Thứ sáu, 22/11/2024 23:19 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 16:00 (GMT+7)

Cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính

Theo dõi KTMT trên

Theo đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính và xem xét quy mô các gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Cần sớm ban hành chính sách, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Phát biểu tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng báo cáo nêu tương đối đầy đủ và rõ nét bức tranh kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2021. Trong đó, đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, số ca mắc nhiễm và tử vong giảm nhanh chóng, số người mắc bệnh cơ bản được điều trị khỏi bệnh và xuất viện; công tác tiêm vắc xin được triển khai tích cực. Ban hành kịp thời nhiều chính sách, các gói hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động gặp khó khăn; nguồn lực cho công tác phòng chống dịch đáp ứng nhu cầu…

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản đảm bảo; nhiều ngành kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng khá như: Nông nghiệp, ông nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; nhiều nhiệm vụ đạt vượt dự toán như: Thu ngân sách Nhà nước, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, huy động vốn đầu tư toàn xã hội; các nhiệm vụ chi cơ bản đáp ứng yêu cầu… Văn hóa, giáo dục, y tế, nỗ lực duy trì các hoạt động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh; các chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân được ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ Quốc tế tiếp tục được mở rộng, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng lên.

Có được kết quả trên là sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nên rất đáng ghi nhận.

Cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính - Ảnh 1
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, phát biểu tại phiên thảo luận.

Tuy nhiên, công tác dự báo về mức độ nguy hại của tình hình dịch bệnh chưa đúng mức, dẫn đến chưa chuẩn bị tốt các điều kiện, trang thiết bị và con người cho công tác phòng, chống dịch. Hệ thống y tế có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ số F0, dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao, có thời điểm số ca lây nhiễm trong ngày tăng cao hơn bình quân của thế giới; Một số chính sách hỗ trợ có tính khả thi thấp; một số gói hỗ trợ triển khai còn chậm và lúng túng chưa đạt kết quả được như mong muốn. Việc khắc phục, hoàn thiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo về pháp luật chậm được khắc phục, dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu.

Về xem xét một số chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, đại biểu bày tỏ đồng tình với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng chỉ tiêu về thu ngân sách Nhà nước tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp, khi dự kiến mức tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% và lạm phát khoảng 4%. Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước khoảng 15,1% GDP cần xem lại, vì năm 2020 ước đạt 16,1% GDP, Nghị quyết số 23 của Quốc hội là không thấp hơn 16%  GDP, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đặt ra là 16% GDP.

Về bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP, cần xem xét thêm vì trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường và tiếp tục sử dụng các chính sách tiền tệ, tài khóa và các gói hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện an sinh xã hội và ổn định đời sống cho người dân thì bội chi ngâ có thể sẽ tăng lên đáng kể và khả năng tăng cao hơn so với năm 2021.

Đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị: Thứ nhất, Tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin hoàn thành kế hoạch càng nhanh càng tốt. Chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch linh hoạt, thích ứng và hiệu quả khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính và xem xét quy mô các gõi hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển, giúp cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh tháo gỡ khó khăn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện những hạn chế, bất cập về thể chế để phục vụ tốt nhất cho phòng chống dịch Covid và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu các nhóm chính sách tài khóa, tiền tệ và các gói hỗ trợ với quy mô phù hợp, đúng trúng đối tượng

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính - Ảnh 2
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là chìa khóa thành công có tính nền tảng. Ngoài ra, cần tháo gỡ mọi vướng mắc trong giải ngân đầu tư công - lĩnh vực còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng nhưng cũng đang đứng trước nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là trong phòng giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài...

Liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị phải tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng: 

Thứ nhất là cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước. Do vậy, vấn đề đặt ra quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi, từ đó có cách tiếp cận, cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này.

Thứ hai, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển, mở rộng thị trường. Đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách về tiền tệ, tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới