Thứ tư, 23/10/2024 16:53 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 17:50 (GMT+7)

Bình Thuận: Quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nhằm ngăn chặn phát thải nhựa trong ngành nông nghiệp ra môi trường và đại dương, ngày 16/8 vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Kế hoạch vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Sở NN&PTNT) đưa ra nhằm thực hiện Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/7/2022 về Ban hành Kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp của Bộ NN&PTNT.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, góp phần triển khai đạt hiệu quả theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng thời, kế hoạch cũng nhằm tăng cường thu gom, phân loại, tái sử dụng và thay thế vật liệu nhựa để ngăn chặn phát thải nhựa từ các nguồn thải trong ngành nông nghiệp ra môi trường và đại dương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Bình Thuận: Quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp - Ảnh 1
Bình Thuận tăng cường giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp triên địa bàn

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2022-2025, ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa… Đồng thời, có 50% nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa.

Trong giai đoạn 2026 đến năm 2030, mục tiêu hướng tới việc ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 30% chất thải nhựa...

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp giảm sử dụng tối thiểu 50% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được 100% và tái sử dụng được 25% chất thải nhựa; trong lĩnh vực thủy sản: theo điểm b, mục 2 Kế hoạch số 1737/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2020-2030.

Đồng thời, mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

Bình Thuận: Quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp - Ảnh 2
Bình Thuận phát triển nông nghiệp cao nhằm giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường

Để thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp, Sở NN& PTNT tỉnh Bình Thuận sẽ đánh giá tình hình phát sinh, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa từ các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, áp dụng các quy trình canh tác trong nông nghiệp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa thông qua các biện pháp như giảm sử dụng vật liệu nhựa; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp thay thế vật liệu nhựa; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong ngành nông nghiệp. Cùng với đó, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Với bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa sẽ thực hiện thu gom và xử lý theo quy định hiện hành.

Để kế hoạch được triển khai thành công, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã giao cụ thể cho các chi cục Thủy sản, Kiểm lâm, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y, Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.

Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 14.000 ha.

Đến năm 2050,Bình Thuận phấn đấu có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa...

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chuyên gia dự báo thời tiết nói gì về cơn bão Trami?
Ông Vũ Tuấn Anh - Phó Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia cho biết, có khả năng cơn bão này đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt đến cấp 12, giật cấp 15 và tiếp tục hướng đến bờ biển các tỉnh Trung Bộ.

Tin mới