Thứ bảy, 20/04/2024 16:13 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 14:00 (GMT+7)

Long An: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tỉnh Long An đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, giá trị nông sản hướng đến phát triển bền vững,...

Long An: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1
Tỉnh Long An hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển bền vững.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trong năm 2022, tỉnh Long An phấn đấu xây dựng 26 mô hình điểm về ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa với diện tích 1.300ha, tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 với 115 mô hình; xây dựng 2 mô hình điểm về rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2ha, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016 - 2020 với diện tích 1.772ha; xây dựng 12 mô hình điểm về thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120ha, tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ứng dụng công nghệ cao và duy trì 7 mô hình với diện tích 140ha; xây dựng 15 mô hình điểm về chanh ứng dụng công nghệ cao với diện tích 150ha, nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 220ha; xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ứng dụng côn nghệ cao và hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh…

Bên cạnh đó, xác định rõ việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao… đặc biệt, vấn đề đảm bảo đầu ra cho sản phẩm là điều rất quan trọng. Vì vậy, song song với việc mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác… tỉnh Long An đã tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này…

Cụ thể, về hiệu quả của vùng rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Khê, huyện Cần Đước, Bí thư Đảng ủy xã Long Khê - Nguyễn Thanh Oai cho biết: “Hiện huyện quy hoạch 30ha rau ứng dụng công nghệ cao xung quanh Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai. Tại đây, huyện sẽ đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ nông dân chi phí để trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Chắc chắn khi hoàn thành quy hoạch 30ha chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao xung quanh Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai, đời sống người dân tiếp tục nâng lên, nhất là giúp địa phương sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao”.

Long An: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2

Mô hình trồng rau nhà lưới tại Long An.

Về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây - Nguyễn Văn Lựa chia sẻ: “Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, người dân được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, Hợp tác xã được hỗ trợ các chuỗi liên kết sản xuất; xây dựng mô hình VietGAP; xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 1 tỉ đồng; được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật,... Đặc biệt, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Hợp tác xã ký kết được các hợp đồng bao tiêu nông sản cho các thành viên. Bình quân, doanh nghiệp sẽ mua lúa của thành viên Hợp tác xã cao hơn bên ngoài 200-300 đồng/kg. Điều này giúp thành viên Hợp tác xã có thêm lợi nhuận và khẳng định được uy tín của Hợp tác xã”.

“Tân Tây là xã thuần nông với nhiều loại cây trồng như lúa, khóm, mai, khoai mỡ,... Do đó, xã xác định thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất là “chìa khóa” quan trọng để về đích nông thôn mới nâng cao trong thời gian không xa. Đến nay, xã xây dựng được trên 500ha lúa ứng dụng công nghệ cao; đang hỗ trợ thành lập Hợp tác xã mai vàng, khóm; tiếp tục làm các hồ sơ, thủ tục để kẹo khóm Kim Thoa đạt chuẩn OCOP;...” Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Xuân Hảo thông tin.

Tương tự, về lợi ích khi tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, anh Huỳnh Chí Thẳng (ấp Đá Biên) - nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi nhiều năm liền, chia sẻ: “Thời tiết diễn biến phức tạp, sâu, bệnh ngày càng nhiều, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng mà không thay đổi tập quán sản xuất thì làm lúa chỉ có lỗ hoặc huề vốn. Khi xã vận động tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, tôi đồng ý ngay và vận động nhiều người cùng tham gia. Hiện gia đình có 3ha nằm trong vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, lợi nhuận cao hơn so với bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha/năm”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An thông tin, khi tham gia chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây rau, lúa, chanh, thanh long và con bò, tôm, nông dân hưởng nhiều lợi ích như được hỗ trợ vốn xây dựng mô hình; ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong quá trình canh tác; lợi nhuận tăng trên cùng diện tích canh tác;... Qua đó, giúp nhiều địa phương thành lập được tổ hợp tác, Hợp tác xã, xây dựng được các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc để các địa phương về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Long An: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới