Bộ Công Thương "bêu tên" loạt công ty điện lực miền Nam dính sai phạm điện mặt trời
Bộ Công Thương vừa ban hành kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà.Qua quá trình kiểm tra, phát hiện hàng loạt các Công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam dính sai phạm.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-BCT ngày 5/3/2021 về kiểm tra phát triển điện mặt trời và Văn bản số 1376/BCT-ĐL ngày 15/3/2021 về Kế hoạch kiểm tra phát triển điện mặt trời.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận số 1424/KL-BCT về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tại các đơn vị điện lực trên cả nước.
Hàng loạt doanh nghiệp bị "bêu tên"
Qua quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại một số đơn vị điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam. Cụ thể, tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, vi phạm là thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định đối với 2 khách hàng; ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà Cao Capital, Xuân Phú Đông, Công ty TNHH Quang Trung.
Còn Công ty Điện lực Bình Dương thỏa thuận đấu nối vượt quá công suất theo đề nghị của khách hàng, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, không đúng với công suất trong đơn đề nghị bán điện, sai lệch với biên bản nghiệm thu. Việc này xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Công ty TNHH Thái Cát năng lượng xanh, Công ty TNHH Đầu tư năng lượng Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoàng Kim Phát, Công ty Cổ phần Mai Sơn Lâm.
Tại Công ty Điện lực Bình Phước, đoàn kiểm tra cũng phát hiện vi phạm tương tự. Còn Công ty Điện lực Ninh Thuận vi phạm thời gian thực hiện thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà khi vượt quá thời hạn quy định. Việc này xảy ra tại các hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Phát triển Zeus, Công ty TNHH Năng lượng Hoàng Quân, Công ty TNHH Thảo Nguyên Farm...
Công ty này cũng để xảy ra vi phạm khi thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này xảy ra tại các trạm biến áp 110/22 kV Ninh Sơn, Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Thuận 1, Ninh Phước, dẫn đến làm tăng công suất truyền tải lên đường dây 110 kV cấp cho các trạm biến áp này.
Công ty Điện lực Bình Thuận cũng bị chỉ ra vi phạm khi thực hiện trình tự phát triển điện mặt trời mái nhà trái với quy định tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng tái tạo Bình An, Công ty Công nghệ xanh Toàn Cầu; nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong văn bản chấp thuận đấu nối, trái với quy định, xảy ra tại hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Hàm Tân Solar farm.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Trước những sai phạm liên quan phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương nêu rõ, các tỉnh, thành phố được kiểm tra đã chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.
Một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt…), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Trên cơ sở kết luận này, Bộ Công Thương kiến nghị các công ty điện lực được kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà như chấp thuận, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu, đưa vào phát điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng, mua bán điện theo đúng, đủ quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với EVN, các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để xử lý các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Kiến nghị EVN chủ trì xử lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà. Chỉ đạo, kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình thực hiện phát triển các dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các công ty điện lực trên toàn quốc theo đúng, đủ quy định của pháp luật; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các đơn vị điện lực rà soát điều kiện kinh doanh của các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà trong lĩnh vực phát điện theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan thực hiện trách nhiệm tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và các quy định khác của pháp luật có liên quan để hậu kiểm quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà theo đúng thẩm quyền.
Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện kết luận kiểm tra.
Trước đó, theo kết quả kiểm toán năm 2020 tại Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện nhiều sai sót. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phát hiện công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán gói thầu tại nhiều dự án còn sai sót, tồn tại như: Dự án Gò Quao, Dự án Phú Quốc, Dự án Hòn Nghệ, Dự án Lại Sơn, Dự án Đường dây trung hạ thế và TBA xóa hình thức câu phụ, dùng chung trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2019, Dự án Đường dây 22kV nối lưới giữa các lộ ra TBA 110KV nhằm tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho Khu LH-CN-DV-ĐT Bình Dương năm 2018, Dự án Đường dây 22kV nối lưới giữa các lộ ra TBA 110kV nhằm tăng cường độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực Nam Bình Dương năm 2018, Gói thầu xây lắp Đường dây 22kV cấp điện KCN Bàu Bàng và KCN Bàu Bàng mở rộng, Dự án Đường dây 22kV cấp điện KCN Ascendas Protrade.
Theo kiểm toán, công tác xét thầu không đảm bảo quy định, hồ sơ dự thầu của nhà thầu trúng thầu chưa đảm bảo tư cách hợp lệ, điều kiện năng lực kinh nghiệm nhưng vẫn chấm và xét trúng thầu (Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt phần đường dây trung hạ áp trên đất liền và trên đảo, Gói thầu XL-02: Xây dựng 12 móng trụ đường dây vượt biển (từ trụ T18 đến trụ T25 và 04 trụ kết nối các đảo) của Dự án Tiên Hải; Gói thầu Xây dựng và lắp đặt VTTB trạm và đường dây đấu nối của Dự án Cần Đước; Dự án/Gói thầu NLMT áp mái tại Văn phòng điều hành PC Cần Thơ; Gói thầu Thi công xây lắp của Dự án NLV Bàu Bàng).
Quản lý chất lượng, nghiệm thu, thanh toán vật tư thiết bị và các gói thầu xây dựng còn sai sót, tồn tại.
Việc khảo sát hiện trạng công trình trước khi đề xuất, phê duyệt Phương án sửa chữa lớn chưa thực hiện đúng quy định, đề xuất sửa chữa một số nội dung không cần thiết hoặc công tác vừa mới được sửa chữa, không tuân thủ quy định theo Quyết định số 1530/QĐ-EVN SPC của EVNSPC.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản... nhưng đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam từ chối cung cấp thông tin kết quả xử lý cho PV vì cho rằng... báo chí không có chức năng tìm hiểu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, trong điều kiện các nguồn thủy điện được khai thác gần hết, thì việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết và là xu thế của thế giới. Năng lượng mặt trời là dạng năng lượng “trời cho”, nhưng việc đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp, điện mặt trời có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...
Hà Lan