Lạng Sơn: Bán 3 quả na giá 159 triệu đồng
3 quả na nặng gần 3kg được bán đấu giá tại Hội chợ na Chi Lăng 2022 thu về số tiền 159 triệu đồng, toàn bộ số tiền này được sử dụng hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, nuôi dưỡng giấc mơ đến trường.
Tối ngày 9/9, sự kiện khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng 2022 (tỉnh Lạng Sơn) đã diễn ra kết hợp với Hội chợ thương mại của vùng. Đại diện UBND huyện Chi Lăng cho biết, trong buổi tối khai mạc, 3 quả na đoạt giải Nhất tại hội chợ (gồm na dai, na bở và na nữ hoàng) được đem ra đấu giá.
3 quả na này có tổng trọng lượng hơn 3kg. Sự kiện thu hút rất đông người dân đến xem và tham dự. Sau nhiều vòng đấu giá, 3 quả na này đã được mua với tổng số tiền lên đến 159 triệu đồng.
"Việc đấu giá 3 quả na nói trên nhằm tôn vinh thành quả lao động của người nông dân. Số tiền đấu giá thu được một phần sẽ trao cho con, em các nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập để tiếp cận tri thức khoa học ứng dụng vào thực tế", đại diện UBND huyện Chi Lăng chia sẻ.
Na nữ hoàng là giống mới đưa vào trồng tại huyện Chi Lăng, diện tích hiện nay khoảng 25ha, có trọng lượng to, nặng hơn các loại na khác, mắt na lì, ăn vừa ngọt, vỏ mỏng, cùi dày, ít hạt. Giá khởi điểm quả na nữ hoàng là 2 triệu đồng. Kết thúc phiên đấu giá, quả na nữ hoàng được trả 20 triệu đồng.
Thứ hai là quả na bở, đây là loại na truyền thống của huyện Chi Lăng, vỏ mỏng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, có mùi thơm đặc trưng. Giá khởi điểm quả na bở là 50 triệu đồng. Kết thúc phiên đấu giá, quả na này được trả 50 triệu đồng.
Cuối cùng là quả na dai, đây là loại na có vỏ mỏng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt đậm, khi ăn có cảm giác dai hơn, là loại quả có diện tích và sản lượng lớn nhất huyện Chi Lăng. Giá khởi điểm được ban tổ chức đưa ra 10 triệu đồng. Sau nhiều lần đấu giá, cuối cùng quả na dai được trả giá 89 triệu đồng.
Chi Lăng là một huyện thuộc vùng đồi núi thấp nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, có tổng diện tích tự nhiên là 70.418,89 ha. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 76,24%, đất phi nông nghiệp chiếm 5,0%, đất chưa sử dụng chiếm 18,76%.
Trong những năm qua, người dân nơi đây đã tập trung trồng cây na góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Nhiều hộ dân trong huyện đã có thu nhập khá, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Từ thôn, bản nghèo khó nay đã có 60-70% hộ giàu.
Theo báo cáo, vùng sản xuất na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ, với diện tích trồng na ước đạt trên 2.300 ha, cho sản lượng khoảng 20.000 tấn quả/năm (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Hiện nay, diện tích na trên địa bàn Chi Lăng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 698,92 ha. Dự kiến đến hết năm 2022, có ba sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Khánh Ngọc