Năm 2022: Chứng kiến sự phân hóa trong chính sách tiền tệ của các nước
Các ngân hàng Trung ương bước vào năm 2022 với một tâm thế thận trọng vì hành động nhanh chóng để kiềm chế lạm phát có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Một số ngân hàng Trung ương tập trung ứng phó với lạm phát, trong khi số khác lại thúc đẩy tăng trưởng.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 vẫn là một nguy cơ lớn đối với nhu cầu trên toàn thế giới. Không những gây ra một đợt suy thoái trong năm 2020, dịch Covid-19 còn có một "tác dụng phụ" là khiến áp lực lạm phát gia tăng, từ đó đặt ra một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng Trung ương bước vào năm 2022 với một tâm thế thận trọng vì hành động nhanh chóng để kiềm chế lạm phát có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế, nhưng "án binh" để đảm bảo đà phục hồi vững chắc lại có thể khiến lạm phát kéo dài và đòi hỏi phải có những hành động mạnh mẽ hơn sau đó.
Ngày càng bất an với triển vọng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 vào tháng 3, giữa lúc nước Mỹ đang chống chọi với mức lạm phát cao nhất trong gần 40 năm qua. Các ngân hàng trung ương của Anh và Canada có thể còn hành động sớm hơn.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thì ngược lại, có thể sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp lịch sử trong năm nay nhằm bảo toàn đà tăng trưởng kinh tế.
Riêng đối với Trung Quốc, nước này đã thay đổi chính sách của mình ngay từ quý cuối cùng của năm 2021, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và sự giảm tốc của nền kinh tế, bằng cách nâng cao thanh khoản và giảm lãi suất cho vay. Lập trường nới lỏng hơn này được dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2022, từ đó gia tăng sự khác biệt với phần còn lại của thế giới.
Bùi Hằng (T/h)