Lấy ý kiến giới trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Ngày 2/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị do Liên hiệp các Hội hoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Ủy ban Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức. Dự và chủ trì Hội nghị có ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương…cùng các nhà khoa học, trí thức đến từ VUSTA.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng tham gia và đóng góp ý kiến.
Hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức với quy mô và nội dung toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước, nhận được sự tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học đóng góp ý kiến trách nhiệm, trí tuệ ở nhiều góc độ khác nhau.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch VUSTA cho biết: Hội nghị nhằm lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến, kiến nghị gửi đến Đảng, Nhà nước và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội nguyện vọng, tâm tư của trí thức khoa học và công nghệ đồng thời đề xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước.
Đây là lần đầu tiên VUSTA tổ chức hội nghị quy mô với nội dung toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Quốc hội, các ngành ủng hộ, các nhà khoa học nhiệt tình tham gia. Sau hội nghị này, VUSTA sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến thảo luận của các nhà khoa học để gửi đến Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” - TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, với nội dung của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung quan trọng của đất nước trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
TSKH Phan Xuân Dũng đã đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý vào các vấn đề lớn như:
Thứ nhất, về giải pháp về cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách nhanh và bền vững, phát triển khoa học và công nghệ giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu mới rất cao của đất nước và Dân tộc.
Thứ hai, phân tích sâu sắc những vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những vấn đề, nội dung, quy định, văn bản chính sách cụ thể… để làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi.
Thứ ba, đề xuất, kiến nghị tâm tư, nguyện vọng của trí thức khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay và trong tương lai để ngang tầm với yêu cầu nhiêm vụ mới như khát vọng lớn lao của một dân tộc Việt Nam trí tuệ, anh hùng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, hội nghị là hoạt động thiết thực, quan trọng, góp phần giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo của Đoàn Chủ tịch gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
"Đây là các kênh quan trọng giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, thể hiện sự tổng hợp những mong muốn, kiến nghị của nhân dân cả nước, trong đó có đội ngũ trí thức KHCN", bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung nêu ý kiến về những giải pháp cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng và bền vững, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu mới của đất nước; phân tích sâu sắc về tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những nội dung, vấn đề cụ thể làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, nghiệm thu, sửa đổi.
Đa số các đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó cần sớm ban hành Luật về Hội, cần có quy định giao cho tổ chức Hội chức năng như cấp giấy chứng chỉ hành nghề, giám sát nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng có một số ý kiến đóng góp tại hội nghị:
Thứ nhất, phải sớm có Luật về hội để điều chỉnh hoạt động hội ở nước ta.
Thứ hai, nếu có thể thì xây dựng các Pháp lệnh (hiệu lực sau Luật do Quốc hội ban hành nhưng Ủy ban Thường vụ thông qua sẽ nhanh hơn vì Ủy ban Thường vụ họp thường xuyên hơn), đối với 1 số vấn đề phổ biến kiến thức, hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo,... Sau này đủ điều kiện thì tích hợp thành Luật/ Bộ Luật từ các Pháp lệnh này.
Thứ ba, thể hiện rõ quan điểm trong Văn kiện của Đảng, pháp luật của Quốc hội, Điều ghi trong Hiến pháp 2013 về quyền và nghĩa vụ công dân được sống trong môi trường trong lành; Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, của quốc gia dân tộc; Giáo duc Đạo đức môi trường; Văn hoá ứng xử của con người với thiên nhiên dẫn lối cho nhân loại bảo vệ Trái đất nơi duy nhất đang duy trì sự sống cho muôn loài.
Thứ tư, về sắp xếp bộ máy tổ chức Chính phủ: Nên xem xét việc có Bộ Giáo dục riêng cho khối phổ thông, Bộ Thuỷ lợi riêng, Bộ Môi trường riêng ...
Cuối cùng, có hệ thống Liên hiệp hội đủ mạnh về mọi mặt từ Trung ương tới địa phương, các Hội/Hiệp hội chuyên ngành/nghề.
Hà Nam