Liên hợp quốc kêu gọi đánh thuế ô nhiễm
Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (các khu vực hành động vì khí hậu) tại Viên (Áo), Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các chính phủ đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số, để chống biến đổi khí hậu.
Các quốc gia cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh: stock.adobe.com) |
R20, được thành lập năm 2011 bởi cựu Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, là một liên minh của các chính phủ khu vực, các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và các tổ chức tài chính với sứ mệnh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Tại Hội nghị thường niên của liên minh R20 (các khu vực hành động vì khí hậu) tại Viên (Áo), ngày 28/5, ông Guterres tuyên bố nêu rõ: "Chúng ta phải đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải dân số và ngừng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch".
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng: "Việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch là một cách để cải thiện điều kiện sống của người dân. Không có gì sai hơn thế. Chúng ta sử dụng tiền của người nộp thuế - tiền của chúng ta - để tăng cường các cơn bão, hạn hán lan rộng, làm tan chảy sông băng, làm trắng san hô. Nói một cách dễ hiểu - phá hủy thế giới".
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc ước tính rằng người nộp thuế có thể muốn thu hồi tiền của họ hơn là xem nó được sử dụng để phá hủy thế giới. "Chúng ta cần giải phóng cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông và các tòa nhà, và ngừng xây dựng các nhà máy than mới gây độc cho không khí chúng ta hít thở" - ông nhấn mạnh và cho biết thêm: "Chúng ta cần thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất bền vững, hỗ trợ nông nghiệp thông minh với các giải pháp dựa trên tự nhiên chứ không dựa trên các đầu vào hóa học".
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres cũng một lần nữa nhắc lại rằng, chính vì lý do này mà ông tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 9 ở New York (Mỹ). Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo không đi kèm với những bài phát biểu hay mà hãy đưa ra những kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hành động khí hậu mà chúng ta cần. "Tôi muốn thế giới đoàn kết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C và giữ lời hứa của Thỏa thuận Paris (về khí hậu)" - ông nêu rõ.
Trong đó, liên minh R20 có vai trò rất lớn. "Hành động khí hậu ở cấp độ khu vực là điều cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu, không chỉ bởi vì chính quyền khu vực gần gũi nhất với người dân, mà còn bởi vì các khu vực và thành phố là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu" - Tổng Thư ký nhấn mạnh.
80 quốc gia sẵn sàng tăng cường cam kết về khí hậu
Cũng trong ngày 28/5, Đặc phái viên Liên hợp quốc về khí hậu Luis Alfonso de Alba tuyên bố bảo đảm rằng khoảng 80 quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng các cam kết giảm lượng khí thải carbon theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo thỏa thuận, các nước ký kết cam kết sẽ công bố vào năm 2020 những nỗ lực mới nhằm tăng cường kế hoạch quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính, trong nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. "Có 80 quốc gia đã chỉ cho chúng tôi thấy rằng họ đã sẵn sàng để điều chỉnh lại tham vọng của mình" - ông Luis Alfonso de Alba tuyên bố với các phóng viên.
Liên hợp quốc đang thúc đẩy các chính phủ giảm 45% khí thải nhà kính trong 10 năm tới và đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050. Theo Đặc phái viên Luis Alfonso de Alba, chúng ta cần tăng đáng kể tham vọng của mình. Thay vì tiếp cận dần dần, chúng ta cần tăng cường quyết tâm một cách mạnh mẽ.
Theo AFP, Reuters, UN