Thứ ba, 23/04/2024 15:24 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 09:00 (GMT+7)

Lo ngại sau lợi nhuận kỷ lục của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán: CII) thể hiện khoản lợi nhuận gần 650 tỉ đồng, nhưng trong đó có 595 tỉ đồng từ việc thoái vốn, bán cổ phiếu NBB trong năm 2021.

Áo lực dòng tiền trả nợ

Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán: CII) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022. Báo cáo tài chính này thể hiện khoản lợi nhuận kỷ lục của CII, lên tới gần 650 tỉ đồng, cao nhất từ năm 2018 trở lại đây.

Thông tin này đưa ra trong bối cảnh sau khi kết thúc năm 2021, Công ty lỗ hơn 332 tỉ đồng khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa cổ phiếu CII vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/2022. Trước đó, CII cũng đã bị HoSE ra thông báo không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Lý giải về việc kinh doanh thua lỗ trong năm 2021, trong văn bản giải trình của CII thể hiện, hai quý cuối năm 2021, việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Tất cả trạm BOT do CII quản lý phải dừng thu, hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng, đến kinh doanh trong thời gian giãn cách. Trong khi đó, công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại.

Kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà CII đã thu thực tế trong năm. Cụ thể, CII đã thoái 25,4 triệu cổ phiếu Công ty Năm Bảy Bảy (NBB), thu về số tiền hơn 1.000 tỉ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỉ đồng trên báo cáo tài chính riêng.

Lo ngại sau lợi nhuận kỷ lục của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Ảnh 1
Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán: CII) đang đứng trước áp lực chi phí tài chính bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Do NBB vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất. Đến hết quý 1/2022, NBB từ công ty con đã trở thành công ty liên kết với CII (chiếm 68,41% vốn điều lệ NBB), từ đó nguồn tiền từ việc bán 25,4 triệu cổ phiếu NBB năm 2021 được ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh. Như vậy thực chất, CII chỉ phát sinh lãi 55 tỉ đồng trong quý 1/2022.

Theo dỗi tình hình tài chính trong thời gian 4 năm trở lại đây của CII cho thấy, hoạt động kinh doanh chính của Công ty không tạo ra nhiều dòng tiền, thậm chí thâm hụt, khiến Công ty phải huy động dòng tiền tài chính  trong đó phần lớn là phát hành trái phiếu.

Tính đến hết ngày 31/3/2022, tổng tài sản của CII ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Đáng chú ý là việc chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh 77%, từ hơn 2.000 tỉ đồng xuống còn 480 tỉ đồng. Nợ phải trả của CII ở mức 21.165 tỉ đồng (gần gấp 3 lần vốn chủ sở hữu 8.207 tỉ đồng).

Trong đó, nợ vay của CII ghi nhận hơn 14.780 tỉ đồng, tuy giảm 13% so với hồi đầu năm nhưng vẫn chiếm tới 70% nợ phải trả và chiếm 50% tổng tài sản. Phần lớn nợ vay dài hạn của CII đến từ trái phiếu với 4.405 tỉ với lãi suất chủ yếu từ 9 – 11,5% và khoảng 5.500 tỉ từ các ngân hàng trong nước.

Cũng cần phải nói thêm rằng, các đợt phát hành trái phiếu của CII hầu như không có tài sản đảm bảo, chỉ phần ít có tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phiếu, cổ phần của công ty con thuộc sở hữu của CII. Hơn nữa, phần lớn các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, nợ vay từ trái phiếu tại CII đều đến hạn trả.

Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn của CII cũng tăng gần 1.300 tỉ đồng lên 4.900 tỉ đồng, chủ yếu từ các bên liên quan là NBB và BOT Trung Lương Mỹ Thuận. Trong năm 2021, CII đã phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy và Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã SII) để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu. Hiện CII cũng đang có kế hoạch chuyển nhượng quyền thu phí dự án BOT để đem về 4.400 tỉ đồng phục vụ cho dòng tiền của doanh nghiệp.

Những điều này khiến CII đứng trước nguy cơ chi phí tài chính tiếp tục bào mòn lợi nhuận. Chưa kể, áp lực dòng tiền trả nợ ngắn hạn có thể buộc Công ty phải bán tiếp tài sản, trong bối cảnh nguồn cung vốn từ hệ thống ngân hàng hẹp lại khi hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như cho vay lĩnh vực bất động sản bị thắt chặt.

Theo TS. kinh tế Nguyễn Văn Thuận: "Chi phí tài chính đang khiến doanh nghiệp thêm ngột ngạt giữa vô vàn khó khăn, trong đó lãi vay được xem là nặng nhất. Về lý thuyết, lãi vay đang hạ nhưng thực tế lại không thấp chút nào".

Vị chuyện gia kinh tế cho hay, gần đây, lãi vay tuy có giảm đôi chút đối với những khoản nợ mới, nợ cũ cũng được điều chỉnh nhưng không nhiều. Do đó chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay vẫn gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.

Nhiều dự án chậm tiến độ

CII đặt ra kế hoạch năm 2022 có tổng doanh thu hơn 8.010 tỉ đồng, gấp 2,7 lần so với thực hiện 2021; lãi ròng mục tiêu đạt gần 757 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này của CII khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại.

Bởi năm 2021, CII lên kế hoạch doanh thu 6.700 tỉ đồng, lãi ròng 615 tỉ đồng, nhưng sau đó lỗ hơn 332 tỉ đồng. Trước đó, năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm với hơn 1.390 tỉ đồng, CII phải thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ, CII dự báo sẽ có dòng thu lớn từ mảng bất động sản. Hiện CII đã hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết và đang sở hữu một quỹ đất sạch khá lớn tại TP.HCM cũng như một số tỉnh thành khác và là nguồn thu rất lớn trong 5 năm tới. 

Có thể kể đến như: Dự án 152 Điện Biên Phủ; Dự án NBB3; Dự án Khu dân cư kết hợp nghỉ dưỡng De Lagi; Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quãng Ngãi; Dự án D’Vernal… và các dự án BOT khác. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cho thấy, nhiều dự án của CII đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Lo ngại sau lợi nhuận kỷ lục của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Ảnh 2
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi tại Bình Thuận liên quan đến CII và NBB sau 12 năm vẫn chưa thi công.

Đơn cử như tại dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, hồi cuối năm 2021, CII cho biết, dự án vẫn đang gặp khó khăn về các vấn đề liên quan đến mặt bằng để thi công. Mặc dù trục đường chính đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác nhưng trục đường song hành bên phải còn vướng mắc vấn đề chưa bàn giao mặt bằng của 28 hộ dân ở phường Tân Phú, TP. Thủ Đức (dài khoảng 400m với diện tích là 4.150 m2) cùng 1 công ty (dài khoảng 200m với diện tích là 8.652 m2)…

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thuộc phường Phước Long B, Hiệp Phú cũng chưa bàn giao đúng ranh giải phóng mặt bằng. Mặt khác, trục đường song hành trái còn bị trùng lắp mặt bằng với 3 dự án khác trong cùng 1 thời điểm nên phải phụ thuộc rất nhiều vào doanh nghiệp khác.

Còn đối với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, dù tuyến đường đã được làm xong nhưng tháng 2/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tài (GTVT) về phương án đặt trạm thu phí dự án. Theo chủ đầu tư, sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, đơn vị sẽ khởi công xây dựng trạm thu phí, thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 6 tháng. Như vậy, sớm lắm cũng đến tháng 8/2022, trạm thu phí mới hoàn thành để bắt đầu thu phí các phương tiện lưu thông, hoàn vốn cho dự án.

Cũng theo chủ đầu tư dự án, hiện chưa có mức thu và giá vé cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Trước đây chỉ mới có dự toán của phương án tài chính cho dự án. Sau khi dự án hoàn thành, nghiệm thu sẽ tính toán lại và khi đó mới xác định mức thu, giá vé chính thức.

Dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ (CII Tower) do CII làm chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào vận hành từ quý 4/2021. Nhưng dự án này cũng được CII thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng HD Bank. Đồng thời, đầu năm 2022, NBB cho biết, đơn vị sẽ hợp tác với CII để hợp tác đầu tư khai thác tòa nhà.

Một dự án khác cũng liên quan đến CII và NBB là Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi tại Bình Thuận. Dự án này chậm tiến độ 12 năm nay. Trong năm 2021, CII cùng một đối tác của NBB là Công ty Cổ phần Pearl City đã rót hơn 500 tỉ đồng để đầu tư dự án này. Đến đầu năm 2022,  HĐQT NBB thông qua nghị quyết vay vốn Vietcombank - chi nhánh Nam Bình Dương với hạn mức 900 tỉ đồng để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án.

Tương tự, dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi cũng đang bị chậm tiến độ hơn 10 năm nay do chủ đầu tư NBB vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo phía công ty, vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là việc UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành giá đất mới (Quyết định Số 11/QĐ-UBND ngày 8/6/2020).

Với giá đất mới, việc áp dụng cho công tác bồi thường gặp khó khăn, người dân không có tiền nộp tiền sử dụng đất cho các lô tái định cư trong trường hợp phân chia theo nhiều thế hệ và nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc hỗ trợ chênh lệch giữa hai vị trí. Trước tình hình đó, NBB kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án hoàn thành vào ngày 31/12/2023.

Ngọc Khánh

Bạn đang đọc bài viết Lo ngại sau lợi nhuận kỷ lục của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.