Long An: Hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao bền vững
Để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, Long An định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An, để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ngoài việc siết chặt tiếp nhận mới các dự án ngành nghề gây ô nhiễm, Sở sẽ tiếp tục quản lý tốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Hiện Long An vẫn còn ba Cụm công nghiệp là Hoàng Gia, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông tồn tại các vấn đề ô nhiễm môi trường. Đối với các Cụm công nghiệp này, Sở sẽ tham mưu xử lý dứt điểm sớm.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An - cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Long An, UBND tỉnh có văn bản giao các sở, ngành liên quan thực hiện định hướng tiếp nhận tập trung các dự án ngành nghề ô nhiễm.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An thông tin, hiện tại, toàn tỉnh Long An có 20 Khu công nghiệp và 19 Cụm công nghiệp đang hoạt động. Đa số đều được quy hoạch tiếp nhận đa ngành nghề, bao gồm cả các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, thuốc bảo vệ thực vật, thuộc da, sản xuất sắt thép nhôm từ phế liệu, xử lý chất thải...
Trong đó, trên 50 dự án dệt nhuộm tại 12 Khu công nghiệp đã được quy hoạch tiếp nhận ngành nghề này từ trước. 13 Khu công nghiệp có quy hoạch ngành nghề sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với 61 dự án đã được tiếp nhận. 10 Khu công nghiệp có quy hoạch ngành nghề xử lý chất thải với 5 dự án.
Ông Nguyễn Tân Thuấn khẳng định: "Để đảm bảo hướng phát triển môi trường bền vững, Tỉnh ủy định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và không bố trí vào các khu, cụm công nghiệp mới, trừ Khu công nghiệp quốc tế Trường Hải khi Khu công nghiệp này đi vào hoạt động".
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho hay, Dự án Khu công nghiệp quốc tế Trường Hải có diện tích 162ha tại huyện Đức Huệ hiện đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.300 tỉ đồng, được xem là một mô hình "gom" việc tiếp nhận các dự án ngành nghề gây ô nhiễm để các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm còn lại của tỉnh Long An được sạch hơn, hướng đến mục tiêu đảm bảo môi trường cạnh tranh thu hút đầu tư.
Đối với các dự án ngành dệt nhuộm, giặt tẩy, sản xuất sắt thép, kim loại màu từ phế liệu khi muốn mở rộng và tăng quy mô hoạt động sản xuất thì ngoài việc phải phù hợp với quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng của Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp còn phải đảm bảo đạt trình độ công nghệ sản xuất từ mức trung bình tiên tiến trở lên, máy móc thiết bị mới 100%.
Với ngành nghề sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, tạm ngưng tiếp nhận mới các dự án sản xuất, gia công, sang chiết, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật để đợi xem xét, tiếp nhận vào Khu công nghiệp quốc tế Trường Hải khi Khu công nghiệp này đi vào hoạt động.
Về ngành nghề tái chế nhựa, ưu tiên phế liệu nhựa sạch trong nước, dự án phải sử dụng phế liệu nhựa sạch chưa qua sử dụng và không có công đoạn tẩy rửa.
Nhìn nhận thực tế về hoạt động xử lý chất thải các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho hay, hiện nay, ngành nghề xử lý chất thải tỉnh Long An có năm đơn vị xử lý chất thải đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Vậy nhưng thực tế các đơn vị chỉ xử lý với công suất 10 - 20%. Do đó, trong thời gian tới tạm ngưng tiếp nhận mới các dự án có ngành nghề xử lý chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường này.
Mai Anh