Năng lượng tái tạo và an ninh hệ thống điện
Năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua đã gây khó khăn và sức ép đến vận hành hệ thống điện. Do vậy, để giữ an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải, việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo là bắt buộc phải thực hiện.
Năng lượng tái tạo “bùng nổ” do đâu?
Theo GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, việc các dự án năng lượng tái tạo bùng nổ đang kéo theo những khó khăn về quản lý Nhà nước. Bất cập hiện nay là khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Cơ quan lập quy hoạch điện là Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng bị đứng ngoài cuộc trong việc phê duyệt dự án. Những điều này dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cũng cho rằng, việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, điện gió trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc các địa phương phê duyệt quá nhiều dự án. Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ là đơn vị được cập nhật thông tin về sau khi các dự án được phê duyệt.
Tinh đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khoảng 69.000 MW. Trong đó, riêng điện mặt trời tính đến tháng 4/2021 đã đạt 18.783 MW (9.583 MW điện mặt trời áp mái và khoảng 9.200 MW điện mặt trời trang trại). Về điện gió, hiện mới có 612 MW, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 4.500 - 5.400 MW được đưa vào vận hành.
Điều đáng nói, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12 năm 2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm. Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu của hệ thống điện quốc gia chỉ đạt khoảng 245,9 tỉ kWh, tăng khoảng 2,7% so với năm 2019 và giảm 15,6 tỉ kwh so với kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2019.
Vậy do đâu mà năng lượng tái tạo có sự bùng nổ như vậy? Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chuyên gia về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia mới đây thì đa số các chuyên gia đều đặt nhiều câu hỏi về việc phát triển bùng nổ của năng lượng tái tạo. Hầu hết cũng chỉ ra rằng nguyên nhân đầu tiên là tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời là rất lớn nhưng yếu tố quan trọng hơn là những chính sách liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là chính sách giá.
Sức ép an toàn hệ thống điện
Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện thấp, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, việc huy động nguồn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm) rồi đến các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện lớn đang xả) rồi mới đến các nguồn điện còn lại.
Do vậy, trong 4 tháng đầu năm, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió).
Cũng theo ông Nguyễn Đức Ninh, năm 2021 dù nguồn phát từ năng lượng tái tạo có bùng nổ với khoảng 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất trên 30%, nhưng sản lượng điện phát chỉ chiếm 12% tổng sản lượng. Hàng loạt khó khăn, vướng mắc được A0 chỉ ra như: dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng A0 vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện,... Đơn cử như Ninh Thuận, địa phương có tỉ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW điện nhưng nhu cầu sử dụng ở địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.
Dự kiến cả năm 2021 sẽ cắt giảm 1,25 tỉ kWh, chiếm 9% tổng sản lượng năng lượng tái tạo. Nhìn vào công suất cắt có vẻ nhiều nhưng sản lượng thực tế phát so với tổng công suất của các dự án thì lại rất thấp. Vì vậy, do tính chất bất định của năng lượng tái tạo nên các tổ máy điện truyền thống như than, khí, dầu phải điều chỉnh rất nhiều gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Với một dự án điện than, khí, dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại như vậy chi phí lên tới cả chục tỉ đồng, chưa kể gây nguy cơ hỏng hóc, giảm tuổi thọ máy.
Do ưu tiên huy động nguồn năng lượng tái tạo mà trong 4 tháng đầu năm 2021 các nhà máy nhiệt điện đã phải khởi động tổ máy đến hơn 334 lần. Con số này vào nửa cuối năm 2019 (thời điểm bắt đầu huy động nguồn điện mặt trời vào hệ thống) là 74 lần, vào năm 2020 là 192 lần. Tất cả các lần huy động lại nguồn điện đều có thể dẫn đến sự cố tăng nguy cơ sự cố tổ máy (như đã xảy ra với nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa…).
Ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc EVN cho hay, thời gian qua, để vận hành hệ thống điện, thị trường điện đảm bảo an toàn, liên tục và kinh tế, EVN luôn tuân thủ các Thông tư, quy định của Nhà nước, các Bộ, ngành, với ưu tiên cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì sự ổn định của hệ thống điện. Tập đoàn cũng đã nỗ lực điều hành để tổng chi phí sản xuất toàn hệ thống ở mức thấp nhất.
Tổng Giám đốc EVN cũng khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục.
Tại văn bản số 1226/BCT-ĐTĐL ngày 9/3/2021 gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Bộ Công Thương khẳng định việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện. Việc tiết giảm được EVN/A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.
Hằng Thương