Chủ nhật, 05/05/2024 07:11 (GMT+7)
Thứ năm, 28/09/2023 13:57 (GMT+7)

Nan giải chuyện tìm và trọng dụng người tài               

Theo dõi KTMT trên

Người tài, họ là ai, tìm họ ở đâu và làm sao để họ thể hiện, cống hiến tài năng tốt nhất cho đất nước?

Bối cảnh

Thời gian gần đây nhiều sự kiện, nhiều bài báo đề cập tới đội ngũ trí thức và cống hiến của đội ngũ này ở Việt Nam. Mới đây nhất là là vào ngày 7/4/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng (TP. Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Tôi có một câu hỏi luôn muốn được trả lời là: Người tài, họ là ai, tìm họ ở đâu và làm sao để họ thể hiện, cống hiến tài năng tốt nhất cho đất nước và những người thuộc đội ngũ trí thức đã được coi là người tài, hiền tài hay chỉ một số (có thể là rất ít) trong đó là người tài. Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra và tìm cách trả lời, đó là liệu có những người không thuộc đội ngũ vẫn có thể được coi là người tài không.

Quả thật, rất khó để đưa ra câu trả lời rành rọt, ngắn gon, dễ hiểu và được nhiều người đồng thuận. Vì vậy, trong bài viết ngắn này tôi muốn bộc bạch những gì thu được, cảm nhận được về người tài, hiền tài và mong được bạn đọc cùng thảo luận.

Tìm hiểu

Trước đây, vào thập kỷ 60, 70, 80 thế kỷ 20 chúng tôi còn trẻ rất ham đọc sách nhưng số lượng sách không nhiều. Tuy nhiên vào năm 1965, tôi may mắn được vào học lớp toán đặc biệt khóa I của Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được sơ tán gần thư viện của Trường nên được thỏa sức đọc. Loại sách chúng tôi thích đọc là sách viết về các vĩ nhân, đôi khi cả giai thoại, chuyện kể nhưng hấp dẫn lắm. Tấm gương sáng của những nhà Vật lý, Toán học, Hóa học, Sinh học.v.v... đã cuốn hút chúng tôi với những cái tên và sự kiện như Nhà Bác học cổ Hy Lạp Acsimet, khi tìm ra định luật sức đẩy của nước mà từ bồn tắm nhảy ra quên cả mặc quần áo, miệng kêu lớn: "Ơrêca! Ơrêca (Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!) hay chuyện về quả táo rơi giúp Newton tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn, rồi về sự dũng cảm của Galileo và Bruno, bênh vực, khẳng định thuyết nhật tâm (Trái đất tự quay quanh trục của mình và chuyển động quanh Mặt trời) của Kopernic,.v.v… Thật ra còn rất nhiều câu chuyện về những sự kiện như vậy nhưng có cả những sự kiện khiến chúng ta đau lòng khi nói về thí nghiệm chứng minh sét là hiện tượng điện khí quyển đã làm mất đi nhà khoa học Richman hay sự tập trung đến mức cực đoan và cả đãng trí nên Landau đã bị tai nạn ô tô.

Ngoài các nhà khoa học thiên tài, tôi cũng chú tâm đọc về những anh hùng, những tướng lĩnh, những nhà lãnh đạo tài ba như Thành Cát Tư Hãn, Pie Đại đế, Napoleon, Gia Cát Lượng,… Ở Việt Nam cũng có những con người thực sự tài ba, anh hùng như những nhà lãnh đạo: Đinh Bộ Lĩnh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi,… và những nhà khoa học, nhà văn như Trạng Lường (Lương Thế Vinh) với câu chuyện cân voi hay nhà bác học Lê Quý Đôn, nhà thơ lớn Nguyễn Du với truyện Kiều bất hủ và còn nhiều, nhiều lắm, không thể kể hết được. Chúng tôi đã đọc về họ và cố tìm hiểu sao họ lại tài giỏi như vậy. Vào thời điểm ấy những người tài được lý giải theo hướng họ được đấng cao siêu (Trời, Chúa, Phật,…) ban cho những năng lực đặc biệt hay họ hấp thụ được khí thiêng trời đất và tiếp thụ được kiến thức cha ông để lại rồi sáng tạo, áp dụng để thực hiện được công việc nhiều/mọi người không thể làm, để thu được những thành công vang dội đến nhiều thời đại.

Lớn dần lên, qua đọc nhiều tài liệu, bài viết tôi thấy khái niệm người tài/hiền tài/nhân tài được phân tích khá sâu trong những tài liệu chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, những bài viết của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn,… đã được xuất bản.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng loạt 5 bài viết do 2 tác giả: “Nội dung: Nguyễn Minh - Thực hiện: Phạm Cường. Ảnh: TTXVN” thực hiện, bắt đầu đăng ngày 24/10/2020. Đây có thể coi là thông tin chính thống vì được đăng trên tạp chí của Đảng và trích dẫn nhiều văn kiện, tài liệu của các cơ quan Đảng, Nhà nước và của nhiều vị lãnh tụ, lãnh đạo quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, không dễ để hiểu tường tận những gì đã thể hiện trong bài viết, bởi vì chính bài viết đã nêu “Vấn đề người tài và sử dụng nhân tài (người tài) đây là vấn đề khó, gai góc cả về lý luận lẫn thực tiễn và đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa và thậmchí nó được đưa vào nghị trường Quốc hội để bàn bạc, thảo luận. Và thực tiễn các cuộc tranh luận ấy đã để chúng ta có cái nhìn và hiểu rõ hơn nhân tài là ai?”.

Đặc biệt, khái niệm về người tài, họ là ai cũng có nhiều ý kiến đề cập tới nhiều khía cạnh rất khó có sự đồng thuận. Về tìm và sử dụng người tài phục vụ giải phóng, xây dựng, phát triển đất nước bài viết phân tích kỹ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong trường hợp Nhà nước cách mạng chưa có hệ thống đào tạo, giáo dục của riêng mình thì Bác đã nhắm đến nhiều trí thức được học tập và có bằng cấp của  các hệ thống khác, kể cả từ hệ thống đào tạo ở nước ngoài. Bằng cách thuyết phục tài tình của Bác Hồ và từ tấm lòng yêu nước vốn có mà nhiều trí thức tốt nghiệp từ Pháp, Nhật như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Lương Định Của,… đã đi theo cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để tham gia kháng chiến và sau này là kiến quốc. Về mặt xuất thân, nhiều nhà khoa học, trí thức không phải từ giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp lao động mà thậm chí xuất than từ tầng lớp trên nhưng vẫn được trọng dụng và phát huy được tài năng của mình phục vụ đất nước. Khi cần, nhiều quan lại của chế độ cũ cũng được Bác và Cách mạng tin dùng và đóng góp nhiều cho đất nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Phan Kế Toại,… và ngay cả Hoàng đế Bảo Đại cũng được mời tham gia Chính phủ đầu tiên của chính thể đầu tiên sau cách mạng Tháng Tám 1945. Một điểm khác được nêu lại về cách tìm người tài từ tiến cử của quần chúng, từ cộng đồng dân cư của Bác Hồ: “Bác đã ra Sắc lệnh, đề ra cụ thể nhiệm vụ của các địa phương là phải quan tâm để ý, phát hiện người tài ở địa phương mình, báo cáo lên Chính phủ để trọng dụng người tài đó”. Có lẽ Bác đã hiểu rõ và vận dụng cách tìm người tài của các chế độ phong kiến là tiến cử hiền tài, ai tiến cử được người tài thực sự thì cũng được ghi nhận, thưởng lớn. Do ngày ấy chưa có phương tiện thông tin như ngày nay nhưng dư luận trong dân luôn có thông tin về những người tài đức mà họ được biết, được kể nên nếu chính quyền các cấp quan tâm thì không khó tìm kiếm người tài trong quần chúng nhân dân.

Những chính sách tìm kiểm, thu hút người tài chính thống của Đảng, của Nhà nước Việt Nam từ khi có Đảng đến nay và đặc biệt là của lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập cho đất nước và xây dựng đất nước hùng mạnh như hôm nay. Tuy nhiên, trong thời đại mới khi kinh tế đã và đang vào thời đại kinh tế tri thức, với đóng góp của lao động mà chủ yếu là lao động có tri thức, tạo được giá trị gia tăng cao thì phải có cách hiểu, cách thu hút, cách sử dụng người tài hiệu quả hơn để có hiệu quả hơn. Để thấy rõ điều này xin dẫn lại một số vấn đề được đề cập trong bài viết của chúng tôi đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường điện tử cách đây không lâu [1]. Trong bài viết này chỉ nêu một khía cạnh về vai trò của vốn tài nguyên con người (human capital-TNCN) trong phát triển đất nước. Nếu đem so với vốn tài nguyên thiên nhiên (natural capital-TNTN) thì trừ các nước có thu nhập thấp, các nước còn lại đều có mức đóng góp của vốn tài nguyên con người vào tổng mức giàu có (hay tổng mức tài nguyên - total wealth= TVTN) của một quốc gia nhiều hơn (xem hình 1). Theo số liệu tính toán trong tài liệu do Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành [2] thì ở các nước thu nhập thấp, TVTN cho phát triển vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn TNTN (chiếm 47%) trong khi vốn TNCN chỉ chiếm 41%. Nhưng ở các nước có mức thu nhập cao hơn thì vốn TNCN chiếm tỷ lệ rất cao, cao hơn tỷ lệ vốn TNTN, ở các nước thu nhập trung bình (TNTB) mức dưới tỷ lệ này lần lượt là 51% so với 27%, ở các nước TNTB mức trên tỷ lệ này lần lượt là 58% so với 17%, ở các nước thu nhập cao (TNC) ngoài OECD tỷ lệ này lần lượt là 42% so với 30%, thậm chí ở các nước TNC thuộc OECD chênh lệch giữa mức đóng góp của vốn TNCN và vốn TNTN rất lớn: 70% so với 3%). Như vậy có thể thấy, muốn trở nên giàu có phải chú trọng nâng cao mức vốn TNCN.

Nan giải chuyện tìm và trọng dụng người tài                - Ảnh 1

Tỷ lệ đóng góp của các vốn thành phân vào tổng vốn tài nguyên của một số nhóm nước, tính cho thời điểm 2014 theo tính toán của WB [2].

Ghi chú: OECDOrganization for Economic Cooperation and Developmentlà tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Theo WB thì TNCN là động lực phát triển và được đo bằng giá trị thu nhập có tính tới giá trị chiết khấu theo thời gian trong suốt cuộc đời của một người, và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số năm đi học mà người lao động đã hoàn thành, mức thu nhập kiếm được từ việc đi học (phụ thuộc vào chất lượng học tập diễn ra ở trường) và thời gian người lao động có thể làm việc (tính đến tình trạng sức khỏe thông qua tuổi thọ, trong số những người khác). Vì vậy, vốn này sẽ được nâng lên khi đội ngũ lao động của một quốc gia được đào tạo tốt, có trình độ, tay nghề cao, lao động có tính sáng tạo, có kỹ luật, có hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho tổ chức tuyển dụng mình và cho cả đất nước.

Ở Việt Nam, cách tính năng suất lao động, mức thu nhập của người lao động chưa thật sự phản ánh hết những gì người lao động đã thực hiện trong quá trình làm việc. Chẳng hạn, một bác sĩ làm việc trong một cơ sở công lập có thể có mức thu nhập (lương) thấp nhưng khi họ làm việc cho cơ sở tư nhân thì lại được trả thu nhập cao hơn. Điều này cũng đúng với nhiều ngành nghề khác nên nhiều khi các nhà khoa học, các giảng viên, giáo viên muốn rời cơ sở công lập ra làm việc cho các cơ sở dân lập, tư thục để có mức thu nhập cao hơn

Chúng ta phải làm rõ cách tính mức đóng góp của người lao động làm việc cho các tổ chức ngoài công lập để họ có thể nhận được mức thu nhập tương xứng. Một trong cách tính thu nhập ở các tổ chức ngoài công lập là dựa trên mức “tiền” mà người lao động đem được về cho tổ chức/doanh nghiệp bằng cống hiến đã được mã hóa bằng định mức nhất định.

Thật ra, nhiều người cho rằng, người lao động, kể cả trí thức trong các cơ sở công lập làm việc “nhẹ nhàng” hơn, không quá căng thẳng, không phải “sáng tạo”, cố gắng gì nhiều vẫn được hưởng lương theo ngạch bậc định sẵn. Nếu có bằng cấp cao, học vị, học hàm, danh hiệu cao sẽ có mức lương cao nên nhiều người cố gắng để có thể nhận được bằng cấp để có vị trí cao trong xã hội và có mức lương cao hơn. Vì vậy mà bây giờ có cả trường công lập. trường tư thục, trường dân lập đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và các bằng của các đơn vị được nhiều cơ sở tuyển dụng coi như nhau về giá trị (trình độ). Ở nhiều nước, đẳng cấp của cơ sở đào tạo được coi trọng vì có nhiều tổ chức chuyên đánh giá giá trị của sản phẩm mà họ đào tạo trong suốt quá trình họ làm việc.

Rất tiếc, Việt Nam chưa có các tổ chức đánh giá như vậy nên giá trị các thương hiệu đào tạo chưa thật rõ. Chẳng hạn, có phải chất lượng dào tạo của một cơ sở đào tạo được đánh giá bằng chất lượng thày cô giáo hay không? bằng cơ sở đào tạo hiện đại, tiên tiến hay không, bằng chương trình đào tạo mới, tiên tiến hay không? vẫn còn là câu hỏi mà chưa có câu trả lời trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Đến các trường đại học ở một số quốc gia, một cảnh mà mọi người dễ nhận thấy là có nhiều sinh viên quốc tế, nhà khoa học quốc tế đến để học tập, nghiên cứu và có thể coi đây là chỉ tiêu đánh giá thương hiệu đào tạo. Tôi cũng đã có lần mạnh dạn phát biểu về điều này ở Đại học Quốc gia Hà Nội và luôn chờ đợi một ngày có nhiều sinh viên nước ngoài đến ĐHQG HN không chỉ học tiếng Việt, Việt Nam học mà cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản nữa.

Người ta hay nói đến chảy máu chất xám, liệu có thể coi nhiều học sinh giỏi của Việt Nam đi học ở nước ngoài nhưng không về làm việc ở Vệt Nam và đã trở thành nhà khoa học giỏi ở nước ngoài là chảy máu chất xám không? Có lẽ phải tìm hiểu thêm vấn đề về công việc của họ, cơ sở, làm việc, điều kiện làm việc ở Việt Nam có đủ để tài năng của họ phát triển hay không. Ở các nước, ngoài đầu tư trực tiếp của nhà nước, chính phủ tạo ra nhiều quỹ phát triển khoa học công nghệ, không chỉ giúp nhà khoa học của quốc gia mà cả các nhà khoa học quốc tế có khả năng nhận được tài trợ kinh phí cho hoạt động của họ. Tôi cũng đã có lần đề cập tới vấn đề ra nước ngoài làm việc khi mà năm 1991 các bạn quốc tế trong lớp đào tạo của tôi ở Dresden, CHLB Đức hỏi lý do những nhà khoa học Việt Nam “chạy” ra nước ngoài tỵ nạn và làm việc. Tôi đã trả lời là ở Việt Nam khi đó chưa có điều kiện hạ tầng tốt (ví dụ như thiết bị khoa học, phòng thí nghiệm hiện đại) nên họ ra đi nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng khi đất nước cần thì họ sẽ trở về làm việc.

Như vậy, người tài (dù theo nghĩa nào cũng được) của Việt Nam hiện nay đã có. Trong đó có đội ngũ trí thức hùng hậu ở các Trường đại học, Viện nghiên cứu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), rồi cả các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài luôn sẵn sàng về nước đóng góp công sức của mình. Vậy, điều kiện gì giúp những người tài, những trí thức trình độ cao có thể tỏa sáng, xứng danh hiền tài của đất nước?. Xin được bàn luận vài ý về vấn đề này dưới đây

Trước hết là có công việc phù hợp với trình độ, ngành nghề. Ta hay nói người tìm việc hay việc tìm người và đây gần giống như quan hệ “ông chủ” và “người làm”. Trong thời đại này, ông chủ lớn nhất là các cơ quan lãnh đạo tầm quốc gia. Các cơ quan này phải định ra hướng phát triển đất nước và thực hiện 3 vấn đề cơ bản của kinh tế là sản xuất cái gì/cung cấp dịch vụ gì; sản xuất như thế nào (huy động công cụ nguồn lực trong đó có nhân lực) và sản xuất cho ai.

Xin lấy một ví dụ về sản xuất cái gì, chẳng hạn sản xuất năng lượng nguyên tử đã được nhiều quốc gia tập trung nghiên cứu và tập trung nguồn lực để xây dựng nhà máy điện nguyên tử, chế tạo vũ khí nguyên tử, vũ khí hạt nhân). Triều Tiên là quốc gia sớm đã quyết định và tập trung để làm chủ công nghệ hạt nhân và họ đã có vũ khí hạt nhân có thể tích hợp vào tên lửa tầm xa. Theo tôi biết, trước đây Việt Nam cũng đã có kế hoạch nghiên cứu sâu về công nghệ năng lượng hạt nhân, đã cử nhiều sinh viên, nhà khoa học giỏi đi học hỏi nghiên cứu ở Liên Xô (có thể cùng thời với nhiều nhà khoa học Triều Tiên) và cũng có hy vọng sau này có thể phóng tàu vũ trụ từ chiến khu Việt Bắc.

Nhưng có lẽ Việt Nam chúng ta phải tiến hành cuộc chiến chống Mỹ gần 20 năm, sau đó bị Mỹ và nhiều quốc gia cấm vận nên chưa thực hiện được như Triều Tiên. Các quốc gia có thể quyết định nhiều sản phẩm trong đó có những sản phẩm công khai và cả sản phẩm có tính bí mật cao. Vì vậy, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp sản xuất vũ khí luôn được chú trọng, ưu tiên đầu tư. Tất nhiên, nhiều sản phẩm, kết quả của công nghiệp quốc phòng có thể áp dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế khác nên không thể phát triển tách rời nhau. Nhà nước cần định hướng phát triển những ngành quan trọng, tập trung nguồn lực tổng hợp, tích hợp để giải quyết. Chẳng hạn có thể đặt ra mục tiêu phát triển công nghệ phần mềm, công nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo để đến năm 2030 đạt được mức nào đấy.

Chúng ta đã có nguồn nhân lực tại chỗ khá mạnh, nhiều nhà khoa học, nhiều lập trình viên, cán bộ kỹ thuật đã có sản phẩm được lưu hành. Tuy nhiên để đạt trình độ quốc tế phải có chiến lược rõ ràng, chẳng hạn chế tạo người máy, máy bay không người lái, xe thiết giáp không người lái thì có thể phải mua một số sản phẩm nước ngoài, mổ xẻ để học tập nắm vững những vấn đề quan trọng cơ bản để “học theo”, sáng tạo và chế tạo được sản phẩm của mình. Tôi nhớ năm 2003 khi sang Trung Quốc tham quan thiết bị đo đạc, phân tích chất lượng không khí, đến một phòng thí nghiệm được nhà khoa học Trung Quốc giới thiệu hai máy sắc ký khí, một cái Trung Quốc mua của Mỹ, nhỏ gọn, đẹp còn cái của Trung Quốc chế tạo thì “thô kệch”, có phần xấu xí hơn rất nhiều nhưng Trung Quốc vẫn chế tạo và từng bước cải thiện và khoảng 10 năm sau, khi  đến Hàn Quốc dự Hội nghị lớn về quản lý chất lượng không khí thì nhiều doang nghiệp Trung Quốc trình diễn, chào hàng những thiết bị có mẫu mã, chất lượng không kém của Mỹ. Nếu Nhà nước định hình được những mặt hàng tối cần thiết, phải sản xuất được trong thời gian tới thì mới có thể huy động được mọi nguồn lực, trong đó có nhân lực để thực hiện. Thực tế xây dựng đề tài NCKH thời gian qua cho thấy, có rất ít đề tài được đặt hàng mà phần nhiều là các nhà khoa học “đề xuất” đề tài, xin kinh phí để thực hiện (theo cách nói dân gian là “xin” và “cho”). Nhà nước, các cơ sở, hãng sản xuất cần có những đặt hàng rõ ràng và kêu gọi, tập hợp các nhà khoa học, các doanh nghiệp KHCN cùng thực hiện.

Tiếp đến, phải đầu tư đủ nguồn lực kinh phí, thiết bị, cơ sở hạ tầng,… để chế tạo được sản phẩm, sáng tạo được công nghệ mong muốn. Khi đó Nhà nước phải có cơ chế đặc thù để giải quyết được những vấn đề phát sinh và khi có sản phẩm phải được kiểm định, kiểm nghiệm một cách chặt chẽ, khoa học. Chẵng hạn, chúng ta đã cho phép một số nhóm chế tạo vaccine ngừa Covid-19, đã có sản phẩm và đã có thẩm định trong nước mà nguyên Phó Thủ tướng đã đồng ý tiêm để thẩm định. Nhưng để được các nước, các tổ chức quốc tế công nhận thì không hề dễ nên chúng ta chưa thể công bố và sử dụng loại vaccine này ở Việt Nam. Tương tự như vậy, Việt Nam có thể chế tạo được một số loại thuốc có thể có tác dụng tốt nhưng vẫn chưa được thẩm định nên người dùng vẫn chưa tin tưởng sử dụng. Nếu Nhà nước tập trung tìm cách giải quyết những rào cản thì có thể ngành dược Việt Nam, ngành Sinh - Y - Hóa sẽ có những sản phẩm “đặc hiệu” của Việt Nam.

Thứ ba, khi đã định hướng được sản phẩm công nghệ cần được chế tạo, sáng tạo thì phải có cơ chế đặc thù, hết sức tạo điều kiện để những nhà khoa học phát huy hết tài năng cùng thực hiện. Tất nhiên Nhà nước phải lập được dự án với “Nhóm lãnh đao” mạnh trong đó phải có người chịu trách nhiệm chính lảm “tổng công trình sư”, có đủ quyền lực huy động các nguồn lực để thực thi. Tôi còn nhớ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ có nhiều đợt Bộ Quốc phòng “trưng dụng”/yêu cầu nhiều nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến quốc phòng, cải tiến vũ khí, phá mìn do Mỹ cài đặt ở nhiều nơi, đặc biệt vùng biển. Một Giáo sư ở Khoa Vật Lý Trường Đại học Tổng hợp được mời tham gia khoảng 6 tháng, mỗi ngày có xe đưa đón (như cán bộ cao cấp lúc bấy giờ) và hết giờ xe đưa về tận nhà. Khi trở lại làm việc vị Giáo sư tâm sự với đồng nghiệp: đó là quảng thời gian làm việc có hiệu quả rất cao vì công việc khó nhưng rõ ràng, các nhà khoa học phải tìm cách thực hiện tốt nhất và Bộ Quốc phòng đã đặt ra chế độ làm việc đặc biệt, bí mật, hiệu quả, ít nhất Giáo sư có 2 nhà khoa học giúp việc, một người lo tìm tài liệu và một người như là thư ký khoa học (do quân đội cử). Giáo sư nhớ là có tài liệu tìm ở Việt Nam lúc đó không có nhưng chỉ khoảng một tuần đã mua từ một nước tư bản gửi về. Với cơ chế đặc thù như vậy nên Giáo sư cho rằng vài tháng làm việc cho kết quả bằng cả vài năm, thậm chí chục năm làm việc tại trường. Nhiều người cho rằng phải có đãi ngộ cao để trí thức phát huy hết năng lực lao động nhưng chúng tôi cho rằng, giao công việc/đề tài cụ thể (có thể rất khó khăn) và tạo điều kiện đặc thù để tập hợp đội ngũ, sắm thiết bị, tổ chức nghiên cứu thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Là người trong cuộc, chúng tôi thấy nhiều đề tài/chương trình (các đề tài thuộc chương trình Nafosted là một ví dụ) do các nhà khoa học đặt ra và đề nghị nhà nước cấp kinh phí nên đôi khi kết quả chưa được sử dụng hiệu quả.

Thứ tư, phải thành lập được Nhóm. Hội đồng, Ủy ban nghiên cứu và tìm được một người đủ tầm lãnh đạo (như Tổng công trình sư) thực hiện dự án. Thật ra phải có cách tìm ra người tài giữ chức vụ này thông qua nhiều kênh, từ tiến cử, thảo luận, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi (trừ dự án bí mật), tổ chức hội đồng đánh giá,… và khi quyết định đưa họ vào giữ chức vụ này thì phải trao quyền cho họ đủ để họ hoàn thành công việc. Các điều kiện họ cần là nhân lực (do họ tiến cử, có thể từ nguồn nước ngoài), thiết bị, phòng thí nghiệm, kinh phí và có cơ chế mang tính đặc thù trong suốt quá trình thực hiện dự án. Có lẽ không thể có sẵn một “Công trình sư” để có thể sử dụng mà người lãnh đạo (đồng thời là người tài) phải dám quyết, dám giao việc, tạo điều kiện thì dần dần mới có được những người đủ tầm đảm nhận thực hiện những dự án có tầm cao hơn. Có lẽ, Việt Nam cần có nhiều hơn những lãnh đạo dám giao việc, giao dự án và tìm cách để có các tổng công trình sư thực hiện công việc/dự án. Chúng ta đã có Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người dám giao việc xây dựng công trình lưới tải điện 500 kV Bắc - Nam cho những người tâm huyết với công việc, tạo điều kiện đặc thù để họ hoàn thành được công việc rất hệ trọng mang tính kinh tế, chính trị cao thời bấy giờ. Hy vọng sẽ được thấy dự án tầm cỡ như mơ ước của lứa chúng tôi thời thanh niên ở thập niên 70 và 80 thế kỷ 20 là Việt Nam có tàu vũ trụ phóng lên từ chiến khu Việt Bắc.

Kỳ vọng

Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam có thể cất cánh đưa đất nước lên những tầm cao mới dựa trên trí tuệ Việt Nam, dựa trên cống hiến của hiền tài Việt Nam. Việt Nam đã có những người tài biết tổ chức trọng dụng người tài trong cách mạng giải phóng dân tộc mà thiên tài Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời. Với những lãnh đạo Đảng và Nhà nước tài năng, Việt Nam đã động viên được nhiều tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đưa đất nước phát triển vượt bậc, nhân dân được hưởng cuộc sống hạnh phúc, no ấm. Tầng lớp Trí thức, các kỹ sư, các nhà khoa học đã dần dần làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật xây nên những cây cầu hiện đại, những khu đô thị sầm uất, làm chủ công nghệ thông tin, viễn thông, từng bước cơ khí hóa và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (sản xuất được giống lúa tầm cỡ quốc tế chẳng hạn). Chúng ta đã sản xuất được ô tô nhãn hiệu Vinfast, cả xe điện và xe buýt, xuất khẩu sang nhiều nước trong dó có Mỹ.

Chúng ta đã có những tập đoàn sản xuất có hàm lượng nghiên cứu, sáng tạo KHCN lớn như Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội); Tập đoàn Vingroup của Tỷ phú Đô la Phạm Nhật Vượng; Tập đoàn FPT; Tập đoàn xây dựng và Phát triển PHENIKAA,… trong đó có những tập đoàn có thành viên là Trường Đại học, Viện nghiên cứu trực thuộc. Chúng ta lại có Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật), nơi tập trung nhiều nà khoa học uy tín và được trang bị nhiều loại thiết bị, nhiều phòng thí nghiệm hiện đai. Chúng ta có hai Đại học Quốc gia, có Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiều nguồn lực NCKH đã và đang được nâng cao và hiện đại hóa. Chúng ta cũng đã thành lập các Khu Công nghệ cao ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, được coi là cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp có liên quan đến những kết quả NCKH có tiềm năng ứng dụng để tạo sản phẩm, hàng hóa.

Mới đây Chính phủ đã có Nghị định mới về thành lập doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KHCN), đó là Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 58 của Luật Khoa học và công nghệ liên quan đến doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Luật KHCN ban hành năm 2013 - Luật KHCN 2013). Đến nay (2023), đã có những bổ sung, sửa đổi Luật KHCN 2013 mà mới nhất là Luật KHCN ban hành năm 2022 (Luật KHCN 2022). Các Luật và Nghị định này đã quy định nhiều điều có lợi cho phát triển KHCN của Việt Nam, trong khuôn khổ bài viết chỉ nêu một số điều có liên quan, đó là:

-Khái nhiệm dịch vụ KHCN

-Doanh nghiệp KHCN, kể cả doanh nghiệp tư nhân

-Thị trường KHCN

-Quyền của cá nhân hoạt động KHCN

Tuy nhiên, vấn đề là tính khả thi của một số điều còn chưa thật rõ, một trong số đó là khái niệm về sản phẩm KHCN, sản phẩm tri thức. Nếu sản phẩm KHCN chưa được làm rõ thì thị trường KHCN cũng sẽ hoạt động khó khăn và có nhiều nhạn chế. Bản quyền/sở hữu về các sản phẩm KHCN cũng chưa được các tổ chức có uy tín chứng nhận và bảo đảm. Là người có tham gia công tác NCKH mà đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết về sở hữu, bản quyền của sản phẩm KHCN. Mới gần đây tôi mới hiểu được bản quyền và tác quyền của một bài hát hoặc một cuốn sách.

Năm 2006 tôi đưa bản thảo sách giáo khoa: “Giáo trình kinh tế môi trường” đến Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục thì được chấp nhận cho in. NXB đưa cho tôi bản hợp đồng để ký, tôi ký nhưng về nhà mới đọc kỹ là tôi có bản quyền tác giả còn NXB Giáo dục có bản quyền xuất bản. Với bản quyền tác giả thì khi in tôi nhận được nhuận bút còn NXB khác muốn in giáo trình này phải thương lượng và được phép của NXB Giáo dục. Tôi cũng đã có một số “sản phẩm” có thể đăng ký bản quyền, bán, chuyển giao cho nhiều cơ sở sử dụng nhưng không biết thủ tục nên không đăng ký.

Chẳng hạn, nhóm của tôi có lập được chương trình đơn giản tính lan truyền các chất ô nhiễm không khí trong khí quyển từ một hoặc nhiều nguồn thải khác nhau. Một lãnh đạo Sở TN&MT đã mua “bản quyền” sử dụng trong lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án phát triển có phát thải chất ô nhiễm không khí. Một số người (trong đó có học sinh cũ) gửi số liệu đầu vào để tôi tính và gửi kết quả, đôi khi tôi cũng được nhận khoản thù lao nào đó. Tuy nhiên, chương trình của chúng tôi được dùng giảng dạy cho sinh viên nên nhiều người, tổ chức có và biết cách sử dụng “miễn phí”. Tôi nhớ một lần xuống một Sở TN&MT gặp một học sinh cũ cũng đến bảo vệ báo cáo ĐTM tại Sở và được thông báo là chương trình của “Thầy” vẫn được sử dụng cho kết quả tốt.

Như vậy, nếu tôi đăng ký bản quyền và được bảo hộ thì tôi có thể yêu cầu các cá nhân, tổ chức sử dụng để tạo lợi ích phải trả tiền “tác quyền” giống như một bài hát được dùng biểu diễn có thu tiền phải trả tiền cho tác giả. Hay, khi thực hiện một hợp tác quốc tế, nhóm NCKH của chúng tôi đã tạo và thử nghiệm thành công trên thực địa một hệ thống giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm từ khí thải ống khói các lò gạch thủ công (được xây dựng rất nhiều ở các thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20). Tôi nhớ, hiệu quả hệ thống này chỉ đạt (giảm được) khoảng 50% nên nhiều người cho rằng không đạt nhưng khi bảo vệ tại hội thảo quốc tế thì có một chuyên gia xác nhận đây là kết quả tốt, phản ảnh đúng thực tế áp dụng trên thực địa (hiệu suất cao hơn chỉ có thể đạt được ở quy mô phòng thí nghiệm).

Kết quả này giúp chúng tôi quyết định đem hệ thống này trình bày trong Chợ công nghệ (TechMart) như sản phẩm của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN vào khoảng cuối thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21. Trong giai đoạn này, đã có những ghi nhận về tác hại của khí thải từ các lò gạch thủ công đến sức khỏe cộng đồng xung quanh và mùa màng, cây trồng nên có hai luồng ý kiến: (1) tiếp tục cho các lò gạch hoạt động nhưng phải có hệ thống xử lý khí thải và (2) cấm hoạt động của lò gạch thủ công. Khi ấy tôi đã nhận được đề nghị chuyển giao hệ thống từ một số chủ lò gạch để khi quyết định cho hoạt động thì có hệ thống xử lý khí thải lắp đặt. Tôi đồng ý ngay nhưng khi họ hỏi về giá cả thì tôi thật sự lúng túng, không biết trả lời sao nên chỉ lấp lửng là theo thỏa thuận và chắc chắn là không quá cao. Rất tiếc là sau đó có quy định cấm hoạt động các loại lò gạch thủ công, nếu không chắc chúng tôi đã “giàu to”.

Do chúng ta chưa hình dung rõ một số sản phẩm KHCN nên thị trường KHCN sẽ không hoạt động tốt và giá sản phẩm rất khó xác định. Tôi nhớ khi khánh thành Khu Công nghệ cao ở Hòa Lạc, tôi dược mời dự và phát biểu, nêu thực trạng về định giá và chuyển giao sản phẩm đối với nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn, liệu Khu Công nghệ cao có giúp được không thì nhận được trả lời rất quả quyết là được và đó cũng là mục tiêu của Khu Công nghệ cao.

Xét về nguồn nhân lực, có thể thấy Việt Nam đã có thời gian dài đưa được nhiều cán bộ đi đào tạo ở nhiều nơi trên thế giới và nhiều trong số họ có khả năng, kỹ năng tổ chức nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu ở trình độ cao. Tuy nhiên, nhược điểm cơ bản nhất là chúng ta chưa có cơ chế trao đổi khoa học với các nước có nền khoa học tiên tiến như các nước khác hiện đang làm. Malaysia là nước có cơ chế trao đổi khoa học tốt với các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, nhiều nhà khoa học đã đến Malaysia làm việc trong thời gian dài, thậm chí giữ các chức quản lý (trưởng phòng thí nghiệm, trưởng bộ môn, trưởng nhóm nghiên cứu,…) ở một số lĩnh vực khoa học đang được thế giới chú trọng. Một đặc điểm nữa là Việt Nam chậm đổi mới lĩnh vực khoa học, vẫn nghiên cứu (và cả đào tạo) theo lĩnh vực truyền thống, theo cái mình có chứ chưa bắt kịp xu hướng nghiên cứu lĩnh vực mới. Tôi nhớ lần sang thăm Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore (NUS), họ nói nhiều về thay đổi lĩnh vực nghiên cứu khi bước sang thế kỷ 21, chuyển dần từ đào tạo công nghệ thông tin đại trà sang đào tạo chuyên sâu và dịch chuyển nghiên cứu, đào tạo sang lĩnh vực mới về Sinh - Y - Hóa, không biết hiện nay họ tập trung vào lĩnh vực nào?. Khi tôi đặt câu hỏi về kinh phí cho NCKH của NUS đến từ đâu thì họ nói chủ yếu đến từ Chính phủ theo đặt hàng cho các Giáo sư của trường.

Tôi lại hỏi về cách đánh giá chất lượng, kết quả của việc thực hiện đề tài thì được biết: họ gửi kết quả cho các nhà khoa học danh tiếng, các tổ chức KHCN hàng đầu Thế giới ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á để lấy ý kiến đánh giá. Ở Singgapore, Malaysia luôn tổ chức những hội thảo, seminar khoa học quốc tế, mời các nhà khoa học hàng đầu đến thảo luận trình bày những kết quả mới. Theo nhiều tài liệu, các trường đại học ở Singapore và Malaysia luôn có giảng viên nước ngoài giảng dạy nên chất lượng một số trường rất cao, được công nhận trong giới học thuật quốc tế.

Tương tự như vậy, nhiều bệnh viện của họ có sự phục vụ của các bác sĩ, giáo sư y học giỏi nên chất lượng chữa bệnh cao, có uy tín, thu hút không chỉ bệnh nhân nước sở tại mà cả bệnh nhân từ nước khác (trong đó có Việt Nam). Nhiều người cho rằng mặt bằng kinh tế của ta quá thấp, lương cho giảng viên, bác sĩ điều trị quá thấp nên không thể mời được chuyên gia sang cùng làm việc. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đã có cơ chế mở rộng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, dịch vụ, cho phép thu học phí cao, thu phí khám, chữa bệnh cao để có thể nâng cao lương/thu nhập đủ để mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc.

Ở Việt Nam đã có những bệnh viện thu phí cao, có những trường đại học thu học phí cao nhưng chưa thu hút được chuyên gia giỏi từ nước ngoài đến làm việc và trao đổi học thuật. Nhiều người sẽ cho rằng những trường học như vậy, những bệnh viện như vậy chỉ phục vụ cho người giàu và ai cổ súy cho họ là người không có tính cộng đồng. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam đã có người giàu và khoan hãy nói làm sao có người quá giàu như vậy, họ có buôn gian, bán lận, có tham nhũng hay không vì đây là nhiệm vụ mà các cơ quan pháp luật làm rõ. Hãy thừa nhận nhiều người giàu lên vì họ là người tài giỏi trong những lĩnh vực họ có tiềm năng và giàu hợp pháp, giàu bằng lao động, giàu bằng nghề nghiệp đặc thù, chẵng hạn cầu thủ bóng đá, ca sĩ, nhạc sĩ, doanh nhân,… Những người giàu cần có môi trường tiêu tiền theo cách của họ, họ dùng hàng hiệu đắt tiền, cho con học trường chất lượng cao (tất nhiên là học phí cũng cao), muốn được chữa bệnh ở những bệnh viện hiện đại và sẵn sàng chi trả viện phí cao. Thế hệ chúng tôi (5X trở về trước) đã có cái nhìn, cách hiểu có phần sai lệch về người giàu, coi sự giàu lên của họ có thể do bóc lột (chủ doanh nghiệp), buôn bán gian lận (doanh nhân) hay tham nhũng (cán bộ quản lý) mà có. Đã có thời chúng ta cố gắng xây dựng xã hội công bằng gần như tuyệt đối, không có người giàu nên mới có chuyện mua được con gà về nhưng không dám chặt vì sợ hàng xóm biết mà phải dùng dụng cụ y tế (panh kẹp, kéo) để lọc thịt cho con ăn. Từ khi đất nước đổi mới, kinh tế chuyển sang kinh tế thị trường, chúng ta chấp nhận thặng dư (lãi, lợi nhuận) trong đầu tư nếu đầu tư hợp pháp và lợi nhuận thu được là lợi nhuận hợp pháp thay cho cách dùng thu nhập chân chính trước đây. Chúng ta đã có người giàu, thậm chí rất giàu (cả tỷ phú Đô la Mỹ) nên có dịch vụ để họ tiêu tiền trên đất nước mình là điều hợp lý. Tất nhiên người nghèo (có thể do chưa giàu) thì Nhà nước vẫn có dịch vụ với chi phí hợp lý để không ai bị bỏ lại phía sau, với thu nhập của mình, mọi người đều chọn được cách tiêu tiền hợp lý, miễn là đem lại sự tiện lợi, sự hưởng thụ là được.

 Có lẽ đã đến lúc nghiên cứu mở rộng cơ chế để các chuyên gia nước ngoài liên tục xuất hiện, làm việc, trao đổi học thuật và kèm theo đó là nhiều sinh viên nước ngoài đến học tập, thực tập, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi muốn thấy khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội và nhiều Đại học khác có đông giảng viên, sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến làm việc và học tập như đã thấy ở một số Đại học ở Trung Quốc, Singapore, Malaysia và cả Thái Lan nữa. Từ những hoạt động KHCN sôi động mới có thể tìm được những nhân tố tiềm năng đủ sức thực hiện những đơn đặt hàng lớn của nhà nước.

Xét về khả năng tài chính, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước nghèo, thu nhập thấp, đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình mức thấp và đến năm 2030 là nước thu nhập trung bình mức cao rồi. Việt Nam đã có tiềm lực kinh tế khá mạnh với vốn dự trữ ngoại tệ khá cao, có mức thu ngân sách hàng năm lớn, đến nỗi chưa chi hết mà còn “tồn đọng” khá nhiều. Mới đây nhất, trên diễn đàn Quốc hội đã có đại biểu nêu vấn đề về hơn một triệu tỷ VNĐ chưa tiêu được và trên các tạp chí điện tử cũng phản ánh sự kiện này. Tạp chí Tiền phong điện tử ngày 25/05/2023 đã phản ánh: “Ngày 25/5, tại phiên thảo luận ở tổ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho biết, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tới giữa tháng 5 này đã vượt 1 triệu tỷ đồng”. Nghĩa là, Việt Nam đang có dự trữ kinh phí ngân sách lớn (trên 45 tỷ Đô la Mỹ) để chi cho nhiều hoạt động phát triển. Vậy có nên dành một khoản đầu tư để xây dựng, hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN chất lượng cao, tạo điều kiện cho những tài năng, trí thức có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.

Như vậy, có thể thấy, nguồn lực để phát triển KHCN, để người tài phát huy năng lực đã được nâng cao, vấn đề tiếp theo là tổ chức thực hiện như thế nào để có hiệu quả cao. Điều đó đòi hỏi cả lãnh đạo, các tổ chức KHCN, các nhà khoa học cùng cố gắng nhưng tất nhiên Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, đưa ra được “đầu bài” với mục tiêu cụ thể, chọn được công trình sư đủ tầm, tạo được tổ chức hợp lý, tạo được cơ chế hỗ trợ phù hợp để công việc nghiên cứu đạt được kết quả mong muốn.

Hy vọng, sau 2030 (hoặc sớm hơn) chúng ta có những doanh nghiệp KHCN tầm cỡ Thế giới, có những “hiền tài” trình độ cao sánh ngang các nhà khoa học lớn toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, đem lại những giá trị gia tăng lớn cho sự nghiệp đưa Việt Nam sớm thành một nước giàu mạnh.

Cảm nhận

Quả thật, trả lời câu hỏi: Người tài, họ là ai, tìm họ ở đâu và làm sao để họ thể hiện,  cống hiến tài năng tốt nhất cho đất nước là câu hỏi lớn, không dễ trả lời. Khi lên mạng tra tài liệu để viết thì như đi vào ma trận bí hiểm, không có lối đi rõ ràng, lần mò thì khó nên cũng đành dừng lại ở mức có được gì thì sử dụng cái ấy.

Một lần ngồi tụ tập (có uống bia) cùng một nhóm bạn, chúng tôi có bàn về các tôn giáo lớn trên Thế giới như Thiên chúa giáo, Phật giáo và Đạo Hồi. Đây là những tôn giáo có rất đông người theo và những người này được coi là có đạo. Trong nhiều mẫu lý lịch, kể cả lý lịch xin đi học đều có mục ghi tôn giáo của mình. Tôi nhớ lần đầu tiên đi nước ngoài (1990 sang Đức) người ta hỏi tôn giáo của tôi, tôi trả lời là “không” như vẫn điền mẫu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cả lớp học của tôi nhìn tôi với con mắt rất khác, như tôi không phải đồng loại vì con người cần có đức tin mà tôi lại nói là không có. Một anh bạn trong lớp (theo Thiên chúa giáo) đi lễ nhà thờ đã sưu tầm được một số sách về đạo Thiên chúa và cả băng cassette đem về cho tôi kèm cả máy cassette nữa để tôi nghiên cứu, nếu muốn thì gia nhập đạo này. Một nhóm bạn châu Á thì hỏi tôi sao không theo đạo Phật, tôi nói có lên chùa cúng Phật nhưng không phải Phật tử đúng nghĩa. Các bạn ấy rất hiểu đạo Phật nên khuyên tôi ghi là Phật tử và tôi đã nghe theo. Hôm tụ tập, tôi nói đại ý các tôn giáo đều cố gắng giải thích sự phát sinh, tồn tại của thế giới, của vũ trụ và của loài người nhưng đạo Phật có phần lý giải hợp lý nhất.

Tôi rất thích cách đặt vấn đề về cái “duyên” trong đạo Phật (với câu “Vạn sự tùy duyên” được coi là Phật dạy), nghĩa là mọi sự sinh ra, tồn tại, phát triển rồi biến mất đều do một cái duyên nào đó, đôi khi không giải thích được, không biết trước được. Tôi có cảm tưởng những năng lực tư duy, nhận thức đặc biệt của người tài giỏi có được đều từ cái duyên nào đó. Có thể là từ hai tế bào của cha và mẹ khi hòa vào nhau sinh ra họ đem lại, có thể do quá trình nuôi con trong dạ con mang lại, vậy nên họ có thanh quản tốt có giọng hay, có thể lên rất cao nhưng chưa đủ mà cần cái duyên khác để nổi tiếng, đó là thị trường ca nhạc mang lại (trước đây chắc cũng có người có khả năng này nhưng không nổi tiếng hoặc chỉ nổi tiếng nhờ tiếng hú vang xa). Hay một vận động viên có đôi chân chạy nhanh, dẻo dai để xác lập các kỷ lục thể thao cũng vậy, cũng có thể do cha mẹ để lại (di truyền) và có môi trường phù hợp để thể hiện (đấu trương Olympic, giải quốc tế, quốc gia,…).

Trong quá trình lớn lên, con người không ngừng học tâp (không chỉ ở trường lớp mà cả trường đời), không ngừng nhận thức những sự vật xung quanh và rồi khi đang suy nghĩ thì có cái duyên “quả táo rơi” để Newton đưa ra thuyết vạn vật hấp dẫn hay đang “tắm” thì Arsimet đã tìm ra sức dẩy của nước khi nhần chìm một vật. Thậm chí có nhà khoa học đang đêm bật dậy ghi lại những gì “nghe được từ hư vô” thành định lý hay lời giải một bài toán, một vấn đề rất khó. Tôi rất thích cách giải thích nhiều sự vật, hiện tượng đặc biệt bằng cái “duyên” trong Phật giáo nhưng không đồng ý hoàn toàn với cách nói “duyên trời định” hay duyên lại do ai đó tạo nên.

Người ta thường tranh luận “thời thế tạo anh hùng” hay “anh hùng tạo thời thế” vậy thì dùng cái duyên của Phật giáo có thể lý giải phần nào. Có lúc thời thế là cái duyên để tạo nên anh hùng và có cả trường hợp anh hùng chính là cái duyên tạo nên thời thế vậy. Nói như vậy để thấy, anh hùng, thời thế, người tài và cống hiến của họ đều có nguyên nhân, đôi khi khó lý giải mà đạo Phật gọi là “duyên”.

Để kết luận lại những gì đã trình bày trên có thể lấy câu của cha ông ta nói về người ăn mày: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo thành ra ăm mày” để nói về người tài: Người tài là ai, người tài là anh, là tôi là những người có duyên, gặp duyên mà thành.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nhận dạng nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai qua các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, Tạp chí Kinh tế Môi trường, chuyên đề khoa học số 2/202,1tr. 18-22

[2]. WB, 2018, The Changing Wealth of Nations

Hoàng Xuân Cơ -Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam 

Bạn đang đọc bài viết Nan giải chuyện tìm và trọng dụng người tài               . Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới