Thứ tư, 24/04/2024 00:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/09/2022 12:55 (GMT+7)

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng?

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo tài chính của EVN cho thấy, những năm gần đây doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn đang đều đặn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022 lại bất ngờ báo lỗ đậm khiến nhiều người lo ngại giá điện có nguy cơ tăng.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thuộc Bộ Công Thương là một doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt của Việt Nam kinh doanh đa ngành. Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, điều độ, mua bán buôn điện năng, xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Tập đoàn đầu tư xây dựng và sở hữu các nhà máy phát điện, hệ thống truyền tải điện, hệ thống điện lưới phân phối, điều độ vận hành điện lưới quốc gia, xuất nhập khẩu điện năng với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo cung cấp điện, thực hiện kế hoạch vận hành theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Trong những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn đang đều đặn tăng trưởng tốt. Thế nhưng, mới đây, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này lại cho thấy mức lỗ “khủng”.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 1
[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 2

Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất vừa được EVN công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022 EVN báo lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng.

Đây là kết quả gây bất ngờ, bởi các năm gần đây EVN chưa từng thua lỗ, thậm chí lợi nhuận còn liên tục tăng giai đoạn 5 năm vừa qua.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 3

Cụ thể, năm 2017 và 2018 EVN lãi 6,6 - 6,8 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2019, lợi nhuận tăng gấp rưỡi lên 9,7 nghìn tỷ đồng.

Hai năm 2020 và 2021, lợi nhuận EVN tăng mạnh lên tương ứng 14,5 và 14,7 nghìn tỷ đồng.

Về doanh thu, báo cáo của EVN cho thấy doanh thu cũng tăng đều đặn qua từng năm, từ mức 295 nghìn tỷ đồng năm 2017 lên 426 nghìn tỷ đồng năm 2021.

Đến 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu EVN đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ. Nhưng giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225,4 nghìn tỷ đồng, khiến ghi nhận lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ là hơn 4,2 nghìn tỷ đồng.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 4

Khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của EVN nửa đầu năm nay là hơn 12,6 nghìn tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi trên 10 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của công ty mẹ cũng ghi nhận doanh thu gần 189,2 nghìn tỷ đồng, còn lỗ sau thuế hơn 17.358 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý... EVN ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất hơn 16.586 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của EVN đạt khoảng 673.157 tỷ đồng, giảm gần 4,6% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của tập đoàn tập trung ở tài sản cố định, gần 443,3 nghìn tỷ đồng và tài sản dở dang dài hạn trên 37,1 nghìn tỷ.

Cuối quý II, EVN có vốn chủ sở hữu gần 230,7 nghìn tỷ đồng, giảm trên 17.230 tỷ so với đầu năm. Các khoản nợ phải trả, gồm nợ ngắn hạn và dài hạn của "ông lớn" ngành điện đều giảm so với đầu năm, lần lượt là gần 152,2 nghìn tỷ đồng và gần 290,3 nghìn  tỷ đồng.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 5
[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 6

Việc EVN ghi nhận lỗ đậm từ hoạt động kinh trong 6 tháng có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc giá nhiên liệu cho sản xuất điện như than, dầu, khí... tăng cao trong bối cảnh thế giới khủng hoảng năng lượng và tác động của cuộc xung đột Nga – Ucraina.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2022, lượng than nhập của Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước gần 5 triệu tấn, ước đạt 22,3 triệu tấn. Tuy nhiên, kim ngạch nhập than tăng tăng 98%, ước đạt 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 7

Lượng giảm, nhưng giá than nhập tăng rất mạnh, bình quân 8 tháng qua, mỗi tấn than nhập giá là 5,6 triệu đồng/tấn (cùng kỳ là 2,3 triệu đồng/tấn), mức giá tăng gần như gấp đôi.

Lượng than nhập về Việt Nam chủ yếu từ Nga và Indonesia, trong đó than Indonesia đạt 7,3 triệu tấn, giảm 4,2 triệu tấn; than Nga là 1,6 triệu tấn, giảm gần 900.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Giá than Indonesia 8 tháng năm 2021 là 1,6 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 3,7 triệu đồng/tấn (mức tăng trên 2,3 lần); than Nga từ chỗ chỉ 2,7 triệu đồng/tấn, nay đã tăng lên 6,6 triệu đồng/tấn.

Như vậy, có thể nói chi phí đầu vào của giá nhập than đã tăng rất mạnh, đây là một trong những nguyên nhân khiến EVN thua lỗ do phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu than cho một số nhà máy điện.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 8

Hiện, lo ngại lớn nhất của người dân là bối cảnh chi phí đầu vào tăng khiến EVN sớm muộn cũng phải tăng giá điện bán lẻ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và có thể gây lạm phát.

Theo tính toán của EVN, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 đã lên mức 1.915,59 đồng một kWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.

Giá bán lẻ điện bình quân được xem xét, điều chỉnh khi các thông số đầu vào của các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý) tăng từ 3% trở lên. Nếu giá bán điện bình quân cao hơn mức đang áp dụng từ 10% trở lên, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiểm ra, rà soát và báo cáo Thủ tướng quyết định mức tăng phù hợp.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 9

Từ tháng 4-7/2022, lãnh đạo EVN đã nhiều phát triển trấn an người dân, dư luận về việc chưa đề xuất tăng giá điện. Theo đó, tháng 4/2022, tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện", ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Cam kết không tăng giá điện trong năm 2022 dù phải chấp nhận lợi nhuận bằng 0, nhưng EVN sẽ khó cân đối trong các năm tiếp theo nếu giá nhiên liệu đầu vào vẫn tăng.

Đợt tháng 7/2022, chứng kiến chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ về việc chưa đề xuất tăng giá điện bán lẻ. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu EVN tiết kiệm chi phí; Bộ Công Thương tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí của tập đoàn này để giữ ổn định giá điện.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc không tăng giá điện có thể chỉ ở năm 2022, trong năm 2023 EVN sẽ phải tăng giá điện để đáp ứng cân đối tài chính và năng lực. Việc giá điện thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là rủi ro lớn cho EVN và khiến giá bán điện của các nhà máy phát điện (nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió..) không thể bù lỗ được.

Bên cạnh đó, việc tăng giá bán điện hợp lý giúp doanh nghiệp, hộ tiêu dùng cân đối sử dụng điện tiết kiện, thay đổi công nghệ để thích ứng, giảm chi phí, tiến đến thị trường giá điện cạnh tranh.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 10

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định, giá năng lượng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà mọi quốc gia phải đương đầu. Năm nay, chúng ta đang cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể đạt 7,5%. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế thì Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn, đó là giá năng lượng và vấn đề an ninh năng lượng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Việt Nam chưa nên và không thể tăng giá điện trong bối cảnh phục hồi kinh tế, ít nhất là hết năm 2023.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 11

Ông Doanh phân tích: “Từ đầu năm đến nay, dù các loại nhiên liệu tăng giá, tăng mạnh, nhưng chúng ta vẫn giữ giá điện để ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một nỗ lực rất lớn trong điều hành nền kinh tế. Nhưng việc ngành điện quá phụ thuộc vào thủy điện, điện than phải tính toán lại sớm. Về lâu dài, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sử dụng và khai thác năng lượng bền vững hơn.

Cụ thể, cần phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn trong sản xuất. Khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Theo tôi, các địa phương như miền Trung và miền Nam cần có những chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió và cả điện gió ngoài khơi… giá tốt.

Bên cạnh đó, trong Quy hoạch điện 8, cần tính đến xu hướng tăng giá của các loại hình năng lượng truyền thống như than, khí. Đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng mới theo xu hướng thế giới. Từ đó, cần có một chính sách tốt và bền vững để khuyến khích tư nhân đầu tư vào các năng lượng phi truyền thống. Thị trường năng lượng và vấn đề đầu tư, hợp tác quốc tế cũng là những vấn đề cần được đặt ra và giải quyết một cách có hệ thống”.

[Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng? - Ảnh 12

Một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh tỏ ra băn khoăn, ngành thống kê của Việt Nam thống kê về năng suất lao động 3 ngành dẫn đầu là điện, khai khoáng và kinh doanh bất động sản. Trong đó, riêng ngành điện đang có năng suất cao gấp 16 - 17 lần so với năng suất lao động chung của nền kinh tế. Năng suất lao động chính là giá trị gia tăng. Về cơ bản, phần này đi vào 2 bộ phận là thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất. Đáng nói là 2 tập đoàn điện và than hiện là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương. Giá than thuộc ngành khai khoáng tăng là tiền đề cho giá điện tăng. Ngoài ra, một vấn đề khác đặt ra là dù giá trị gia tăng rất cao (ngành điện - NV) nhưng sau đó, trong quá trình phân phối lại, chi phí trung gian quá cao khiến doanh nghiệp lỗ lã và hiệu quả nền kinh tế thu về lại không cao. Ngoài ra, một trong những vấn đề ngành điện cần lưu ý là đầu tư dàn trải mà xuất phát từ yếu kém khâu thiết kế hoặc có hiện tượng “vẽ ra” để lấy công trình khiến rất nhiều công ty điện lực cơ sở bế tắc khâu quyết toán.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái, đồng thời là trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, mới đây lưu ý ngành điện là xem xét chưa điều chỉnh tăng giá điện. Trước áp lực giá tăng của nguyên liệu đầu vào, ngành này phải tiết kiệm chi phí, kiểm soát và tính toán để ổn định giá điện. TS Bùi Trinh cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng đã rõ và trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc chưa thể tăng giá điện năm nay và năm sau, ngành điện nên lưu ý vấn đề tiết kiệm, giảm tối đa đầu tư dàn trải, từ công trình lớn đến bé. Quan trọng nhất là kiểm soát việc đầu tư tại các địa phương nhiều hơn.

Nội dung: Hà Lan

Thiết Kế: Thế Hiệp

Bạn đang đọc bài viết [Longform] “Ông lớn” EVN báo lỗ "đậm", giá điện liệu có tăng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.