GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Chuyển đổi điện xanh, việc tăng giá là không tránh khỏi
"Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống người dân", GS. TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký VIASEE.
Tại "Diễn đàn: Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" chiều ngày 20/9, GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có bài tham luận với chủ đề "Chuyển đổi sang năng lượng xanh - Hướng đi tất yếu tại Việt Nam".
Trong phần trình bày tham luận của mình, GS. TS Hoàng Xuân Cơ cũng đã chia sẻ thêm về cơ chế, chính sách, giá mua điện gió, điện mặt trời. Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ, điều các doanh nghiệp quan tâm là cơ sở khoa học nào đưa ra mức giá mua điện gió, điện mặt trời như trong các văn bản đã quyết định. Nếu có những khảo sát nghiên cứu bài bản sẽ tính được giá thành phát triển điện gió, điện mặt trời cho một dự án ở một khu vực cụ thể.
Các chi phí mua tuabin hay pin mặt trời, chi phí vận chuyển, lắp đặt, vận hành và mức điện năng sản xuất đều có thể ước tính qua mô hình. Khi áp dụng phương pháp chi phí - lợi ích có thể tính giá thành và từ đó xác định mức trợ giá phù hợp đảm bảo dự án có lợi nhuận nhưng giá mua điện ở mức hợp lý để người dùng không phải chịu giá quá cao, bất hợp lý.
TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu điều tra nghiên cứu cơ bản, chưa sản xuất được thiết bị phát điện gió, điện mặt trời, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện.
Do đó, đại diện VIA SEE đề xuất EVN, Bộ Công Thương tính toán cả giá thành điện gió và giá thành điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng, tìm ra khoảng giá trị từ đó ước tính và đề xuất Chính phủ định mức hỗ trợ (qua giá mua điện) hợp lý.
Đồng thời Bộ cũng cần sớm đưa ra lộ trình tăng giá bán điện cho người tiêu dùng trên cơ sở tăng mua điện gió, điện mặt trời giá cao trong giai đoạn tới, trước mắt là đến năm 2030 và xa hơn.
Về phía người dân và doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần phải sớm có phương án điều chỉnh mức sử dụng điện hợp lý và hiệu quả theo hướng tiết kiệm. Trường hợp mức tăng giá điện hợp lý thì phải coi đây là mức sẵn lòng trả để có điện sạch cho tiêu dùng.
"Khi chuyển sang điện xanh, việc tăng giá điện sẽ không tránh khỏi, nhưng cũng phải xem xét lộ trình để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống người dân", GS. TS Hoàng Xuân Cơ nói.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, đại diện Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giai đoạn trước ngày 30/10/2021, nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo nhờ chính sách tốt, giá mua điện tốt.
Khi đầu tư, điều doanh nghiệp quan tâm là lợi nhuận. Tuy nhiên thời điểm này, các doanh nghiệp không dám làm vì giá điện từ các dự án năng lượng tái tạo hiện nay chưa đủ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đặt vấn đề rằng nước ta muốn tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, vậy chúng ta cũng cần làm rõ ai sẽ chịu rủi ro trong bước vào một lĩnh vực mới, cơ chế và chính sách mới, trong khi giải pháp không nằm trong tay người Việt Nam.
Nhiều dự án doanh nghiệp muốn làm nhưng vướng cơ chế, do đó đại diện Ban Chiến lược PVN cho rằng cần cởi trói cho cơ chế nghiên cứu R&D FS và mời các nhà đầu tư quốc tế vào cùng phát triển mảng năng lượng bền vững với Việt Nam.
Diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển bền vững tại Việt Nam có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp phát triển ngành năng lượng. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Hà Lan