Mục tiêu kép trong kỳ thi tốt nghiệp
Kỳ thi năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho nên các cán bộ và thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế hoàn thành "mục tiêu kép" vừa bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế; vừa bảo đảm, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Hôm qua (7/7), hơn 977 nghìn thí sinh trên cả nước chính thức bước vào ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Kỳ thi năm nay được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho nên các cán bộ và thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế hoàn thành "mục tiêu kép" vừa bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế; vừa bảo đảm, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Xử lý tốt các tình huống trong phòng, chống dịch
Điểm thi Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) được chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, đây là điểm thi đặc biệt của TP.Đà Nẵng dành riêng cho hai thí sinh F1, một thí sinh F2 và 38 thí sinh khu vực cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19. Trước giờ thi môn Ngữ văn, sáng 7/7, những chiếc xe chuyên dụng đưa 115 thí sinh tới điểm thi. Thí sinh diện F1, F2 được phân luồng đi một lối riêng biệt, đo thân nhiệt và lên thẳng phòng thi. Những thí sinh còn lại được chia tách phân luồng riêng để các nhân viên y tế tiến hành đo thân nhiệt, xịt tay sát khuẩn và các thí sinh nhanh chóng thay khẩu trang, cởi đồ bảo hộ bỏ vào thùng rác đúng quy định trước khi nhanh chóng di chuyển lên phòng thi. Thầy giáo Nguyễn Văn Đông, Trưởng điểm thi Trường THPT Võ Chí Công chia sẻ, đây là năm thứ hai trường là điểm thi dành cho thí sinh F1, F2 và thí sinh vùng cách ly, phong tỏa của TP.Đà Nẵng với 6 phòng thi. Ngoài công tác phòng dịch như thông thường, điểm thi tại trường đã bố trí các thí sinh F1, F2 thi tại hai phòng riêng ở khu vực tách biệt; thí sinh còn lại bố trí tại dãy phòng thi khu vực cách xa. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ điểm thi đều được trang bị bảo hộ phòng, chống dịch. Các thí sinh được bố trí xe đưa đón và được hỗ trợ thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ ngơi... nếu có nhu cầu ở lại buổi trưa tại điểm thi. Kết thúc ngày thi đầu, phần lớn các thí sinh tâm lý phấn chấn, an tâm khi được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia kỳ thi đợt 1 này.
Không chỉ riêng TP.Đà Nẵng, một số địa phương bị tác động nhiều của dịch Covid-19 cũng bước đầu tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch trong kỳ thi. Tại tỉnh Đồng Tháp, địa phương đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày thi đầu, công tác phòng, chống dịch bệnh tại các điểm thi được triển khai nghiêm ngặt như đo thân nhiệt, khử khuẩn, đeo khẩu trang...
Chị Nguyễn Thị Bé Hoa, ngụ ấp 2, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh cho biết: "Cả gia đình lo lắng, sợ con không thi được và sợ đi thi nguy cơ bị lây bệnh. Tuy nhiên, khi đưa con đến điểm thi, tận mắt thấy các thầy cô, cán bộ y tế, thanh niên tình nguyện giúp đỡ thí sinh, triển khai công tác phòng dịch chu đáo nên thấy khá yên tâm".
Trong khi đó, tại điểm thi Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình, tất cả các thí sinh đến điểm thi đều thực hiện nghiêm: Đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách khi đi vào phòng thi... Ngay từ cổng trường, lực lượng sinh viên tình nguyện đã phân luồng, phân tuyến và ở mỗi làn đều có lực lượng y tế thực hiện đo thân nhiệt; các bảng hướng dẫn sơ đồ phòng thi được bố trí tại các khu vực dễ nhìn ở cổng trường. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến, toàn tỉnh có hơn 9.500 thí sinh đăng ký dự thi tại 37 điểm thi. Mặc dù khó khăn trong điều hành, tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng toàn tỉnh đã bố trí thêm các phòng thi dự phòng bảo đảm yêu cầu sẵn sàng kích hoạt khi có những tình huống phát sinh.
Cục trưởng Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh cho biết: Ngày đầu kỳ thi, các địa phương trong cả nước, nhất là địa phương có dịch phức tạp, đều có những giải pháp chủ động để phân loại, sàng lọc có giải pháp xử lý phù hợp từng đối tượng thí sinh. Những sự cố về thí sinh F0 đều đã được lường trước, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cho nên các địa phương không bị lúng túng. Các hội đồng thi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.
Chung sức để kỳ thi đạt hiệu quả
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức để xét tốt nghiệp THPT và kết quả làm căn cứ giúp các trường đại học tuyển sinh đầu vào. Đồng thời, kết quả kỳ thi còn là căn cứ để ngành giáo dục điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường; đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục các cấp; cung cấp dữ liệu quốc gia để phục vụ việc nghiên cứu, điều chỉnh, hoạch định chính sách giáo dục trong phạm vi cả nước cũng như đối với từng địa phương. Vì vậy, không chỉ phòng, chống dịch Covid-19 chú trọng mà công tác bảo đảm kỳ thi công bằng, đúng quy chế được các cán bộ coi thi thực hiện nghiêm túc. Có mặt tại điểm thi Trường THPT Yên Khánh A (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có 447 thí sinh dự thi tại 19 phòng thi vào buổi chiều thi môn Toán, không khí trường thi tĩnh lặng. Thầy giáo Trần Văn Kiên, Trưởng điểm thi cho biết, tại mỗi buổi thi, trước khi bóc túi đựng đề thi, cán bộ coi thi được quán triệt cần hỏi lại thí sinh lần cuối có mang các vật dụng không được phép mang vào phòng thi, tránh trường hợp các em vi phạm quy chế bị xử lý đáng tiếc. Đối với cán bộ giám sát hành lang và lực lượng công an phụ trách trong và ngoài điểm thi, duy trì vị trí và có sự giám sát liên tục của cán bộ giám sát. Cơ sở vật chất cũng như đội ngũ cán bộ làm thi được chuẩn bị, tập huấn chu đáo cho nên ngày thi đầu diễn ra khá suôn sẻ, nghiêm túc.
Điểm đáng chú ý của ngày thi đầu còn là sự vào cuộc chăm lo của các lực lượng trong xã hội. Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ, cách xa xa là khu bếp nấu cuối giờ chiều, người nhanh tay nhặt rau, người xào, người nấu. Thầy Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ, cho biết: Toàn huyện có 376 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là học sinh của ba trường THPT trên địa bàn. Hầu hết thí sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số (98,14%), nhà xa điểm thi, hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, từ nguồn thực phẩm, kinh phí hỗ trợ của đoàn thanh niên, hội phụ nữ huyện, ban giám hiệu các trường huy động giáo viên, phụ huynh chung tay nấu ăn cho thí sinh, định suất bốn bữa mỗi ngày đến khi kết thúc kỳ thi với hơn 2.200 suất ăn. Tại hai điểm thi thuộc Trường THPT Thanh Chăn (huyện Điện Biên) và Trường THPT huyện Tuần Giáo cũng được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Điện Biên tổ chức phát hơn 1.500 suất ăn sáng (gồm sữa, bánh mì và nước lọc) cho thí sinh. Hàng loạt địa phương vùng cao, biên giới của Điện Biên khác như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông... cũng tổ chức tiếp sức thí sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng hành động thiết thực, như: tổ chức nấu ăn; hỗ trợ, đưa đón.
Cảm động sự quan tâm, chăm sóc của các thầy, cô giáo và các anh chị đoàn viên, thanh niên, em Lò Thị Củng, học sinh lớp 12C3 Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT Nậm Pồ cho biết: "Những ngày qua em được các thầy, cô tận tình hướng dẫn ôn luyện, chăm sóc bữa ăn giấc ngủ mỗi ngày. Hôm nay đi thi em lại được các anh chị, cô bác trong huyện động viên nên cảm động vô cùng và tự hứa sẽ cố gắng làm bài thi thật tốt để không phụ lòng yêu thương của mọi người".
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trong ngày thi đầu, các điểm thi làm công tác tư tưởng giúp thí sinh yên tâm, tự tin làm bài thi đạt kết quả tốt nhất và luôn có ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh. Các cán bộ làm nhiệm vụ kỳ thi cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa phòng dịch, vừa làm việc, phát hiện và phòng ngừa những trường hợp sai phạm xảy ra.
Ngày đầu thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, có 977.642 thí sinh đến dự thi môn Ngữ văn (đạt tỉ lệ 97.1% so với đăng ký); môn Toán có 981.773 thí sinh đến dự thi (đạt tỉ lệ 97.18% so với đăng ký). Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi là 23.786 thí sinh. Trong cả hai buổi thi có 9 thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế. Không có cán bộ nào vi phạm quy chế bị xử lý.
Ngày đầu kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi Ngữ văn và bài thi Toán nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp.
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Ngày 7/7, tỉnh Bắc Giang quyết định dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 gồm 21 phòng thi với 472 thí sinh do có một thí sinh test nhanh nghi ngờ mắc Covid-19.
Cùng ngày, tỉnh Phú Yên cũng dừng không tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại hai điểm thi với 33 phòng thi và 772 thí sinh do có một số em có mẫu xét nghiệm nghi ngờ mắc Covid-19...
Tỉnh Đồng Tháp tạm dừng điểm thi tại Trường THPT Lấp Vò 3 vào ngày 8/7 do ảnh hưởng dịch Covid-19 ở mức độ nguy hiểm.
Đào Kỳ, Lan Quỳnh, Nghĩa Tùng
(Theo Báo Nhân Dân)