WB đề xuất Việt Nam chuyển đổi sang nền sản xuất giảm thải carbon
WB cho rằng, Việt Nam rất cần chuyển đổi sang nền sản xuất sạch hơn để vừa đáp ứng các cam kết về khí hậu, vừa duy trì được năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố báo cáo với tựa đề “Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao”.
Theo WB, tăng trưởng trong công nghiệp chế tạo chế biến và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khí thải carbon. Lượng khí thải CO2 trong sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến tăng cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng GDP trong ba thập kỷ qua. Các hoạt động xuất khẩu tạo ra một phần ba tổng lượng khí thải của Việt Nam, cao hơn các quốc gia trong khu vực. Trong điều kiện hàng hóa môi trường chỉ chiếm 2% kim ngạch xuất khẩu - thuộc dạng thấp nhất ASEAN - Việt Nam rất cần chuyển đổi sang nền sản xuất sạch hơn để vừa đáp ứng các cam kết về khí hậu, vừa duy trì được năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu về sản phẩm giảm thải carbon đang gia tăng. Năng lực ngành công nghiệp chế tạo chế biến của Việt Nam cũng tập trung nhiều ở các địa bàn có nguy cơ với thiên tai cũng như rủi ro biến đổi khí hậu. Các hành động chính bao gồm:
- Hạ thấp rào cản phi thuế quan với hàng hóa môi trường
- Đầu tư cho hạ tầng năng lượng xanh
- Triển khai cải cách giá điện và định giá các-bon kết hợp với hỗ trợ có mục tiêu trong quá trình chuyển đổi
- Nâng cao khả năng chống chịu với các cú sốc khí hậu ở các địa bàn chế tạo chế biến xuất khẩu.
WB cũng khuyến nghị thêm 4 nhóm chính sách chiến lược bao gồm: nhóm chính sách hội nhập thương mại sâu hơn, để thực hiện cần tập trung khai thác các hiệp định thương mại đã có như CPTPP, RCEP; giảm rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ, đẩy mạnh kết nối khu vực; phát triển thương mại số và cải thiện quản lý biên giới.
Thứ hai, nhóm chính sách giúp tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). WB khuyến nghị: Việt Nam cần tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để nâng cao năng suất và tạo giá trị gia tăng nội địa. Triển khai các cơ chế tài chính chuỗi cung ứng và chương trình phát triển nhà cung cấp.
Thứ ba, nhóm chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất sang công nghệ cao. Theo WB, Việt Nam cần tăng cường dịch vụ hóa xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào gia công, lắp ráp giá trị thấp. Cần hạ rào cản đầu tư vào dịch vụ viễn thông, tài chính và vận tải; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại.
"Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, tuy là động lực cho thành công trước đây, nhưng vẫn chủ yếu dựa vào gia công khâu cuối thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp, không đủ để đem lại tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cần thiết để đạt mục tiêu đó. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại giá trị gia tăng cao hơn, bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo", các chuyên gia WB góp ý.
Tiếp đó, cần hình thành lực lượng lao động kỹ năng cao. WB cho rằng, Việt Nam cần phát triển lực lượng lao động trong các lĩnh vực chế tạo chế biến đòi hỏi kỹ năng cao. Nâng cao số lao động có trình độ sau phổ thông, đầu tư về hệ thống nghiên cứu và giáo dục STEM và tăng cường hợp tác giữa đại học - doanh nghiệp.
Theo WB, các chính sách nhằm đảm bảo cơ hội được phân bố rộng rãi.Để chuyển đổi sang nền kinh tế thu nhập cao theo hướng bao trùm và công bằng, Việt Nam cần tập trung tạo thuận lợi đảm bảo khả năng dịch chuyển của người lao động, sao cho họ có thể khai thác các cơ hội việc làm mới, đồng thời xóa bỏ những hạn chế trong việc tiếp thu kỹ năng của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thông qua cải thiện về cung cấp thông tin, hỗ trợ tài chính và đào tạo nghề. Mạng lưới an sinh xã hội được tăng cường cũng sẽ hỗ trợ người lao động trong những việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp chịu ảnh hưởng bất lợi trong quá trình nâng cao vị thế tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Các hành động chính bao gồm:
- Nâng cao khả năng dịch chuyển của lao động và đẩy mạnh cải cách đăng ký cư trú theo hộ khẩu;
- Cải thiện khả năng tiếp cận với đào tạo nghề và thông tin việc làm cho người không có việc làm
- Hỗ trợ cho những lao động có kỹ năng thấp và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
- Có cơ chế khuyến khích trẻ em nghèo tiếp thu và trau dồi kỹ năng.
Thành công trước đây của Việt Nam có được là nhờ công cuộc cải cách mạnh mẽ - từ những cải cách thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980 cho đến khi gia nhập WTO vào đầu những năm 2000 – qua đó chứng tỏ quốc gia có khả năng chuyển đổi. Để trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải quán triệt tinh thần cải cách mạnh mẽ, với năm gói chính sách nêu trên. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng hành động quyết liệt và triển khai hiệu quả là cách để tạo điều kiện cho Việt Nam giải phóng triệt để tiềm năng kinh tế của quốc gia nhằm có được một tương lai thịnh vượng.
Duy Khánh