MBS Research: GDP năm 2025 sẽ tăng 7,1% - 7,5%
MBS Research đặt kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ đạt 7,1% - 7,5% nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sự phục hồi của ngành sản xuất.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 2 mới công bố, MBS Research cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Do đó, Chính phủ vừa trình Quốc hội đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên trên 8% nhằm tạo tiền đề và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai chữ số từ năm 2026.
Thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đối với mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho mọi lĩnh vực và thậm chí sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cũng như mức bội chi NSNN cao hơn để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trước những nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, MBS Research đặt kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt 7.1% - 7.5% nhờ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và sự phục hồi của ngành sản xuất.
Theo MBS Research, mặc dù ngành sản xuất có một khởi đầu chưa mấy khởi sắc trong tháng 1/2025 khi trong tháng diễn ra sự kiện Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước (Tết Nguyên đán 2024 diễn ra vào tháng 2), dẫn đến việc chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% svck. Tuy nhiên, theo khảo sát, các doanh nghiệp vẫn duy trì triển vọng lạc quan về sản lượng trong năm tới, với hy vọng rằng nhu cầu thị trường sẽ phục hồi.
Trong khi đó, tháng 1/2025, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân tăng 2% svck. Đáng chú ý nhất là dự án tỷ USD đầu tiên của năm với mức tăng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD của Samsung Displays vừa được tỉnh Bắc Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu năm 2025.
Về đầu tư công, ước vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 35.4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch năm và tăng 9,6% svck.

Xuất khẩu sẽ tăng trưởng 9% - 10% trong năm 2025
Báo cáo của MBS Research cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33.09 tỷ USD, giảm 28.1% so với tháng trước (-4.3% svck). Tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu giảm một phần do mức nền cao của năm ngoái (kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 33.57 tỷ USD, tăng 42% svck).
Theo MBS Research nguyên ngân là do một phần do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên hải quan và các doanh nghiệp nghỉ khiến khối lượng hàng xuất khẩu giảm. Thêm vào đó, tình trạng nhu cầu yếu cũng góp phần làm giảm số lượng đơn hàng xuất khẩu mới.
Các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng âm lớn nhất gồm: điện thoại và linh kiện (-38.1% svck); chất dẻo nguyên liệu (-35.7% svck); máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (-27.3% svck). Tuy nhiên, một số mặt hàng chủ lực vẫn duy trì tăng trưởng mạnh như: Xơ và sợi dệt (+57.5% svck); điện tử, máy tính và linh kiện (+29.2% svck); cao su (+14.6% svck).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9.8 tỷ USD (-2.1% svck). Xuất khẩu sang EU giảm 12.6% svck, đạt 4 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5.8 tỷ USD (+25.2% svck).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu năm 2025 ước đạt 30.06 tỷ USD (-2.6% svck, -14.1% so với tháng trước). Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 11.6 tỷ USD (-2.2% svck). Trong tháng 1, có 3 mặt hàng nhập khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD (chiếm 49.3% tổng kim ngạch nhập khẩu) bao gồm: điện tử, máy tính và linh kiện; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; và vải.
Theo dự báo của MBS Research, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 9% - 10% trong năm 2025, thặng dư cán cân thương mại ở mức 27 tỷ USD dựa trên các yếu tố như Ngân hàng Thế giới dự báo thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 3.4% vào năm 2025, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, qua đó sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Thứ hai, các dấu hiệu tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại. Đặc biệt, Việt Nam đang tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua việc tham gia các hiệp định khu vực như CPTPP và RCEP, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như UAE thông qua việc ký kết FTA vào tháng 10/2024.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực đa dạng hóa các loại mặt hàng, thị trường xuất khẩu như việc ký kết các nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, đồng thời tận dụng thế mạnh nông nghiệp để khai thác thị trường Halal,..
Tuy nhiên, MBS Research cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu về linh kiện điện tử yếu trong ngắn hạn, trong khi các thị trường lớn như Mỹ đang tăng cường rào cản thuế quan và áp dụng các biện pháp bảo hộ mới với các chính sách khó đoán định, có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu.
Hơn nữa, căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn có thể ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong việc xuất khẩu các sản phẩm có nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc sang Mỹ. Do đó, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ và điện tử có thể sẽ gặp nhiều khó khăn đến từ những biến động lớn trong hoạt động thương mại toàn cầu.
H.A