Thứ năm, 25/04/2024 20:09 (GMT+7)
Thứ ba, 15/11/2022 16:50 (GMT+7)

Mức đóng bảo hiểm có thay đổi như thế nào sau khi lương cơ sở tăng?

Theo dõi KTMT trên

Từ 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Theo đó, việc tăng lương cơ sở không chỉ thay đổi mức thu nhập của người lao động mà còn thay đổi mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng.

Lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

Chiều 11/11/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng.

Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP hiện hành, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức sau:

Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương

Như vậy, sau khi lương cơ sở tăng từ 1/7/2023, bảng lương của người lao động sẽ tăng lên với mức tăng tùy vào từng loại công chức, bậc lương.

Ngoài ra, việc tăng lương cơ sở không chỉ thay đổi mức thu nhập của người lao động mà còn thay đổi mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng.

Mức đóng bảo hiểm có thay đổi như thế nào sau khi lương cơ sở tăng? - Ảnh 1
Việc tăng lương cơ sở không chỉ thay đổi mức thu nhập của người lao động mà còn thay đổi mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng.

Căn cứ khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mỗi tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ phải đóng bảo hiểm y tế theo mức sau:

Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Trong đó, mức lương cơ sở không ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động nhưng lại tác động đến mức đóng BHYT tối đa của nhóm đối tượng này. Bởi theo khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa chỉ bằng 20 tháng lương cơ sở.

Do đó, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT tối đa của người lao động sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên thành 540.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2023.

Đối với mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên, theo khoản 11 Điều 18 và điểm 4.2 khoản 4 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đóng với BHYT theo mức sau:

Mức đóng BHYT tối đa/tháng = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở

Như vậy, từ 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 46.935 đồng/tháng lên thành 56.700 đồng/tháng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tiền lương khu vực công đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức; không đủ để đảm bảo tái tạo sức lao động chứ chưa nói đến tích lũy. Quan trọng, không phản ánh đúng giá trị sức lao động, giảm năng suất và hiệu quả lao động khi mà mức lương thấp nhất của công chức có trình độ đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo tính toán của của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, tại TP.HCM, năm 2020 để một người lao động đủ sống cần ít nhất 7,5 triệu đồng/tháng.

Nhấn mạnh của Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân với nhiều năm gắn bó với cải cách tiền lương: Tăng lương cho công chức, viên chức trở nên cấp bách. Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế phát triển, người lao động có quyền được lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Nếu không kịp thời điều chỉnh tăng lương, sẽ tới một lúc chẳng giữ chân người tài, chẳng còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền.

Trình Quốc hội nội dung cải cách tiền lương trong năm 2023

Chiều 15/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.

“Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”- nghị quyết Quốc hội nêu. Đồng thời yêu cầu khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm.

Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương giải quyết tình trạng giao biên chế sự nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (như kiểm lâm, kiểm ngư, thanh tra giao thông…).

Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu năm 2023 hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Mức đóng bảo hiểm có thay đổi như thế nào sau khi lương cơ sở tăng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.