Thứ tư, 24/04/2024 05:30 (GMT+7)
Thứ tư, 12/06/2019 05:45 (GMT+7)

Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các luật cấm hoặc đánh thuế với túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tại Việt Nam, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế, chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể...

Nhìn ra thế giới

Hiện nay, các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến, quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 500 tỉ túi nilon được sử dụng. Khoảng 40% nhựa được sản xuất trên thế giới dùng để sản xuất các sản phẩm đóng gói. Một nửa tổng sản phẩm nhựa là loại chỉ dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ.

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Hiện, thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất.

Giới phân tích đánh giá, nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỉ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỉ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa - Ảnh 1
Nhiều quốc gia trên thế giới đã "nói không" với túi nhựa, túi nilon.

Để đối phó với “vấn nạn” rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã “mạnh tay” ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa. Túi nilon hiện đã bị cấm sử dụng tại 91 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 quốc gia cấm trên phạm vi cả nước

Từ tháng 1/2019, Hàn Quốc đã chính thức cấm sử dụng túi nilon trong siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán lẻ. Những cơ sở vi phạm có thể bị phạt đến 3 triệu won (62,8 triệu đồng).

Kể từ tháng 4/2019, Chính phủ Campuchia bắt đầu đánh thuế việc sử dụng túi nilon. Những người đi mua sắm ở các trung tâm thương mại và các siêu thị sẽ phải trả thêm 400 Riel (khoảng 2.300 đồng) cho 1 túi nilon.

Tại Kenya, bất kỳ ai ở nước này bị phát hiện bán, sản xuất, hoặc sử dụng túi nilon đều có thể bị phạt tới 38.000 USD hoặc lĩnh án tới 4 năm tù giam. Một số quốc gia châu Phi khác đã cấm túi nilon, bao gồm Nam Phi, Rwanda và Eritrea.

Tại châu Âu, dự kiến bắt đầu từ năm 2021, 10 sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa, thìa, đũa, tăm bông hay que gài bóng bay sẽ bị cấm sử dụng. Các sản phẩm kiểu này sẽ phải làm bằng các vật liệu tái sử dụng.

Tại Mỹ, bang California trở thành bang đầu tiên ban hành luật cấm các nhà hàng tự động cung cấp ống hút bằng nhựa dùng một lần cho khách hàng.

Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa - Ảnh 2
Ảnh TTXVN

Không thể chỉ tuyên truyền "suông", vận động "chay"

Trong sự kiện Ngày Trái đất (19/4) hồi năm 2018, bà Quách Thị Xuân - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Đà Nẵng đã đưa ra một con số rất chi tiết mô tả vẫn nạn rác thải nhựa ở Việt Nam. Trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác.

Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.

Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn.

Đã đến lúc phải có một văn bản Luật hoặc Pháp lệnh về chống rác thải. Phải có “cây gậy” pháp lý thì mới có điều kiện thực hiện mục tiêu giải quyết dứt điểm vẫn nạn này...

PGS.TS Trương Mạnh Tiến

Còn Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Mới đây, phát biểu tại lễ ra quân ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa - Ảnh 3
"Ô nhiễm trắng" rác thải nhựa đe dọa các bãi biển. Ảnh: Lekima Hùng

Thực tế đã có rất nhiều siêu thị đã bắt đầu “nói không” với túi nilon. Bắt đầu ở TP. Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ như: Saigon Co.op, Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food,… là những nơi tiên phong sử dụng phương pháp sử dụng lá chuối để bọc sản phẩm. Sau đó, đã tạo thành một làn sóng lan truyền ra khắp các hệ thống siêu thị trên cả nước. Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội cũng hưởng ứng và áp dụng bắt đầu từ ngày 1/4/2019.

Ở rất nhiều địa phương cũng có rất nhiều hoạt động hưởng ứng phong trò chống rác thải nhựa đều xuất phát từ ý thức của người dân

Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ tuyên truyền “suông”, vận động “chay” và mong chờ hiệu ứng tích cực lan tỏa để từ đó chống rác thải nhựa.

Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa - Ảnh 4
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thẳng thắn nhìn nhận: “Đã đến lúc phải có một văn bản Luật hoặc Pháp lệnh về chống rác thải. Phải có “cây gậy” pháp lý thì mới có điều kiện thực hiện mục tiêu giải quyết dứt điểm vẫn nạn này” – TS Trương Mạnh Tiến nói.

PGS Trương Mạnh Tiến cũng cho biết thêm, chất thải nhựa mới chỉ được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế chứ chưa có quy định riêng, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải nhựa. Và vì thế việc ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề xử lý rác là cực kỳ cần thiết.

“Giống như việc chúng ta đã thành công trong thực hiện cấm pháo năm 1995, nếu “mạnh tay” chúng ta hoàn toàn làm được đối với túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Trần Giang

Bạn đang đọc bài viết Nên sớm ban hành pháp lý chống rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.