phù hợp. Tuy thời gian qua, ngành du lịch đã chủ động ứng phó với dịch bệnh nhưng mới chỉ là các giải pháp tình thế.
Du khách trải nghiệm hái chè ở Mộc Châu. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+) |
Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, hiện nay, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch đang thực hiện rất tốt, cần tập trung hơn vào việc chuyển đổi số và du lịch thông minh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay quảng bá bằng kỹ năng số đang là một xu hướng tất yếu trong thời đại hiện nay, nhất là qua đại dịch Covid-19 vừa rồi, cho thấy sự cần thiết và hiệu quả của kỹ năng số trong quảng bá du lịch.
Vì vậy, ông Vũ cho rằng các nhà làm quản lý du lịch hay các nhà kinh doanh du lịch cần thay đổi tư duy, cách thức trong việc tiếp cận với đối tượng khách hàng, tăng tính hiệu quả trong truyền thông quảng bá du lịch.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, trong khi du lịch quốc tế chưa mở cửa, thì các doanh nghiệp cần có chiến lược để thu hút con số 12 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài năm 2019 chuyển sang đi du lịch nội địa. Bởi đây là dòng khách có nhu cầu đi du lịch cao, chi tiêu nhiều, chủ yếu là mua sắm và vui chơi giải trí. Chính vì thế, việc cần làm là cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp; nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá để tháng nào cũng là cao điểm của khách du lịch nội địa.
Mặc dù thời gian qua, ngành du lịch đã rất tích cực lan tỏa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam,” quảng bá “Điểm đến Việt Nam an toàn,” nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết các hoạt động phục hồi thị trường nội địa, quảng bá điểm đến, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp… còn nhiều khó khăn do Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia chưa được cấp kinh phí.
Thời điểm này, Tổng cục cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án “Việt Nam tham gia chuỗi bong bóng du lịch” (kết nối tuyến du lịch đến những địa điểm gần, kiểm soát dịch an toàn, dễ dàng truy dấu hoặc phong tỏa trong trường hợp có người lây nhiễm, tương đương với du lịch khoanh vùng với đối tác du lịch chiến lược trong khu vực), tham gia “hành lang du lịch an toàn” và chính sách hỗ trợ cho khách du lịch để tiếp tục chương trình kích cầu du lịch nội địa…
Văn hóa bản địa Việt Nam luôn có sức hút mạnh mẽ với du khách quốc tế. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+) |
Những đề án, chương trình này nếu sớm được triển khai sẽ giúp người làm du lịch có thêm động lực trong giai đoạn khó khăn mới và kỳ vọng hỗ trợ giảm thiểu những tổn thương do Covid-19 gây ra.
Sáu tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu ngành du lịch đều giảm mạnh. Khách du lịch quốc tế chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 56,5% so với cùng kỳ 2019; khách du lịch nội địa chỉ đạt 23 triệu lượt, giảm 49,5% so với cùng kỳ 2019; trong đó có 11,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176.800 tỉ đồng, giảm 47,7%. Sáu tháng qua đã có 148 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. |
Đậu Đậu