Nhà máy sắn Công ty Hiếu Hưng gây ô nhiễm, chính quyền nói do đang vào mùa vụ!
Khu vực bãi thải của nhà máy sắn Tân An (Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Hiếu Hưng) tại Văn Bàn, Lào Cai xuất hiện nước màu đen, mùi hôi thối và chảy trực tiếp ra sông Hồng gây ô nhiễm môi trường xung quanh và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Người dân liên tục phản ánh, công ty nói phải sau vụ sắn 2023 mới kịp xử lý
Thời gian qua, Tòa soạn Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường liên tục nhận được phản ánh từ phía người dân tại xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai về việc xung quanh khu vực nơi người dân sinh sống, nhà máy sắn của Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Hiếu Hưng thời gian dài phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm nặng.
Để xác thực lại nguồn thông tin phản ánh, PV đã trực tiếp tới địa bàn nơi nhà máy đang đặt trụ sở sản xuất. Thời điểm PV ghi nhận là vào những ngày cuối năm 2023, đây là thời cao điểm sản xuất của nhà máy.
Dọc tuyến đường từ Quốc lộ 279 đoạn khu vực đền Bảo Hà rẽ vào tỉnh lộ 151C tới nhà máy sắn của Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Hiếu Hưng, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, nhiều ổ voi, ổ gà chằng chịt, "cõng" trên lưng những chiếc xe tải cỡ lớn chở sắn đều đặn ra vào nhà máy.
Quan sát tại địa điểm đặt nhà máy, khu vực nhà máy rộng khoảng 10ha, với nhiều nhà xưởng, bể chứa biogas, bể lắng sinh học... bên cạnh nhà máy là khu dân cư đông đúc cùng trường mầm non Tân An và trường THCS Tân An nơi hàng trăm các cháu nhỏ đang theo học mỗi ngày.
Thời điểm phóng viên có mặt, các hoạt động của nhà máy diễn ra tấp nập, ngay cổng vào các xe ô tô chở sắn xếp hàng dài chờ vào cân hàng, các công nhân tích cực làm việc, một số nhà kho mới đang được xây dựng cùng số công trình sân bãi được nâng cấp.
Không những vậy, tại khu vực bãi thải vỏ sắn của nhà máy sắn này xuất hiện dòng nước có mùi hôi thối, khó chịu, nước đen ngòm kèm với bọt nổi trắng xoá rò rỉ trực tiếp ra sông Hồng.
Chứng kiện tận mắt, PV thấy tại khu vực bãi để vỏ sắn không xây dựng tường bao, nước rò rỉ ngày đêm chưa được qua xử lý hàng ngày vẫn chảy xuống sông Hồng làm cho một vùng của sông hồng bốc mùi, nước sông đổi màu đen, bờ sông bám két đen kịt khiến tôm, cá chết gần khu vực nhà máy chết hết.
Phần diện tích bãi thải vỏ sắn này theo người dân cho biết công ty đang lấn ra phần ruộng của người dân nằm ngoài phạm vi, ranh giới của dự án được phê duyệt của UBND tỉnh Lào Cai.
Một người dân tại thôn Tân Sơn cho biết, nhiều năm nay đều vậy nhưng chưa được xử lý triệt để, trẻ con trong khu vực nhiều cháu bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi thường xuyên phải tiếp xúc với mùi này.
Trước đó, 6 năm trước, gần 20 cháu đang học tại trường mầm non Tân An phải đưa đi bệnh viện cấp cứu do sự cố vỡ bể chứa biogas tại nhà máy, may mắn không có thiệt hại về người.
Gần đây nhất, đầu tháng 12, một công nhân nhà máy cũng phải đưa đi cấp cứu do tai nạn lao động của nhà máy này gây ra.
Trao đổi qua điện thoại với Quyền Chủ tịch UBND xã Tân An - ông Cầm Tiến Đông cho hay: “So với những năm trước, nhà máy sắn hoạt động quy mô hơn trước, cơ quan chức năng cũng nhiều lần làm việc với doanh nghiệp về vấn đề ô nhiễm môi trường, đơn vị này đã xây dựng thêm bể lắng, bể biogas theo công nghệ mới”.
Quyền Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết thêm, hiện công ty mới được phê duyệt thêm khu vực bãi để xe nhằm giảm tình trạng ách tắc đường. Khu vực nhà máy mở rộng để chứa vỏ sắn mới mua lại của người dân, chưa được chấp thuận thay đổi.
Việc tình trạng để nước thải từ vỏ sắn rò rỉ ra sông, chính quyền địa phương đã từng đến yêu cầu xử lý. Tuy nhiên, do đang vào vụ, sản lượng hàng hóa lớn chưa thể thực hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhuận - Phó Giám đốc nhà máy sắn Tân An xác nhận tình trạng khu vực bãi thải để vỏ sắn công ty chưa xây dựng tường bao, việc rò rỉ nước thải từ đây ra sông Hồng do mưa ngấm dẫn đến việc đọng lại. Hiện đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với khu vực bãi để vỏ sắn trên.
Theo ông Nhuận, sau khi nắm bắt tình hình, đơn vị đã thu dọn các điểm vỏ sắn trôi ra khỏi phạm vi công ty. Việc xây dựng tường bao và hệ thống xử lý nước thải sẽ được tiến hành sau vụ sắn 2023.
Được biết, Nhà máy sắn Tân An thuộc Công ty TNHH một thành viên chế biến nông sản Hiếu Hưng đi vào hoạt động từ 2005, với quy mô gần 10ha, tổng mức đầu tư hơn 242 tỷ đồng với sản lượng 250 tấn tinh bột sắn/ngày.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Thiết nghĩ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là cần thiết và đặc biệt cần thiết khi là đơn vị tiêu thụ cho người nông dân trên đại bàn đặt nhà máy. Nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải đảm bảo đúng với các quy định của pháp luật về môi trường và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương tại địa phương để người dân được đảm bảo cuộc sống xanh, sạch, đẹp, khỏe...
Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp…
Với quan điểm trên, ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Chiến lược thực hiện chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường như phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Đồng thời, Chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Theo TS Hoàng Văn Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu “hồi sinh” các dòng sông bị ô nhiễm trong Quy hoạch tài nguyên nước đòi hỏi triển khai các giải pháp phải đồng bộ từ nhiều ngành, địa phương, quy hoạch có liên quan đến nhau.
Thêm vào đó, các giải pháp cải tạo sông nội đô trong Quy hoạch tài nguyên nước phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa.
Đức Mậu