Thái Nguyên phát triển du lịch bền vững và lời giải cho “bài toán” du lịch tự phát
Sự phát triển đa dạng của các loại hình du lịch Thái Nguyên đã tạo được sức hút đối với du khách trong bối cảnh hiện nay. Song, bài toán về du lịch tự phát cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng và trải nghiệm dịch vụ...
Thực trạng hoạt động du lịch tự phát phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây khiến cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản lý. Nhiều địa điểm du lịch chưa được cấp phép rất dễ xảy ra nguy cơ rủi ro, tai nạn, vấn đề môi trường, nguồn gốc sử dụng đất…cần được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Quyết định về việc công nhận Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Điểm du lịch sinh thái này nằm sát chân núi Tam Đảo, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp, nhất là các thác nước.
Xóm Đồng Khuân có tổng số 86 hộ, 395 nhân khẩu, 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Dao. Các dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Lễ cấp sắc của người Dao; những làn điệu dân ca Pả Dung; nhiều món ăn truyền thống độc đáo; nghề trồng và chế biến chè, chế biến lá thuốc…
Như vậy, đến nay, Thái Nguyên đã có 11 điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận. Riêng trong năm 2023, có 4 điểm được công nhận là: Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công); Khu du lịch sinh thái trải nghiệm YASMIN FARM, xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên); Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng và Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông, cùng ở huyện Đại Từ.
Có thể nhận thấy, tỉnh Thái Nguyên tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng chia sẻ: Sở đã cùng các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 05/2022/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 28/10/2022 của HĐND tỉnh quy định một số nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ động phối hợp thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Dự án số 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung nguồn lực thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên.
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên phối hợp với các huyện, thành phố triển khai xây dựng, phát triển điểm du lịch cộng đồng; tổ chức lớp tập huấn về du lịch cộng đồng; đẩy mạnh tuyên tuyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử (website) và kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội; chủ động liên kết, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức và đón các đoàn Famtrip từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng, nông thôn trên địa bàn tỉnh, qua đó xây dựng tour, tuyến, đưa khách đến Thái Nguyên; tích cực triển khai các hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du khách đến Thái Nguyên”.
Trong thời gian vừa qua nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ phát triển du lịch cộng đồng được phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương ở Thái Nguyên như: khu sản xuất chè kết hợp du lịch Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; khu sản xuất chè La Bằng huyện Đại Từ.
Trên cơ sở những tiềm năng tự nhiên, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đang tích cực đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp đang có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận của người dân tham gia làm du lịch. Hoạt động du lịch bền vững đang từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
“Tỉnh xác định phát triển du lịch cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đặc sản sẽ được chú trọng, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch, phục vụ khách du lịch, từ đó du lịch sẽ kích cầu lại ngành nông nghiệp với việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp từng chia sẻ với báo chí.
Trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thu hút, mời gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia vào du lịch cộng đồng. Huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương - nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch cộng đồng.
Mục tiêu đến năm 2030 Thái Nguyên đón được 5,6 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 300.000 lượt, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.
Rủi ro từ du lịch tự phát
Các mô hình du lịch cộng đồng và sinh thái gắn với sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên đã tạo được sức hút đối với du khách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc hình thành các mô hình du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên vẫn còn mang tính tự phát.
Theo thông tin ghi nhận thực tế của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có những mô hình du lịch cộng đồng do các HTX, hộ gia đình thực hiện có những điểm hạn chế cần có những giải pháp để khắc phục.
Như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã từng có bài viết về vụ việc xây dựng trái phép trên đảo thuộc xóm 11, xã Phúc Tân, TP.Phổ Yên được phát hiện vào ngày giữa năm 2022 để làm điểm du lịch. Trước tính chất ngang nhiên vi phạm của công trình tại đảo thuộc xóm 11, xã Phúc Tân, ngày 29/6, đoàn kiểm tra liên ngành gồm có Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, UBND TP Phổ Yên cùng các đơn vị chức năng liên quan đã có buổi kiểm tra thực địa công trình vi phạm.
Gần đây, phản ánh của cử tri về một khu du lịch cắm trại ở hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP Sông Công) (xã Bình Sơn, TP Sông Công) được xây dựng trên đất nông nghiệp với quy mô rộng khoảng 5.000m2. Khu du lịch này tọa lạc trên một khu đất rộng nằm sát chân đồi có hướng nhìn ra hồ nước lớn. Khu du lịch có tên gọi “Trốn Glamping” mới đi vào hoạt động đợt đầu năm với khoảng 15 căn lều cố định, khu cắm trại ngoài trời, sân cỏ…
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km về phía tây Nam, phim trường Wonderland được ôm trọn bởi những đồi chè Tân Cương ngút ngàn uốn mình bên dòng sông Công êm đềm thơ mộng, đây là điểm dã ngoại cuối tuần hấp dẫn dành cho du khách. Tuy nhiên, phim trường Wonderland đang có những vi phạm về hành lang an toàn thủy lợi…
Thực tế cho thấy, tại những điểm du lịch tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, thiếu nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn...
Việc tổ chức du lịch tự phát đều thuộc dân địa phương, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách nên hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro về thiên tai, khí hậu liên quan đến trải nghiệm.
Phát triển du lịch, bảo vệ môi trường cần tuân thủ quy định pháp luật
Hoạt động du lịch tự phát phát triển rầm rộ khiến cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản lý. Với nhiều địa điểm du lịch mạo hiểm chưa được cấp phép rất dễ xảy ra nguy cơ rủi ro, tai nạn. Nhiều cơ sở du lịch đã đầu tư xây dựng các lều trại, ca nô, thuyền hay những dụng cụ dành cho du lịch khám phá mạo hiểm trong rừng sâu, các thác nước... nhưng không tuân thủ một điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào, do đó không lường trước được mức độ mất an toàn.
Để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và thượng tôn pháp luật được thực hiện nghiêm minh, tạo đà thực thi cho các mục tiêu về tăng trưởng xanh, môi trường xanh… Đồng thời, việc bảo đảm được an toàn cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các mô hình du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển… Bài toán về du lịch tự phát cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương đề xuất, để hạn chế những nguy cơ tai nạn do hoạt động du lịch tự phát gây ra, các địa phương cần có những giải pháp, chế tài xử phạt cụ thể để giám sát, quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác những địa điểm tiềm ẩn rủi ro cao khi tham quan, du lịch như khu vực gần sông, hồ, biển.
Theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 06/01/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Trong đó phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, suối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục.
Nguyên Mạnh