Thứ sáu, 22/11/2024 21:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/12/2021 09:00 (GMT+7)

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo

Theo dõi KTMT trên

Fed mới phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ, dự báo sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định với các thị trường mới nổi. Tuy nhiên lần này, các chuyên gia từ HSBC dự báo tác động đối với khu vực châu Á được cho là nhẹ.

Thay đổi lập trường về lạm phát từ Fed

Hôm 30/11, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố đã đến lúc ngưng sử dụng từ “tạm thời” khi nói về vấn đề lạm phát, và rằng Fed có thể đẩy nhanh tiến độ cắt giảm quy mô gói mua tài sản, kết thúc chương trình này sớm hơn dự kiến.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 1
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Tuyên bố này như một lời thừa nhận rằng Fed trước đây đã đánh giá sai lầm về tình hình lạm phát. Hóa ra, rủi ro lạm phát mạnh mẽ và dai dẳng hơn dự báo ban đầu của Fed. Sự đảo ngược lập trường, dù muộn màng, nhưng vẫn đáng hoan nghênh trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ tăng vọt suốt những tháng qua.

Tháng 10 vừa qua, chỉ số CPI tại Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong khoảng 3 thập kỷ. Lạm phát lõi tăng 4,6%.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 2
Lạm phát toàn phần và lạm phát lõi của Mỹ đều đang ở mức cao nhất trong khoảng 3 thập kỷ. (Ảnh: Compound)

Nhiều dự báo cho thấy CPI chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tháng tới, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang đe dọa kéo dài tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động - cũng tăng mạnh ở Mỹ suốt năm qua và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

HSBC cũng đưa ra báo cáo mới nhất, nhận định việc Fed phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua điều chỉnh tốc độ mua tài sản, hướng tới nâng lãi suất điều hành sớm hơn dự kiến dự báo sẽ để lại những “nhiễu động” nhất định, đặc biệt với tình hình tài chính của các thị trường mới nổi.

Fed siết chính sách tiền tệ, châu Á ở vị thế ít tác động

Ryan Wang, nhà kinh tế học từ HSBC, gần đây đã thay đổi dự báo về thời điểm Fed điều chỉnh tốc độ mua tài sản cũng như nâng lãi suất điều hành. Theo đó, thời điểm điều chỉnh tốc độ mua tài sản sẽ rơi vào khoảng tháng 3/2022 và đợt nâng lãi suất sớm nhất của Fed dự kiến sẽ diễn ra ngay vào tháng 6/2022 thay vì tháng 6/2023 như dự báo trước đó.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 3
HSBC dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,25% trong đợt nâng sớm nhất vào quý II/2022. (Nguồn: CEIC, HSBC)

Trong lịch sử, mỗi lần Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình tài chính của các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng khiến các nước phải đưa ra những đợt điều chỉnh tăng lãi suất cần thiết để duy trì bình ổn. Tương tự như vậy, HSBC nhận định động thái sắp tới của Fed chắc chắn sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng đến các quốc gia khác, nhưng khu vực châu Á lần này dự kiến chịu tác động khá nhẹ nhàng.

HSBC cho hay, có một số lý do chính khiến lần thắt chính sách tiền tệ sắp tới của Fed được dự báo không gây ra tác động quá lớn với khu vực châu Á.

Đó là, áp lực lạm phát tại đa số các quốc gia châu Á không còn nặng nề so với Mỹ và cũng không có nguy cơ tăng mạnh trong tương lai gần, quá trình phục hồi kinh tế ở Mỹ lần này ngày càng bớt liên quan đến hoạt động nhập khẩu, khiến động lực tăng trưởng truyền thống truyền từ Tây sang Đông bị yếu đi. Ngoài ra cán cân thanh toán quốc tế vững mạnh giúp các ngân hàng trung ương châu Á linh hoạt hơn trong việc phản ứng với chính sách tiền tệ của Fed.

Áp lực lạm phát không quá lớn khiến châu Á “dễ thở” hơn trước sự điều chỉnh chính sách của Fed

Ở nhiều quốc gia châu Á, giá tiêu dùng chưa tăng nhanh như ở các nước khác trên thế giới. Theo HSBC, điều này không có nghĩa tình hình lạm phát tại châu Á không có gì đáng lo ngại. Ví dụ, giá nhiên liệu thế giới tăng cũng đã tạo ra những tác động nhất định với nền kinh tế khu vực trong những tháng qua, đặc biệt là các nền kinh tế có độ mở cao. Chẳng hạn, tại New Zealand, lạm phát khá cao đã thúc đẩy ngân hàng trung ương tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.

Tại các quốc gia khác, đa số lạm phát đang nằm dưới mức mục tiêu. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số lạm phát trên toàn khu vực hiếm khi cao trở lại như thời điểm cuối năm 2019. Lạm phát cơ bản hầu như không nhúc nhích, chỉ tăng nhẹ dần đều, gần bằng mức thấp nhất kể từ đầu những năm 2000.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 4
Biểu đồ: Chỉ số giá tiêu dùng CPI mới nhất và mức mục tiêu/dự báo chính thức của ngân hàng trung ương tại một số quốc gia (% so với cùng kỳ năm trước) (Nguồn: CEIC, HSBC)
HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 5
Biểu đồ: Lạm phát cơ bản (đường màu đỏ) và lạm phát lõi (đường màu đen) ở các thị trường mới nổi châu Á vẫn đang được kiểm soát ở mức ổn định (% so với cùng kỳ năm trước) (Nguồn: CEIC, HSBC)

“Lạm phát được kiểm soát tương đối tốt và thái độ khoan thai, bình tĩnh trước động thái tăng lãi suất của Fed trong quá khứ đã nói lên sự thật các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không vội chạy theo chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ nữa”, theo nhóm nghiên cứu HSBC.

HSBC nhận định: “Nhìn chung, thật khó để đưa ra nhận định rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực giá nặng nề và tồi tệ giống các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ”.

Việc kiểm soát tốt lạm phát của các ngân hàng trung ương châu Á giúp giảm phần nào áp lực phải chạy theo động thái chính sách tiền tệ của Fed, dù rằng HSBC nhận định các ngân hàng trung ương trong khu vực thường theo rất sát động thái của Fed.

Theo nhóm nghiên cứu HSBC, tính bình quân, các ngân hàng trung ương châu Á thường phản ứng với chính sách tăng lãi suất của Fed sớm hơn so với tình huống giảm lãi suất, phản ánh nhu cầu tự bảo vệ của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 6
Biểu đồ: Thời gian các thị trường châu Á có động thái phản ứng với các đợt tăng hoặc cắt giảm lãi suất của Fed (tháng) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Vị thế mạnh tương đối trong thanh toán quốc tế tạo dư địa linh hoạt cho chính sách tiền tệ của châu Á

Các nước có vị thế tương đối mạnh trong thanh toán quốc tế cũng có thể linh hoạt hơn trong việc chậm đưa ra động thái ứng phó với chính sách thắt chặt của Mỹ. Có hai lập luận để lý giải điều này, theo HSBC đã thông tin.

Thứ nhất, tài khoản vãng lai vốn được coi là “lá chắn phòng thủ” đầu tiên trong trường hợp xảy ra biến động trên thị trường tài chính thế giới. Chỉ số này hiện được duy trì tốt trong khu vực châu Á và được đánh giá là tốt hơn so với các chu kỳ thắt chặt trước đây của Fed.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 7
Biểu đồ: Tài khoản vãng lai của đa số các nền kinh tế châu Á hiện ở vị thế tốt hơn các đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ trước đây của Fed (% GDP, bình quân qua các giai đoạn) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Hầu hết các nền kinh tế châu Á đều được dự báo sẽ có thặng dư (đáng kể) trong vòng 2 năm tới. Ấn Độ và Indonesia là hai ngoại lệ nhưng thâm hụt của 2 quốc gia này đều trong khả năng quản lý và thấp hơn so với chu kỳ trước. Chỉ riêng Sri Lanka ở tình thế khá khó khăn.

Thứ hai, dưới góc độ lãi suất điều hành thực tế, cần xem xét chênh lệch lãi suất điều hành thực tế trong nước của các quốc gia châu Á với Mỹ. Theo HSBC, phần lớn các nước trong khu vực đều có mức chênh lệch dương với Mỹ dù không đồng đều. Mức chênh lệch dương đáng kể sẽ giúp giữ chân hoặc thu hút thêm nhiều dòng vốn, vì thế ngân hàng trung ương châu Á không cần thắt chặt để tự bảo vệ.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 8
Biểu đồ: Chênh lệch lãi suất điều hành của một số nền kinh tế châu Á với Mỹ, đa phần ở mức dương (%, giảm phát CPI cơ bản) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Mức độ tác động cụ thể

Theo dự báo của HSBC, một số thị trường tài chính châu Á vẫn có những điều chỉnh nhất định theo sau việc siết chính sách tiền tệ của Fed.

Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu của HSBC dự kiến mức tăng lãi suất khoảng 0,25-0,5% trong năm 2023 tại các quốc gia Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.

Ở các nền kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam dù không thay đổi dự báo về mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến cuối năm 2023 nhưng HSBC tăng dự báo thời điểm điều chỉnh chính sách lên khoảng 1-2 tuần.

Ở Indonesia, HSBC lược bớt một đợt điều chỉnh tăng lãi suất do áp lực lạm phát giảm đáng kể, mặc dù vẫn dự báo ngân hàng trung ương nước này sẽ điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1%.

Trong khi đó, ở Trung Quốc đại lục và Nhật Bản, lãi suất điều hành trong năm 2023 dự báo không bị tác động bởi chính sách tiền tệ của Fed.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 9
Dự báo của HSBC về điều chỉnh lãi suất điều hành của các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, HSBC dự báo Việt Nam sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp hiện tại (4%) trong cả năm 2022 và bắt đầu tăng lãi suất điều hành 0,5% từ quý I/2023 (Đỏ - tăng, xám - giảm) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Dưới đây là biểu đồ thể hiện lãi suất điều hành hiện tại trong khu vực và dự báo của HSBC về lãi suất trung lập tính đến cuối năm 2023. Tại phần lớn các nền kinh tế, lãi suất điều hành còn cần qua nhiều lần điều chỉnh tăng mới tới ngưỡng trung lập. Trên thực tế, so với mức bình quân trước đại dịch, lãi suất trung lập đã giảm thêm.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần thận trọng vì từng đợt tăng lãi suất có thể làm chậm lại đà tăng trưởng. Chủ tịch Jerome Powell chắc chắn sẽ cần cân nhắc rủi ro với đà tăng trưởng kinh tế một khi Fed bắt đầu tiến trình tăng lãi suất.

HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo - Ảnh 10
Biểu đồ lãi suất điều hành hiện tại ở một số nền kinh tế châu Á và dự báo của HSBC về lãi suất trung lập tính đến cuối năm 2023 (%) (Nguồn: CEIC, HSBC)

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa IV, phiên họp 12/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã vào cuộc kịp thời và trách nhiệm với 3 lần giảm lãi suất điều hành, tổng mức giảm từ 1,5-2%, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm các mức lãi suất đối với các khoản cho vay cũ, cho vay mới. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 1,66% so với trước khi có dịch bệnh, tổng mức giảm lãi suất là 30.000 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, đã giảm phí hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo toàn bộ hệ thống giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất nhưng vẫn bảo đảm an toàn của từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống để tránh tác động lan truyền. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, liều lượng hợp lý, bảo đảm ổn định của kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát, rủi ro an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết HSBC: Fed siết chính sách tiền tệ, các ngân hàng trung ương châu Á không cần vội chạy theo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới