Lối sống thân thiện môi trường với nguyên tắc 5R
Trào lưu sống xanh, thân thiện với môi trường đã và đang có những tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động của con người. Con người hoàn toàn có thể sống xanh hơn thông qua mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của bản thân.
Là 1 trong 5 quốc gia thải nhiều rác nhựa ra đại dương nhất thế giới, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, nhà khoa học, và doanh nghiệp tại Việt Nam nhận ra rằng đã đến lúc phải thay đổi. Theo đó, ô nhiễm nhựa đã đạt đến quy mô khổng lồ trên toàn thế giới và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường biển và đời sống xã hội. Và Việt Nam không nằm ngoài những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa mang lại.
Rác thải nhựa đại dương xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây hại trực tiếp tới sức khỏe con người. Đốt rác nhựa giải phóng các khí độc vào không khí, làm tăng tỉ lệ tử vong do bệnh tim, đột quỵ, và ung thư phổi. Hơn bao giờ hết, biến đổi khí hậu đang làm cho Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai như bão, lốc xoáy và lở đất.
Với trào lưu “Zero Waste” giờ đây đã trở thành tiêu chuẩn mới cho toàn cầu. Bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm tất cả các sản phẩm, bao bì và vật liệu để bảo tồn và hạn chế sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không đốt cháy, không thải ra đất, nước hoặc không khí gây ô nhiễm môi trường, đe dọa Trái Đất và sức khỏe con người.
Với nguyên tắc 5R (Refuse - Reduce - Reuse - Recycle - Rot), lối sống xanh, bền vững, thân thiện với môi trường sẽ được thực hiện mỗi ngày. Con người hoàn toàn có thể sống xanh hơn thông qua trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động của bản thân mình.
Refuse - Từ chối những gì bạn không cần
Lối sống "không rác thải" bao gồm cả hình thức tiêu thụ trực tiếp và gián tiếp. Chữ R đầu tiên Refuse (từ chối) giải quyết loại tiêu thụ gián tiếp như tờ rơi quảng cáo và các vật phẩm tiếp thị len lỏi trong cuộc sống hàng ngày.
Những thứ bạn không cần bao gồm: những loại nhựa dùng một lần như túi nilon, chai lọ, ống hút, hộp nhựa… thay vào đó bạn hãy sử dụng túi vải và các đồ dùng cá nhân tiện lợi có thể đem theo và tái sử dụng được.
Reduce – Học cách giảm bớt đồ đạc
Hãy học cách cắt giảm những thứ cần thiết mà bạn vẫn đang sử dụng như: quần áo, đồ ăn, đồ sinh hoạt, sản phẩm giải trí… bằng cách đánh giá lại nhu cầu thực sự và hạn chế mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời chia sẻ đồ cũ cho cộng đồng bằng việc bán, quyên góp đồ cũ… nhờ vậy mà vừa tăng thêm được khoản tiền tiết kiệm vừa thực hiện lối sống xanh nên có thể gọi là một công đôi chuyện đúng không nào.
Tiết giảm là một biện pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay. Giải quyết các vấn đề cốt lõi của rác thải và suy xét các hậu quả môi trường sắp tới của việc dân số, tiêu dùng gia tăng và những tài nguyên hữu hạn của hành tinh không còn có thể thỏa mãn nhu cầu của con người. Việc tiết giảm cũng đưa bạn tới lối sống tối giản, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, trải nghiệm thay vì vật chất.
Reuse – Tái sử dụng khi có thể
Có thể bắt đầu bằng việc đem theo những món đồ có khả năng tái sử dụng: Dùng bình đựng nước riêng thay vì ly nhựa, dùng cốc giữ nhiệt của mình khi mua cà phê, đem theo túi vải khi mua sắm thay vì lấy túi nilon tại cửa hàng, dùng hộp đựng thức ăn thủy tinh, inox thay hộp nhựa dùng một lần…. Mua quần áo secondhand , vật dụng cũ, mua sản phẩm có độ bền cao, dễ dàng sửa chữa hoặc có hạn bảo hành vĩnh viễn… làm vậy sẽ tránh lãng phí chi tiêu của bạn mà còn góp phần giảm thiểu được số lượng tạo ra rác thải ra bên ngoài môi trường.
Không ít người nhầm lẫn cụm từ “tái sử dụng” và “tái chế” cho dù chúng hoàn toàn khác nhau trên phương diện bảo tồn thiên nhiên. Tái chế là tái xử lý một sản phẩm để hình thành một sản phẩm mới. Tái sử dụng, trái lại, có nghĩa là tận dụng sản phẩm với hình dạng sản xuất ban đầu của nó nhiều lần để tối đa hóa công năng và tăng tuổi thọ sản phẩm. Từ đó ta có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên bị hao tổn cho quy trình tái chế.
Recycle – Học cách phân loại để tái chế
Khi các sản phẩm như vỏ lon nhôm, chai lọ thủy tinh hoặc là pin và các đồ điện tử... thay vì vứt bỏ như thường lệ thì bạn chỉ cần tái chế chúng theo đúng quy định từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, chất thải độc hại. Song giải pháp tốt nhất hiện nay là gửi đến các đơn vị thu gom rác thải hoặc tái chế trong trường hợp không thể xử lý và phân loại theo đúng quy định.
Tái chế rác thải là hành trình cần thiết để có thể hướng tới một lối sống xanh bền vững. Việc tái chế tạo ra nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm mới; làm giảm việc khai thác nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và mang lại giá trị cho các sản phẩm đã qua sử dụng. Tuy nhiên, để có thể tái chế đúng cách, hiệu quả còn phụ thuộc rất lớn vào thói quen tiêu dùng và phân loại rác thải. Bởi vậy, ngày càng nhiều người tiêu dùng hiểu và tích cực thay đổi các thói quen hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường.
Rot – Ủ phân những gì còn sót lại
Biến rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng từ rác thực phẩm và thức ăn thừa như rau củ quả, vỏ trứng, bánh kẹo… bằng cách ủ trùn quế, ngâm vi sinh hoặc đơn giản nhất là chôn dưới đất. Điều này góp phần to lớn vào việc giảm thiểu chất thải tại các bãi rác cũng như nhà máy xử lý rác thải.
Đây là quy trình tái chế đơn thuần từ thiên nhiên cho phép các chất thải hữu cơ phân hủy theo thời gian và trả lại chất dinh dưỡng của chúng cho đất. Việc ủ phân tại hộ gia đình tạo điều kiện lý tưởng và đẩy nhanh quá trình xử lý chất thải nhà bếp và sân vườn, từ đó có thể tránh việc chuyển rác thải đến bãi chôn lấp. Giải pháp này vừa giúp cây phát triển tốt, vừa tiết kiệm và an toàn với môi trường sống của con người.
Trong cuộc sống hiện đại, để thực hiện triệt để lối sống xanh là điều không hề dễ dàng bởi nhiều thói quen tiêu dùng không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Vì vậy, hành động thực tế ngay lúc này là ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thay thế nhựa khi mua sắm; thay thế nhựa một lần trong các vật dụng cá nhân như bình nước, hộp cơm trưa; tái sử dụng các túi nilon khi mua sắm; tái sử dụng các loại chai nhựa đựng dung dịch các chất tẩy rửa trong gia đình; tái chế các chai lọ nhựa thành các chậu cây.
Lan Anh (T/h)