PGS.TS Lưu Đức Hải: Cần có giải pháp cụ thể trong quy hoạch xử lý rác thải tại Bến Tre
Trước tình hình sự cố môi trường tại Bãi rác An Hiệp và quy hoạch xử lý rác thải tại Bến Tre còn nhiều bất cập, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam khuyến nghị tỉnh Bến Tre cần có giải pháp cụ thể trong quy hoạch xử lý rác thải.
Liên quan đến tình hình sự cố môi trường tại Bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri) và quy hoạch xử lý rác thải tại tỉnh Bến Tre đang khiến dư luận xôn xao, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa ông, việc Nhà máy xử lý rác thải của tỉnh Bến Tre ngưng hoạt động và dự kiến đến năm 2026 mới hoạt động trở lại, dẫn tới việc rác thải của TP.Bến Tre và huyện Châu Thành phải đưa về Bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri) để đổ tạm. Vậy theo ông, tỉnh Bến Tre cần đưa ra giải pháp cấp bách nào để xử lý tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay tại Bãi rác An Hiệp và tình hình rác quá tải tại tỉnh Bến Tre?
PGS -TS. Lưu Đức Hải - Trước mắt tỉnh Bến Tre cần khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Bãi rác An Hiệp. Cụ thể là thu gom nước rỉ rác không để chảy ra môi trường (sông Hàm Luông, ao tôm của người dân...), rác bay phát tán ra xung quanh và có biện pháp xử lý mùi hôi không để phát tán mùi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh. Tuyên truyền để người dân thấu hiểu về tỉnh hình cấp bách về vấn đề rác thải tại tỉnh Bến Tre hiện tại để tìm được tiếng nói chung.
Tiếp đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần sớm xây dựng phương án xử lý rác thải, xử lý nước rỉ rác phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Còn đối với việc xử lý rác thải của các huyện Châu Thành, TP. Bến Tre thì việc đưa hết về bãi rác An Hiệp là biện pháp không khả thi, gây bức xúc cho người dân. Do đó, để giải quyết vấn đề này, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần xem xét sớm xây dựng một bãi rác tạm thời phù hợp với các quy định để đáp ứng việc tập kết, xử lý rác của huyện Châu Thành và TP. Bến Tre. Về lâu dài, bãi tập kết rác này có thể kêu gọi đầu tư để xây dựng một nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh Bến Tre.
- Việc các bãi rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị quá tải, không có phương án xử lý rác triệt để dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ nguyên nhân nào? Do quy trình xử lý, quản lý hay quy hoạch chung của tỉnh?
PGS -TS. Lưu Đức Hải - Việc các bãi rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị quá tải, không có phương án xử lý rác triệt để dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân thứ nhất là do Dự án nhà máy xử lý rác thải Bến Tre do Công ty cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư, dự án có diện tích 3,81 ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre). Dự án có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng, công suất thiết kế 200 tấn rác thải/ngày chưa hoạt động hiệu quả. Thực tế là, dù nhà máy được khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện việc xây dựng nhà máy xử lý rác dẫn tới việc nhà máy phải tạm ngưng tiếp nhận và xử lý rác đến năm 2026.
Nguyên nhân thứ hai là quy hoạch chung của tỉnh Bến Tre chưa được cụ thể hóa, nhất là quy hoạch về vấn đề xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Chưa kêu gọi được nhà đầu tư, thực hiện xã hội hóa tham gia vào công tác xử lý rác thải của tỉnh.
Nguyên nhân thứ ba là hiện một số bãi rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện không thực hiện đúng các quy định, quy trình môi trường trong việc xử lý rác thải. Điển hình nhất là bãi rác An Hiệp (Huyện Ba Tri), hiện bãi rác này đang phát sinh rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường như để nước rỉ rác chảy thẳng ra môi trường, phát tán mùi hôi và để ra bay phát tán ra bên ngoài...
Nguyên nhân thứ tư là do công tác quản lý của địa phương còn nhiều hạn chế, chưa có quy trình về xử lý rác thải cụ thể, không xây dựng được phương án dự phòng khi xảy ra sự cố về môi trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉnh Bến Tre phải công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp.
Do đó, các ngành chức năng, đơn vị liên quan của tỉnh Bến Tre cần nhanh chóng khắc phục các tồn đọng nêu trên.
- Khi xảy ra sự cố môi trường xung quanh Bãi rác An Hiệp như ô nhiễm đất, nước, không khí,…; lượng rác bị ùn ứ do không có nơi đổ. Tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri đã có báo cáo đưa ra các giải pháp tạm thời như: Phủ bạt chỗ đã chôn lấp, gia cố lại ao, phần tường bao sẽ lắp thêm lưới B40 để ngăn rác không bay qua nhà dân, nước rỉ rác sẽ được xả vào hồ chứa… Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, đến thời điểm hiện tại chưa có động thái xử lý triệt để nào từ cơ quan chức năng. Như vậy, theo ông, nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn mà không có khắc phục thì sẽ dẫn tới hệ luỵ như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?
PGS -TS. Lưu Đức Hải - Trước hết việc không khắc phục được sự cố tại Bãi rác An Hiệp cần phải thực hiện ngay để không phát sinh thêm tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực này. Tiến hành quan trắc môi trường xung quanh bãi rác để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm. Bởi việc chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đền sức khỏe, đời sống của người dân. Về lâu dài sẽ dẫn tới sự phản ứng gay gắt, phẫn nộ và thậm chí là khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến vấn đề xử lý rác thải tại Bãi rác An Hiệp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre cần xem xét, thanh tra, kiểm tra lại về hoạt động, quy hoạch và quá trình đầu tư tại Bãi rác An Hiệp. Trong trường hợp có vi phạm trong quá trình đầu tư, vận hành bãi rác cần phải xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra sai phạm.
- Với thực trạng như trên, PGS.TS có kiến nghị và giải pháp gì về quy hoạch chung tromg việc xử lý rác thải của tỉnh Bến Tre, bãi rác An Hiệp để giúp tỉnh hướng tới việc phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân không phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường?
PGS -TS. Lưu Đức Hải - Sau khi tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường, sự cố rác thải tại tỉnh Bến Tre hiện nay và cũng là một trong những nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu, góp ý tại hai báo cáo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tôi nhận thấy, tỉnh Bến Tre cần sớm triển khai có trọng tâm hai báo cáo quy hoạch nêu trên.
Trước đó, các quy hoạch tỉnh Bến Tre cần kiện toàn các nội dung liên quan đến vấn đề môi trường. Cụ thể, chất thải rắn là một trong 5 vấn đề môi trường chính được tỉnh Bến Tre đưa vào hai báo cáo nêu trên. Tuy nhiên, cả hai báo cáo chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể nào. Do đó, tôi đã kiến nghị tỉnh Bến Tre cần bổ sung các giải pháp cụ thể vào báo cáo trước khi phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh Bến Tre cần phải có giải pháp tổng thể để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt là xây dựng các trung tâm thu gom và xử lý tổng hợp tập trung, ưu tiên việc tái chế, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh như đốt rác phát điện, làm phân bón compost,... hạn chế tối đa việc chôn lấp rác (mất đất, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước...). Do đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch lâu dài, có kinh phí phù hợp cho vấn đề này và thực hiện triệt để các giải pháp trong hai báo cáo nêu trên.
-Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Lưu Đức Hải!
Bãi rác tập trung của huyện Ba Tri (Bãi rác An Hiệp) được xây dựng tại xã An Hiệp, với diện tích khoảng 5 ha, được đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2009 với công nghệ xử lý chôn lấp hở. Bãi rác An Hiệp cách trung tâm thị trấn Ba Tri 5 km, xung quanh tiếp giáp với bãi rác là đất nuôi tôm thâm canh và hàng ngày khối lượng rác của huyện được vận chuyển về xử lý khoảng 45 tấn/ngày.
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tri, trước đây, khi chưa có chủ trương tiếp nhận rác từ TP.Bến Tre và huyện Châu Thành về bãi rác huyện, tình hình Bãi rác An Hiệp trương đối ổn, không xảy ra đơn kiến nghị hay người dân tập trung ngăn chặn việc vận chuyển rác.
Tuy nhiên, kể từ ngày 20/10/2022, Bãi rác An Hiệp phải tiếp nhận thêm lượng rác 150-160 tấn/ngày, nâng tổng công suất tiếp nhận khoảng 200 tấn/ngày khiến cho bãi rác trở nên quá tải, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Do quá bức xúc, vào chiều 15/7/2023, khoảng 70 người dân địa phương đã tập trung ngăn chặn không cho xe rác của tỉnh, huyện vận chuyển rác vào Bãi rác An Hiệp, gây tình trạng ùn ứ xe rác tạm thời tại khu vực bãi rác.
Trước thực trạng trên, ngày 23/7/2023 UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri. Theo đó, từ khi nhà máy xử lý rác tỉnh tạm đóng cửa Bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri) tiếp nhận khối lượng rác khá lớn từ thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Ba Tri.
Trong khi đó, các hạng mục như tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,… và mở rộng diện tích (03ha) của Bãi rác An Hiệp chưa được thực hiện kịp thời.
Cộng với thời gian gần đây mưa lớn kéo dài liên tục dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1km thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và xã An Đức, huyện Ba Tri.
Với tình hình đó, UBND tỉnh Bến Tre và UBND huyện Ba Tri đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri và thu gom, xử lý rác tạm thời.
Thanh Vũ thực hiện