ĐBSCL: Ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao
Nhằm phát triển các dự án về đầu tư hạ tầng thủy lợi, tổ chức lại sản xuất theo mô hình nước mặn, lợ, ngọt và đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, Bộ NN&PT NT và Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức tọa đàm "Hợp lực để chuyển đổi bền vững ĐBSCL".
Nhiều khó khăn thách thức
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Cùng với đó, vùng ĐBSCL chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng các loại trái cây, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước, cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực phía Nam và cả nước.
Với vai trò quan trọng đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Sản xuất nông nghiệp vùng đã đạt nhiều bước tiến.
Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, tình trạng di dân ồ ạt, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt, hạ tầng giao thông yếu kém...
Theo ông Trần Công Thắng-Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, biến đổi khí hậu thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chịu mặn giá trị cao, nhưng lại gây sụt lún đất, sạt lở, xâm nhập mặn, nước ngầm suy giảm...
Ngoài ra, yếu tố thị trường mang đến nhiều cơ hội, song cũng tạo ra nhiều thách thức, áp lực trong tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp, khả năng cạnh tranh, nhất là nguồn lao động.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Vân, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu kết nối, hệ thống cảng phân tán, quy mô nhỏ lẻ, thiếu cảng container... dẫn đến tăng chi phí vận tải hàng hóa; hạ tầng dịch vụ logistics yếu, chưa hoàn chỉnh (thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm logistics vệ tinh...) dẫn đến chất lượng nông sản bị ảnh hưởng, thiếu khả năng cạnh tranh...
Phát triển bền vững trên nguyên tắc thuận thiên
Trước cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất quan điểm chỉ đạo cùng địa phương và các đối tác phát triển tập trung đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao.
Xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, ĐBSCL có các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Quan điểm của Chính phủ xem đây là tài nguyên để khai thác. Do đó, quan điểm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai là không ngăn nước mặn, mà kiểm soát nước mặn để phục vụ nước mặn là tài nguyên.
Cùng với đó, để đảm bảo sử dụng nước ngọt, nước mặn, nước lợ thì phải đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi của từng vùng. Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất cho nông dân phù hợp với các mô hình ở các vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn.
Chính phủ cũng đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với liên kết doanh nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu, đồng thời giảm thải khí carbon.
"Với những dự án này và các dự án khác, Việt Nam rất mong được các doanh nghiệp và Đại sứ quán Hà Lan quan tâm, đồng hành cùng ngành nông nghiệp", ông Nam nói.
Thời gian qua, chính phủ Hà Lan và Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, an toàn thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng.
Theo đại sứ Kees Van Baar, với kiến thức và kinh nghiệm của mình trên khắp thế giới về thiết kế và phát triển các trung tâm kinh doanh nông sản, Hà Lan mong muốn được hợp tác với Việt Nam.
Vấn đề quản lý nước là cốt lõi trong sự hợp tác, Hà Lan sẽ tư vấn kỹ thuật sản xuất các vùng nước ngọt và vùng ven biển, nhằm cải thiện chất lượng nước, đặc biệt là liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai.
"Để đạt được những mục tiêu này, khu vực tư nhân cần phải đi đầu trong quá trình chuyển đổi bền vững này, vì họ là động lực cho sự thay đổi. Đồng thời phải hợp tác với các đối tác quốc tế, chẳng hạn như Hà Lan" - ông Kees Van Baar nói.
Theo chuyên gia Hà Lan Peter Smeets, để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL cần có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu giống cây chịu hạn mặn, quy trình kỹ thuật mới; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thành lập hành lang đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho hợp tác xã trong vùng...
Hiện nay, vùng ĐBSCL có vùng nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Đây chính là nguồn tài nguyên nên không ngăn nước mặn mà kiểm soát nước mặn để khai thác.
Đồng thời, sử dụng nguồn nước ngọt-mặn-lợ hiệu quả thì phải đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi cũng như xây dựng mô hình, tổ chức lại sản xuất trong nông dân phù hợp với từng vùng nước.
Để làm được điều này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Anh, Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến nghị việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long với hai giải pháp phi công trình và công trình.
Song song với bảo vệ tài nguyên nước bằng cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước cần hoàn chỉnh hệ thống công trình khai thác và sử dụng nước ngọt trong nội đồng đồng bộ với công trình trên hệ thống và công trình quy mô tiểu vùng.
Ngoài ra, xem xét các giải pháp chủ động kiểm soát mặn để vừa sử dụng hiệu quả nước mặn cho nuôi trồng thủy sản, vừa đảm bảo giảm tác động của xâm nhập mặn lên sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả, rau màu, cây công nghiệp,..), chăn nuôi và cấp nước sinh hoạt cho người dân ven biển.
Thanh Vũ