Làm rõ quyền giám sát cho cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường
Giới chuyên gia môi trường cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cần quy định rõ hơn về vài trò của cộng đồng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số trong tham vấn, giám sát bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo ý kiến của giới chuyên gia môi trường và một số đại biểu Quốc hội, vài trò của cộng đồng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số trong tham vấn, giám sát bảo vệ môi trường vẫn chưa thực sự được coi trọng.
Dù rằng dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có nhiều chỉnh sửa, bổ sung theo hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng. Thế nhưng, văn bản dự thảo vẫn còn một số vấn đề như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cần được quy định cụ thể hơn để thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia của người dân.
Quy định giám sát ĐTM còn "yếu"
Trong bài tham vấn tại hội thảo Thúc đẩy vai trò tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi trong công tác bảo vệ môi trường, diễn ra ngày 25/9 tại Hải Phòng, phó giáo sư tiến sỹ Lưu Thế Anh, Viện trưởng Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết cộng đồng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; tham vấn, giám sát, phát hiện các hành vi làm “bẩn” môi trường.
Đặc biệt, sự tham gia của cộng đồng trong ĐTM sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực dự án và khu vực chịu tác động, ảnh hưởng của dự án; hỗ trợ cho chủ đầu tư xác định các rủi ro tiềm ẩn, gợi mở phương án ứng phó và giảm thiểu rủi ro môi trường có thể xảy ra.
Thế nhưng, hiện nay, các yêu cầu tham vấn cộng đồng trong hoạt động ĐTM như thông tin minh bạch với dự án và kết quả ĐTM vẫn chưa rõ ràng, thậm chí nhiều trường hợp mang tính hình thức, đối phó. Việc tham vấn cộng đồng chưa đảm bảo huy động được sự tham gia của mọi bên liên quan, các đối tượng chịu ảnh hưởng ngay từ các giai đoạn đề xuất dự án, lập dự án, triển khai dự án, vận hành dự án.
Ngoài ra, các văn bản pháp luật về ĐTM cũng còn thiếu các quy định công khai và phổ biến sớm thông tin phù hợp, minh bạch, có ích và dễ tiếp cận; chưa quy định tương tác hai chiều (tiếp thu và trả lời ý kiến) trong hoạt động tham vấn. Trong khi, ĐTM chưa làm tốt công tác dự báo; chất lượng của báo cáo ĐTM còn nhiều bất cập; hậu kiểm và giám sát sau phê duyệt ĐTM còn thiếu và yếu…
Những bất cập trên dẫn đến tình trạng tham vấn cộng đồng trong ĐTM của các dự án chủ yếu mang tính hình thức; các thông tin dự án cung cấp cho địa phương thường không đầy đủ. Các ý kiến người dân không thực sự được phản ánh trong báo cáo ĐTM hoặc không phản ánh chính xác tâm tư nguyện vọng của người dân.
Có cùng quan điểm, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng tiếp cận thông tin môi trường không chỉ đảm bảo quyền được biết của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà còn là bước đệm quan trọng cho việc tham vấn một cách có ý nghĩa của người dân vào quá trình giám sát xã hội.
Chính vì thế, việc các cơ quan chức năng chậm trễ cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời trong một số trường hợp như vụ cháy Rạng Đông… sẽ tạo ra cơ hội cho những thông tin không tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu làm ảnh hưởng tới sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật…
Luật và thực thi cần song hành
Trước thực tế trên, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tại chương XIII, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã quy định rõ quyền, trách nhiệm gắn với điều kiện thực thi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường nhằm huy động hiệu quả hơn cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Về quy định liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo đại diện Tổng cục Môi trường đây là một trong các đối tượng áp dụng của Luật, do đó các chính sách trong dự thảo Luật cũng bao phủ đối tượng này. Ví dụ như các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo ĐTM, quản lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Khẳng định dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã được đánh giá đã có nhiều chỉnh sửa, bổ sung theo hướng tăng cường sự tham gia của cộng đồng, song theo các đại biểu tham dự hội thảo, văn bản dự thảo vẫn còn một số vấn đề cần quy định cụ thể hơn để thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia của người dân.
Đơn cử như điều 116, khoản 1 quy định về thông tin môi trường, cùng với khoản 2 quy định về định dạng thông tin môi trường như dự thảo hiện nay chưa đủ rõ ràng để buộc các bên công khai thông tin thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng áp dụng quy định mang tính đối phó, báo cáo sơ sài…
Góp ý cho điểm thiếu sót trên, đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất Ban soạn thảo bổ sung nội dung “tham vấn trong quá trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường” và “kết quả nghiên cứu đánh giá tác động môi trường” vào khoản 1, điều 116, nhằm góp phần làm rõ nội hàm thông tin cần có khi chủ đầu tư công bố ĐTM, tạo điều kiện cho việc tiếp cận ĐTM của người dân…
Phó giáo sư tiến sỹ Lưu Thế Anh kiến nghị nội hàm của các khái niệm như cộng đồng; cộng đồng dân cư; cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án cần phải được định nghĩa rõ trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản dưới luật để sử dụng thống nhất; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong thanh tra, giám sát thực hiện bảo vệ môi trường của các dự án theo ĐTM đã phê duyệt.
Đối với các dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cần quy định cụ thể việc chuyển tải thông tin, báo cáo ĐTM sang tiếng đồng bào để dễ dàng tiếp cận. Cùng với việc lập báo cáo ĐTM, cần thiết bổ sung đánh giá tác động xã hội, có chính sách dân tộc thiểu số và giới…
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc cũng nêu quan điểm: “Nếu hành lang pháp lý không được điều chỉnh hoàn chỉnh thì cộng đồng dân cư sẽ chịu ảnh hưởng, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi.”
Phó giáo sư tiến sỹ Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nói thêm: “Chúng tôi hy vọng giữa Luật và việc thực thi sẽ cùng 'song hành' bởi quy định chúng ta có nhiều nhưng nếu chỉ có đưa ra ‘khẩu hiệu xuông’ thì sẽ không thể tạo ra được sự đột phá, giảm thiểu các tác động tiêu cực như ô nhiễm. Vì thế, cùng với yêu cầu nghiêm ngặt của Luật, cần nâng cao được khả năng thực thi”.
Hùng Võ