Thứ sáu, 29/03/2024 21:43 (GMT+7)
Thứ ba, 25/05/2021 12:50 (GMT+7)

Loạt nhà máy điện gió ở Sóc Trăng sắp cán đích

Theo dõi KTMT trên

Theo Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, tất cả các nhà thầu dự án điện gió cam kết sẽ phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để hoàn thành đóng điện và đi vào hoạt động trước ngày 31/10 tới.

Cam kết cuối tháng 10 đưa vào hoạt động 8 nhà máy điện gió

Theo quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Công Thương về phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng có ba vùng quy hoạch phát triển điện gió. Vùng 1 được phân bổ tại khu vực bãi bồi ven biển thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung có diện tích 21.900 ha, công suất dự kiến 860 MW, vận tốc gió trung bình 6,4 m/s. Vùng 2 phân bổ ở khu vực đất liền ven biển thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề có diện tích 7.500 ha, công suất dự kiến 295 MW, vận tốc gió 6 m/s. Vùng 3 phân bổ tại khu vực đất liền thị xã Vĩnh Châu có diện tích 7.940 ha, công suất dự kiến 315 MW, vận tốc gió 6,2 m/s. Riêng giai đoạn sau năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 200 MW với sản lượng điện gió tương ứng là 470 triệu kW giờ.

Đồng thời, khả năng truyền tải của lưới điện đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch cho Sóc Trăng là 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW. Hiện, tình hình triển khai các dự án bám sát tiến độ, dự kiến đến tháng 10/2021 đưa vào vận hành tám dự án, các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong năm 2022 và 2023.  Các dự án nhà máy điện gió tại Sóc Trăng đều thực hiện đăng ký Chứng nhận tiêu chuẩn vàng cho các mục tiêu toàn cầu (GS4GG), là bộ tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững. Việc đăng ký Chứng nhận GS4GG sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 và dự kiến được ban hành chứng chỉ vào năm 2021 và 2022.

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, qua khảo sát và làm việc với chủ các dự án công trình điện gió đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mới đây, tất cả các nhà thầu đã cam kết sẽ phấn đấu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để hoàn thành đóng điện và đi vào hoạt động trước ngày 31/10 tới.

Loạt nhà máy điện gió ở Sóc Trăng sắp cán đích - Ảnh 1
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tiến độ các công trình điện gió. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (Dự án Nhà máy điện gió số 6) cho biết công suất giai đoạn I của nhà máy là 30 MW, sử dụng tua bin GE 5,3 MW, trụ cao 121 m, đường kính cánh 158 m, hiện dự án đã hoàn thành phần móng và trụ tuabin của 6/móng trụ, các tuabin đã vận chuyển về tới cảng Hậu Giang, dự kiến vận chuyển tua bin về tới công trường vào cuối tháng Năm này này để lắp đặt, triển khai lắp đặt từ tháng Sáu tới; phấn đấu hoàn thành lắp đặt và chạy thử vào tháng Tám tới và đóng điện vận hành thương mại dự án trong tháng 9 năm nay.

Không chỉ Nhà máy điện gió số 6 Quốc Vinh đang khẩn trương hoàn thành, 7 nhà máy điện gió khác đang thi công tại vùng ven biển tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, cũng đang trong giai đoạn xây dựng, đổ trụ móng, đường dẫn, với khối lượng hoàn thành từ 30-70% và đều phấn đấu sớm hoàn thành hòa lưới điện quốc gia trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Trong chuyến khảo sát các công trình điện gió mới đây (ngày 20/5), ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã động viên ban lãnh đạo, chủ đầu tư và các công nhân kỹ sư đang thi công trên công trường điện gió và mong muốn các công trình được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để sớm đưa nguồn năng lượng sạch hòa lưới điện quốc gia, đồng thời khi công trình hoàn thành sẽ tạo cảnh quan môi trường vùng ven biển Sóc Trăng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo nên những cánh đồng điện gió, thúc đẩy du lịch địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục động viên cán bộ, người lao động khắc phục những khó khăn, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình còn lại để sớm đưa vào hoạt động nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng công trình như đã cam kết.

Phấn đấu sản lượng điện sạch đáp ứng 90% nhu cầu

Bên cạnh phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu đo đạc, số giờ nắng trong năm của tỉnh Sóc Trăng khá cao, dao động từ 2.292 giờ đến 2.488 giờ/năm, bình quân có khoảng 4,7 đến 5 giờ/ngày, thời điểm cao nhất vào khoảng tháng 3 - 4, có thể đạt hơn sáu giờ/ngày. Theo Đề án phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tỉnh đề xuất cập nhật vào quy hoạch điện VIII, với quy mô công suất khoảng 1.775 MWp. 

Thời gian gần đây, với chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là loại hình có khá nhiều tính ưu việt, hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, trước đây cơ sở sản xuất cửa sắt Minh Thiện tại TP.Sóc Trăng hằng tháng phải trả gần 30 triệu đồng tiền điện. Từ năm 2019, cơ sở này quyết định đầu tư lắp 400 m2 tấm pin tạo ra bình quân 300 kW giờ điện/ngày, đáp ứng đến 80% lượng điện tiêu thụ của cơ sở. 

Giám đốc Công ty Lưu Minh Thiện lạc quan cho biết, theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, giá mua điện mặt trời là 1.943 đồng/kW giờ (tương đương 8,38 cent/kW giờ), áp dụng cho các hệ thống ĐMTMN đấu nối từ tháng 7-2019 đến ngày 31-12-2020, thời hạn ký hợp đồng tối đa là 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư hệ thống ĐMTMN. Vì vậy, chúng tôi đang mạnh dạn đầu tư lắp thêm 100 m2 tấm pin mặt trời theo hình thức hòa mạng lưới điện.

Loạt nhà máy điện gió ở Sóc Trăng sắp cán đích - Ảnh 2
 Nhà máy năng lượng Mặt Trời.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Võ Văn Chiêu đánh giá, tiềm năng điện mặt trời của tỉnh còn khá lớn, trong đó, phát triển năng lượng thông qua việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN sẽ đóng góp quan trọng trong giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng tăng cao ở khu vực miền nam được dự báo vào giai đoạn 2021 - 2025, nhất là, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng bình quân hằng năm gần 14%.

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển điện sinh khối của tỉnh Sóc Trăng cũng khả quan khi nguồn nguyên liệu khá dồi dào. Hằng năm, sản lượng mía ép tại Nhà máy đường Sóc Trăng khoảng 435 nghìn tấn mía cây, tương đương 130 nghìn tấn bã mía. Tổng sản lượng lúa trên địa bàn đạt khoảng 2,4 triệu tấn/năm, tương đương sản lượng trấu 312 nghìn tấn/năm. Sau thu hoạch, nông dân thu lại bình quân hai tấn rơm rạ/ha. Như vậy, so với diện tích gieo trồng khoảng 140 nghìn ha/vụ, tương đương sản lượng rơm rạ 280 nghìn tấn/vụ. Đồng thời, nguồn tài nguyên rừng của tỉnh có gần 11.360 ha. Năm 2020 gỗ năng lượng từ rừng tự nhiên khoảng 9.436 tấn, rừng sản xuất 8.150 tấn, cây trồng phân tán 3.786 tấn, cây công nghiệp lâu năm 17 nghìn tấn, phế thải gỗ 33 nghìn tấn. Những nguồn nguyên liệu này sẽ là đầu vào cho các nhà máy điện, trong đó nhà máy điện đồng phát nhiệt sử dụng bã mía, công suất 12 MW của Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng đã đưa vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh đã quy hoạch vị trí lắp đặt nhà máy sinh khối như: nhà máy điện sử dụng nguyên liệu trấu tại thị xã Ngã Năm, quy mô công suất 20 MW và tại TP Sóc Trăng, quy mô công suất 10 MW; nhà máy sử dụng gỗ phế thải tại hai huyện Mỹ Tú, Long Phú với quy mô công suất từ 5 đến 10 MW/huyện.

Với lợi thế vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tỉnh Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch, kể cả những nguồn năng lượng mới như: sóng biển, thủy triều, địa nhiệt, khí sinh học... Có thể nói, trong tương lai không xa, Sóc Trăng sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn phân tích, bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về ưu tiên phát triển ngành năng lượng sạch gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng đi đôi với bảo vệ môi trường. Dự báo, tổng công suất của các nguồn điện tại địa phương đến năm 2025 đạt khoảng 2.500 đến 3.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng bảy tỉ kW giờ và đến năm 2030 đạt khoảng 6.500 đến 7.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng 22 tỉ kW giờ. Trong đó, tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 70 đến 75% vào năm 2025 và khoảng 85% đến 90% vào năm 2030.

Với những giải pháp phù hợp và sự tích cực phối hợp trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo, tỉnh Sóc Trăng hy vọng sẽ phát huy được thế mạnh, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.

Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững về kinh tế-xã hội, sớm đưa Sóc Trăng trở thành địa phương có nền nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo phát triển mạnh phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn, ven biển, giải quyết việc làm, tạo cảnh quan du lịch thu hút du khách

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Loạt nhà máy điện gió ở Sóc Trăng sắp cán đích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.