Thứ sáu, 22/11/2024 23:11 (GMT+7)
Thứ tư, 24/08/2022 06:40 (GMT+7)

Liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát triển bền vừng

Theo dõi KTMT trên

Ngày 23/8, 4 tỉnh thuộc tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL đã tổ chức Hội nghị liên kết phát triển bền vững tiểu vùng nhằm xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh đã tổ chức Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu cho tiểu vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL thực tế đã được 4 tỉnh thống nhất triển khai thực hiện từ năm 2018 trên 8 lĩnh vực.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, việc phối hợp triển khai đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng đã đạt được những bước đầu quan trọng như: ban hành Bản tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL; thành lập, xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động Ban điều hành và Tổ giúp việc; phát thảo đề tài nghiên cứu "Xây dựng chuỗi giá trị du lịch cho tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL".

Liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát triển bền vừng - Ảnh 1
Liên kết vùng đang tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL

Bên cạnh đó, tổ giúp việc các tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và lập quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Riêng năm 2020 - 2021, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các tỉnh đã nỗ lực phối hợp triển khai được nhiều hoạt động liên kết”, ông Lữ Quang Khởi nhấn mạnh.

Về quy hoạch chung vùng ĐBSCL, các tỉnh trong tiểu vùng đã góp ý quy hoạch vùng ĐBSCL, quy hoạch tỉnh; phối hợp giữa các tỉnh trong vận động nguồn vốn tài trợ và mức vốn vay lại thực hiện dự án thuộc khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, với những tiềm năng đặc biệt về phát triển du lịch của tiểu vùng, các tỉnh đã chủ động tổ chức khảo sát các tuyến, điểm du lịch nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quản lý du lịch, thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch.

Về phát triển kết cầu hạ tầng giao thông, các tỉnh triển khai các nội dung để chuẩn bị đầu tư cầu thay thế phà Đình Khao kết nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; phối hợp trong đề nghị Ban Quản lý dự án 8 hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo dự án Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si của tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; phối hợp giữa Vĩnh Long và Tiền Giang với Bộ Giao thông vận tải trong thực hiện một số hạng mục của đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận; tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khởi công và triển khai thi công cầu Rạch Miễu 2…

Liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát triển bền vừng - Ảnh 2
4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh đã tổ chức Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đã đạt được, Đề án liên kết tiểu vùng tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, khó khăn trong liên kết của tiểu vùng thời gian qua là Ban điều hành, các tỉnh, các sở ngành của các tỉnh tuy đã đề ra nhiều hoạt động liên kết, hợp tác cụ thể, thiết thực, nhưng trong quá trình triển khai gặp khó khăn về cơ chế tài chính, cũng như việc huy động các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, nhất là xây dựng Đề án liên kết tiểu vùng. Ngoài ra, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương khá tương đồng, nhưng tính chất, quy mô, nguồn lực của các lĩnh vực hợp tác khác nhau; một số hoạt động liên kết dừng lại ở hình thức phổ biến mà chưa có những hoạt động, cách làm thiết thực, cụ thể.

Trước những bất cập nêu trên, đại diện tỉnh Vĩnh Long đề xuất các tỉnh không tiếp tục xây dựng Đề án liên kết mà tập trung sâu vào các nội dung liên kết đã được các tỉnh thống nhất và đang thực hiện. Hiện tại nhiều nội dung liên kết hợp tác đang được các tỉnh tiếp tục triển khai và đạt được những kết quả nhất định; trong đó có một số nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng có tính liên tỉnh, liên huyện giữa các tỉnh về thích ứng biến đổi khí hậu, vận hành khai thác các công trình thủy lợi, các lĩnh vực, hoạt động về du lịch, xúc tiến đầu tư.

“Trong thời gian tới các tỉnh  nên tập trung liên kết trong lập quy hoạch tỉnh, xúc tiến thương mại và du lịch, xây dựng các chương trình, dự án chung của Tiểu vùng. Bên cạnh đó, các tỉnh phối hợp, nghiên cứu, đề xuất các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tiểu Vùng và giữa tiểu Vùng với vùng ĐBSCL, TP. HCM vào quy hoạch tỉnh, đặc biệt là đồng thuận trong đàm phán với nhà tài trợ để vay vốn ODA đầu tư tuyến đường bộ ven biển; kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn để sớm đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nêu quan điểm.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đề xuất, về lâu dài tiểu vùng cần mở rộng liên kết thêm với tỉnh Sóc Trăng. Nếu điều này được thực hiện, khu vực Duyên hải phía Đông ĐBSCL sẽ hình thành được 3 trung tâm lớn là Trung tâm tâm năng lượng sạch, trung tâm nuôi tôm công nghệ cao và trung tâm lấn biển để tạo thêm quỹ đất cho sự phát triển.

Cũng theo đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cầu Đình Khao kết nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre khi được xây dựng cần phát triển thành điểm nhấn kết nối của tiểu vùng để tổ chức các sự kiện quy mô lớn như festival về cây giống, hoa kiểng, trái cây ngon, an toàn và từng bước xây dựng thành festival của khu vực để kích cầu du lịch.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, việc liên kết cần có tính chất đặc thù, thế mạnh, dấu ấn của tiểu vùng. Theo đó, việc liên kết trong thời gian tới của tiểu vùng cần tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, du lịch, nông nghệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thị trường lao động và phát triển nguồn nhân lực, phòng chống khai thác cát trái phép và đồng thuận giải quyết các vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn giữa các địa phương.  Cũng tại hội nghị, UBND tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận nhiệm vụ điều hành triển khai liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía đông ĐBSCL  năm 2022-2023.

Thư Anh t/h

Bạn đang đọc bài viết Liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL hướng đến mục tiêu phát triển bền vừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới