Mở rộng xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển bền vững
Nhận định xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực cho hoạt động KTTV là xu thế chung, tất yếu của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có trình độ phát triển cao trên thế giới; Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV.
Thiên tai xuất hiện nhiều trị số cực trị
Theo Tổng cục KTTV, năm 2019, diễn biến thiên tai KTTV có nhiều đặc điểm phức tạp và xuất hiện nhiều trị số cực trị, nhiều giá trị kỷ lục về mưa lớn, nắng nóng đã được ghi nhận. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Ngành KTTV theo dõi, dự báo có độ tin cậy cao, sát diễn biến tình hình KTTV, kịp thời gửi đến Ban chỉ đạo Trung ương PCTT; Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương các cấp, cộng đồng xã hội, người dân.
Nhờ đó đã chỉ đạo, ứng phó hiệu quả 19 đợt không khí lạnh; 3 áp thấp nhiệt đới; 8 cơn bão; 15 đợt nắng nóng, đặc biệt đợt nắng nóng trong tháng 6, tháng 8 năm 2019 có nhiều điểm vượt ngưỡng giá trị lịch sử; 15 đợt mưa lớn diện rộng; trên 20 sông chính, đã xảy ra 61 trận lũ với biên độ nước lên trên 1,0m.
Thiên tai ngày càng diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước. (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo hệ thống các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo phục vụ, bổ sung các bản tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), miền Trung, Tây Nguyên. Qua đó, góp phần làm giảm thiểu được thiệt hại do hạn mặn cũng như thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch sản suất nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh Covid 19; ngay từ cuối tháng 3/2020, Tổng cục KTTV đã chủ động gửi Công văn tới các Bộ, ngành, địa phương đề nghị sẵn sàng được cung cấp bổ sung thông tin dự báo, cảnh báo chi tiết cho các khu vực đặc thù, nhất là các dự báo sớm, chi tiết cho địa bàn cụ thể cùng các yếu tố KTTV cần dự báo, phục vụ để chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, PCTT, phòng chống dịch bệnh.
"Đến nay, Tổng cục KTTV đã nhận được gần 30 yêu cầu của các bộ, ngành và địa phương. Tổng cục đã đề xuất giảm 30% phí khai thác thông tin, dữ liệu KTTV để hỗ trợ doanh nghiệp (được Bộ Tài chính đồng thuận thể hiện qua việc đã ban hành Thông tư số 36/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020)”, Tổng cục KTTV cho biết.
Bên cạnh đó, triển khai thi hành Nghị định số 48/2020 sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV và các văn bản quan trọng do Thủ tướng Chính phủ mới ban hành liên quan tới công tác dự báo KTTV phục vụ PCTT, Tổng cục KTTV đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các Ngành, lĩnh vực liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch xác định các phân vùng rủi ro thiên tai tại các khu vực có tuyến đường cao tốc đi qua; đánh giá, xác định và hoàn thiện hệ thống trạm thủy văn theo cấp báo động lũ; tăng cường việc thu nhận thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai để tổ chức dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai có hiệu quả…
Kiến nghị mở rộng xã hội hóa hoạt động KTTV
Tổng cục KTTV nhận định, năm 2020 sẽ tiếp tục là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa. Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai KTTV năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, quy mô tăng trưởng, phát triển kinh tế của Quốc gia đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác KTTV. Do vậy, để tăng cường công tác KTTV, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin số liệu về cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tác động của thiên tai, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất.
“Khoa học và thực tiễn cho thấy, muốn dự báo được, ngoài những thông tin KTTV thì cần thiết phải có nhiều thông tin về địa chất, quy hoạch giao thông vận tải, xây dựng, dân cư, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan, tác động tới điều kiện KTTV…”, Tổng cục KTTV lý giải.
Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khối tư nhân để tăng cường phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, Tổng cục KTTV kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng quy mô, phương thức và loại hình xã hội hóa hoạt động KTTV, từ đầu tư trạm quan trắc, thu hút tư nhân tham gia dự báo KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến mạnh dạn cho phép thí điểm hợp tác công tư để khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện Ngành KTTV đang được quản lý, sử dụng.
“Việc xã hội hóa chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành KTTV trong phòng chống thiên tai, phát triển bền vững trong thời gian tới, tăng tính tự chủ của Ngành, giảm sự phụ thuộc vào kinh phí từ ngân sách Nhà nước”, Tổng cục KTTV nêu rõ.
Bên cạnh đó, Tổng cục KTTV cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy cần lưu ý xem xét bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đồng thời bố trí đầu mối, cán bộ kiêm nhiệm có hiểu biết, kinh nghiệm về KTTV, PCTT để theo dõi, đánh giá và tích hợp thông tin, dữ liệu KTTV vào trong quá trình xây dựng, điều hành chính sách, chiến lược, quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, phát triển bền vững, phục vụ PCTT. Bởi thông tin, dữ liệu KTTV cần phải được xác định đúng với tính chất thực tế là nguồn tài nguyên số, một trong những dữ liệu “đầu vào” quan trọng để xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, PCTT của các ngành, địa phương.
“Ở Việt Nam, nhận định chung cho thấy, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước; mưa nhiều, bão, lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ. Dự báo khả năng có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Bão mạnh có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2019. Mùa đông 2020/2021 có khả năng bắt đầu sớm, các đợt không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh dần từ tháng 10/2020 và gia tăng tần suất hoạt động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021”, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. |
Tuyết Chinh