Thứ sáu, 22/11/2024 03:22 (GMT+7)
Thứ năm, 31/08/2023 13:17 (GMT+7)

Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Nhiều doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn xã Cao Dương và huyện Lương Sơn đã bị xử phạt với số tiền lớn, nhưng sau quyết định xử phạt, môi trường vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Trong quá trình tìm hiểu thông tin về các mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường theo thông tin phản án của người dân thuộc khu vực thôn Đồng Om. Nhóm Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương.

Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2) - Ảnh 1
Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường làm việc với ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương.

Tại buổi làm việc, ngoài những vấn đề trao đổi ông Khiên đã cung cấp cho PV bản kết luận thanh tra số 488/KL-STNMT ngày 18/11/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác đá tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại không biết vô tình hay cố ý mà phần kết luận thanh tra này lại thiếu phần trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng khi để xảy ra các sai phạm của các mỏ đá.

Trong kết luận nêu rõ: Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Lương Sơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC ngày 04/8/2022 với số tiền là 60 triệu đồng. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm số tiền là 787 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Cao Dương Phát Đạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường 90 triệu đồng, trong lĩnh vực đất đai 170 triệu đồng. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm số tiền 234 triệu đồng. Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Đạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường số tiền 60 triệu đồng.

Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2) - Ảnh 2
Kết luận thanh tra của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình tháng 11/2022.

Cũng tại kết luận thanh tra nêu rõ, toàn bộ 6 mỏ đá trong danh sách thanh tra đều chưa lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan.

Công ty Cổ phần Cao Dương Phát Đạt chưa thực hiện thủ tục thuê đất đối với diện tích 18,5ha, chưa lập hồ sơ vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Lương Sơn chưa thực hiện thủ tục thuê đất diện tích 9,8ha.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng nêu rõ tuyến đường từ mỏ ra đường Hồ Chí Minh đã bị hư hỏng, xuống cấp, quá trình xe vận chuyển đá đi lại trên tuyến đường và hoạt động chế biến của các mỏ trong khu vực gây nên bụi đất do đó ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của nhân dân trong khu vực.

8 tháng sau quyết định xử lý vi phạm các doanh nghiệp khai thác đá tại đây, cơ quan báo chí vẫn nhận được hàng loạt kiến nghị, đơn kêu cứu của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Họ - những người dân vẫn đang "gồng mình" đấu tranh để mong một cuộc sống "trong bầu không khí trong lành" mà vốn dĩ đã từng có trước khi các mỏ đá được cấp phép. 

Trách nhiệm các cơ quan chức năng ở đâu?

Ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương cung cấp cho PV kết luận thanh tra số 488/KL-STNMT ngày 18/11/2022, nhưng thiếu mất phần trách nhiệm nên không biết Sở TNMT tỉnh Hòa Bình đã đưa ra kiến nghị chung về việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi để xảy ra những vi phạm pháp luật nêu trên.

Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2) - Ảnh 3
Hoạt động của mỏ khai thác đá tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương.

Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường tại Hòa Bình. Nhưng đến nay trách nhiệm khi để xảy ra những vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn chưa thấy tỉnh Hòa Bình thông tin tới nhân dân và các cơ quan truyền thông báo chí.

Cụ thể trong thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ số 356/TB-TTCP ngày 04/3/2021 về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường và việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại tỉnh Hòa Bình (từ năm 2011-2018).

Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2) - Ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (thứ 4 từ trái qua) đối thoại với người dân.

Trong kết luận nêu rõ công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khi để xảy ra những vi phạm, tồn tại là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên Môi trường, Cục thuế tỉnh, trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Hòa Bình.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình năm 2022, PV đã đề nghị cung cấp thông tin về việc xử lý trách nhiệm theo kết luận Thanh tra Chính phủ số 356/TB-TTCP ngày 04/3/2021 nhưng phía Sở TNMT đã không trả lời được về vấn đề này.

Vấn đề ô nhiễm môi trương từ hoạt động khai thác khoáng sản ở Cao Dương được người dân phản ánh từ năm 2022.

Như vậy, với kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2021 cũng như của Sở TNMT tỉnh Hòa Bình năm 2022 là khá rõ ràng, cụ thể về những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, đất đai, khai thác khoáng sản. Thế nhưng đến nay dường như các kết luận thanh tra trên vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu đã được pháp luật quy định cũng như quy định 102/QĐ-TW về vấn đề này.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: Luật pháp Việt Nam yêu cầu rất rõ việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Việc Nhóm PV Tạp chí Kinh tế Môi trường có những bài viết về các vấn đề liên quan đến khai thác vật liệu xây dựng ở Hòa Bình và những dấu hiệu gây tác động xấu đến cư dân là việc làm rất tốt, kịp thời, nên tiếp tục làm đến nơi đến chốn.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Văn Dân - Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Lương Sơn - Hòa Bình: Nhiều doanh nghiệp khai thác đá bị xử phạt, nhưng ô nhiễm vẫn còn (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.