Thứ sáu, 03/05/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ tư, 13/12/2023 10:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: Những con số tích cực về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi KTMT trên

Đến nay, toàn tỉnh đã có 114/126 (90,48%) xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Cơ bản các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường theo loại đô thị.

Nhằm cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người dân, các tổ chức chính trị xã hội, chủ thể sản xuất, kinh doanh, cộng đồng dân cư cấp thôn, bản và chính quyền địa phương các cấp thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách, các biện pháp giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; phát huy vai trò kiểm tra giám sát của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Các nội dung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn được tỉnh Thái Nguyên triển khai cụ thể từ tháng 3/2023.

Thái Nguyên: Những con số tích cực về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1
Về bao gói thuốc bảo vệ thực vật: Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phương tiện chuyên dụng để thu gom, lưu trữ trước khi vận chuyển đi xử lý để không gây ảnh hưởng đến môi trường. 

Công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp những năm qua luôn được tỉnh Thái Nguyên tăng cường gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 114/126 (90,48%) xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh có 752 trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và 595 trang trại quy mô nhỏ, 277 làng nghề thuộc danh mục làng nghề khuyến khích phát triển. 44/57 trang trại chăn nuôi quy mô lớn được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, trong đó 5 trang trại được cấp giấy phép môi trường, 27% trang trại có quy mô vừa được phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường;

Công tác bảo vệ môi trường đối với trang trại, làng nghề tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều trang trại chăn nuôi, làng nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ môi trường theo quy định và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân với 190/277 làng nghề được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường hoặc phương án bảo vệ môi trường: 87 277 làng nghề có cam kết bảo vệ môi trường.

Các đô thị cơ bản đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường

Hiện, Thái Nguyên có 14 đô thị, gồm 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV và 10 đô thị loại V.

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đô thị được các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm, cơ bản các đô thị trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí về vệ sinh môi trường theo loại đô thị III, đô thị từ loại IV đều có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu xử lý khoảng 65% nước thải sinh hoạt phát sinh trong đó: Thành phố Thái Nguyên 42,39%; thành phố Phổ Yên 14,4%; thành phố Sông Công 15,07%; thị trấn Hùng Sơn 36,93%.

Bước đầu tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt trên 85%.

Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư được quan tâm từng bước triển khai xây dựng gắn với quy hoạch được phê duyệt.

Thái Nguyên: Những con số tích cực về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2
Phối cảnh điểm dân cư nông thôn xóm Duyên, xã Ký Phú, huyện Đại Từ.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 3 Nhà máy xử lý chất thải có hạng mục lò đốt chất thải (gồm: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đá Mài xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyễn; Khu liên hợp xử lý chất thải của Chi nhánh Công ty TNHH Môi trường Sông Công, thành phố Sông Công; Công ty Cổ phần Môi trường Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên); 8 cơ sở tại 7 địa phương có lò đốt rác sinh hoạt mini; 2 cơ sở đã dừng hoạt động.

Đến cuối năm 2023 một số khu dân cư, khu đô thị đã xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, hệ thống tiêu thoát nước mưa theo quy định như: Điểm dân cư nông thôn xóm Duyên, xã Ký Phú, huyện Đại Từ; Khu tái định cư đường Hồ Chí Minh, huyện Định Hóa; Khu tái định cư Nam Sông Công, huyện Đại Từ; Khu tái định cư Hùng Sơn 3, huyện Đại Từ…

Một số khu dân cư, khu đô thị đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị.

Tại thành phố Thái Nguyên xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 8.000 - 12.000 m3/ngày với tổng kinh phí 950 tỷ đồng; hiện đang tiếp tục đầu tư dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu trung tâm phía Nam công suất 12.000-16.000 m3/ngày đêm.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Những con số tích cực về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới