Để Hà Nội không còn khói rơm, rạ: Cần giải pháp bền vững
Cứ vào tháng 9, 10 hằng năm sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến tại các huyện ngoại thành Hà Nội, khiến không khí ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hà Nội đặt mục tiêu từ ngày 1/1/2021 trở thành "thành phố không khói rơm rạ". (Ảnh: TTXVN) |
Nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt việc đốt rơm, rạ, phấn đấu trở thành thành phố không đốt rơm rạ, mới đây UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Chỉ thị, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.
Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Thế nhưng khó có thể để đạt được mục tiêu không còn hoạt động đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất trên địa bàn TP.Hà Nội vì thói quen của người dân tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra khá phổ biến.
Những ngày này, huyện Sóc Sơn lại mù mịt khói từ hoạt động đốt rơm rạ. (Ảnh minh họa: Internet) |
“Đến hẹn lại đốt”
Cứ vào tháng 9, 10 hằng năm sau các vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ lại diễn ra phổ biến tại các huyện ngoại thành Hà Nội, khiến không khí ô nhiễm.
Những ngày qua, báo chí phản ánh về tình trạng trên những cánh đồng ở huyện Sóc Sơn vẫn mù mịt khói từ hoạt động đốt rơm rạ của người dân. Đáng nói, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí mà còn ảnh hưởng đến hoạt động cất, hạ cánh của máy bay tại sân bay Nội Bài.
Trước đây 1 năm, tháng 9/2019, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn và 5 xã quanh sân bay ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay. Khói đốt rơm rạ làm hạn chế tầm nhìn của phi công khi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện.
Liện quan đến vấn đề này, ngày 24/9, trao đổi với TTXVN, ông Trương Hiểu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn - Cảng vụ hàng không miền Bắc (Cục Hàng không Việt Nam), cho biết khói do đốt rơm rạ có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không rất cao.
Tuy nhiên, theo ông việc xử lý vấn đề này khó khăn bởi việc đốt rơm rạ ngay tại ruộng của bà con thì chính quyền địa phương có thể kiểm soát, xử lý được, nhưng nhiều trường hợp rơm rạ đốt tại ven đường thì khó phát hiện được người đốt để xử lý.
Ông Linh cho rằng trách nhiệm trước tiên phải là chính quyền sở tại tại các địa phương xung quanh sân bay. Thời gian vừa qua, về mặt văn bản, các cơ quan chức năng ngành hàng không đã có nhiều công văn gửi chính quyền địa phương phối hợp xử lý vấn đề này.
Ngoài ra, nhà chức trách hàng không cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho các người dân về vấn đề an toàn hàng không, đặc biệt là hậu quả của nó nếu thực hiện việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, hẹn lại lên vào thời gian sau thu hoạch lúa thì tình trạng đốt rơm rạ lại tái phát.
“Vừa qua, tại các địa phương cũng đã đề xuất thu mua rơm rạ cho bà con sau thu hoạch. Tuy vậy, do phải mất chi phí mua chế phẩm để các công ty thu mua thực hiện phân hủy rơm rạ thành phân bón nên nhiều bà con không tham gia, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị thu mua rơm rạ để hạn chế tình trạng nhân dân tự phát đốt rơm rạ thời gian vừa qua,” ông Trương Hiểu Linh cho hay.
Về chế tài xử lý người dân đốt rơm rạ, ông Trương Hiểu Linh thông tin trong khu vực cảng hàng không thì đã có cơ sở pháp lý để xử lý. Còn khu vực ngoài sân bay, nếu Cảng vụ hàng không và lực lượng an ninh sân bay có phát hiện ra thì cũng không có thẩm quyền xử. Do đó, để giải quyết vấn đề này phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền địa phương.
Nhưng về vấn đề pháp luật để có một chế tài cụ thể để xử lý vấn đề đốt rơm rạ hay các vấn đề khác như thả diều… thì chưa có quy định cụ thể. Hiện nay, chính quyền địa phương đang áp dụng các quy định về xử phạt về an ninh trật tự để xử lý người dân đốt rơm rạ, nhưng để phân tích hành vi đốt rơm rạ vi phạm thì gặp khó khăn.
Khói do đốt rơm rạ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không rất cao. (Ảnh: TTXVN) |
Thói quen khó thay đổi
Mới đây, trao đổi với báo Công luận, GS.TS.Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quá khứ rơm rạ được coi là một loại sản phẩm phụ đa mục đích đối với người nông dân Việt Nam (sử dụng để đun nấu, lợp mái nhà, làm thức ăn chăn nuôi…). Nhưng khi ngành trồng trọt phát triển mạnh, sản lượng lúa ngày càng gia tăng, rơm rạ lại dư thừa nhiều và trở thành nguồn chất thải cần xử lý.
Do tốn chi phí thu gom và vận chuyển, trong khi công nghệ xử lý rơm rạ còn nhiều hạn chế, hình thức đốt rơm rạ ngoài trời vẫn được nông dân áp dụng phổ biến ở hầu hết các vùng thâm canh lúa chính tại Việt Nam. Đây được coi là hình thức loại bỏ rơm rạ nhanh chóng và rẻ tiền, tiện lợi đối với nông dân.
Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ ngoài trời đang gây ra các vấn đề môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, làm thất thoát nguồn chất dinh dưỡng trả lại cho đất, đồng thời nông dân mất nguồn thu từ các sản phẩm được tạo ra từ phụ phẩm rơm rạ.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc người nông dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa đó là tập quán từ xưa đến nay, việc lên án là không đúng. Muốn người nông dân thay đổi thói quen thì các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động và đặc biệt tìm giải pháp có lợi thì chắc chắn người nông dân sẽ có thay đổi tích cực về việc này.
Nhật Hạ