Thứ sáu, 29/03/2024 20:33 (GMT+7)
Thứ ba, 28/05/2019 06:00 (GMT+7)

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Các nhà hải dương học đã tìm thấy xác cá nhà táng, cá heo... với chiếc dạ dày chứa đầy rác thải nhựa.

Những cái chết gây ám ảnh

Hồi giữa tháng 5, xác của một con cá nhà táng khoảng 7 tuổi được tìm thấy trên bờ biển ở Celafu (Ý). Trong bụng con cá xấu số chứa đầy rác thải nhựa, bao gồm cả dép xỏ ngón, hộp đừng thức ăn,…

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 1
Hàng chục kg rác thải nhựa được tìm thấy trong dạ dày xác cá voi. Ảnh: RSOS.

Tháng 4/2019, một con cá nhà táng đang mang thai dạt vào một bãi biển ở Sardinia với hơn 20kg túi nhựa và hộp nhựa các loại trong bụng.

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 2
Chú cá heo con được trợ tử khi không thể thoát khỏi cái chết gây ra bởi rác thải nhựa. Ảnh: VOX.

Tháng 3/2019, các nhà sinh vật học ở Florida (Mỹ) đã phải trợ tử một con cá heo có hai túi nhựa và một quả bóng bị nghiền nát trong bụng. Theo ông Michelle Kerr, phát ngôn viên của Ủy ban bảo tồn cá và động vật hoang dã Florida, chú cá còn rất non và suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Với tiên lượng xấu, trợ tử là biện pháp tốt nhất.

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 3
Cá voi chết vì nuốt phải rác thải nhựa, dây câu và bao tải. Ảnh: RSOS.

Trong cùng thời điểm, xác một con cá voi mõm khoằm Cuvier nặng gần 500 kg ở Philippines được phát hiện với dạ dạy chứa gần 40 kg túi nhựa, dây câu và bao tải.

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 4
Số lượng lớn rác thải được tìm thấy trong bụng cá nhà táng. Ảnh: VOX.

Năm ngoái, một con cá nhà táng trưởng thành cũng bị giết chết khi nuốt phải hơn 1.000 mảnh nhựa.

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 5
Nhiều rác thải nhựa trôi nổi trên cửa sông Estero de Vitas ở Tondo, Manila, Philippines. Ảnh: AFP.

Số lượng nhựa con người thải ra đại dương đang ở mức báo động, đe doạ nghiêm trọng sự sống của nhiều sinh vật biển, bao gồm cả những loài chim biển, rái cá, rùa biển và các loại cá.

Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa - Ảnh 6
Theo ước tính, khoảng 97% chim hải âu Laysan non sống ở phía bắc Thái Bình Dương có các mảnh nhựa trong dạ dày. Nguyên nhân là do bố mẹ của chúng nhầm lẫn rác thải nhựa với thức ăn và mớm mồi cho con. Ảnh: Claire Fackler.

Sự sống trên đại dương bị đe doạ nghiêm trọng

Tác động của rác thải nhựa lên các loài cá voi là đặc biệt đáng báo động. Nhiều loài đang trên bờ vực tuyệt chủng do môi trường ô nhiễm "bức tử" và đánh bắt quá mức.

Sự tồn tại của chúng không chỉ góp phần vào đa dạng sinh học mà còn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, nơi cung cấp nguồn protein chính cho hơn 7 tỉ người.

Theo thống kê, có khoảng 8 triệu tấn nhựa - khối lượng lớn hơn cả một kim tự tháp Ai Cập, bị thải ra đại dương mỗi năm, con số này có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai. Tạp chí Scientific Reports cho biết, nhiều vùng biển xa xôi nhất thế giới cũng đang dần bị rác thải "xâm lăng". Quần đảo Cocos (Keeling, Úc) cách bờ biển 1.300 dặm là nơi chứa khoảng 414 triệu mảnh rác nặng 238 tấn. Hiện tượng tương tự được ghi nhận trên các đảo và khu vực ven biển từ Bắc Cực đến Nam Cực.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nếu không kiểm soát tình hình hiện tại, trọng lượng của rác thải thậm chí sẽ lớn hơn tổng trọng lượng của các loài cá trên đại dương vào năm 2050.

Ông Lars Bejder, Giám đốc Chương trình nghiên cứu động vật có vú ở Đại học Hawaii Manoa (Mỹ) cho biết, tác hại của rác thải nhựa lên đời sống của sinh vật biển đang rất phức tạp, gần như toàn bộ chuỗi thức ăn bị ảnh hưởng chứ không chỉ đơn giản là cái chết của một vài cá thể.

Sau khi cá nuốt phải, nhựa sẽ chất đống trong dạ dày, cản trở các chức năng tiêu hoá. Khiến cho cá không thấy đói, không tiếp tục săn mồi và ngày càng yếu đi cho đến khi chết vì thiếu dinh dưỡng. Các loài giáp xác nhỏ - thức ăn của các loài cá lớn hơn cũng ăn phải những mảnh nhựa siêu nhỏ có trong nước biển.

Nhiều chuyên gia cho biết, nhựa là loại vật liệu rẻ tiền, dễ sản xuất và gần như không thể phân huỷ trong môi trường. Những mảnh nhựa có thể tồn tại trong hàng thập kỷ, chúng không biến mất mà bị vỡ ra làm nhiều mảnh nhỏ. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science của Anh, đối với các loài sinh vật biển, ô nhiễm rác thải nhựa còn nguy hiểm hơn sự cố tràn dầu.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo nhiều nhà khoa học, các cuộc nghiên cứu hầu như chỉ tập trung vào lượng rác thải nổi trên mặt biển mà bỏ qua một khối lượng khổng lồ khác đang "xâm chiếm" lòng đại dương. Xác các loài cá lớn bị giết chết bởi nhựa trôi dạt vào bờ biển cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Còn rất nhiều các loại sinh vật biển khác là nạn nhân của rác thải nhựa, nhưng xác của chúng đã chìm xuống đáy đại dương hoặc bị phân huỷ trong thời tiết khắc nghiệt.

Tại Vịnh Mexico, theo thống kê của các nhà hải dương học, số lượng xác cá voi nổi trên mặt biển chỉ chiếm 2 – 6% trong tổng số các cá thể chết do ô nhiễm môi trường. Phần lớn xác của những con vật xấu số đã chìm xuống đáy biển hoặc làm thức ăn cho các loài động vật khác.

Phần lớn các loài cá biển có kích thước lớn như cá nhà táng, cá heo, cá voi… nằm ở đầu chuỗi thức ăn. Chúng được các nhà khoa học gọi là “người bảo vệ sức khoẻ” của đại dương. Như vậy, chính loài người đang đe doạ sự sống của đại dương và của toàn nhân loại.

Diệu Anh

Bạn đang đọc bài viết Cá nhà táng chết thảm vì nuốt phải hàng chục kg rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.