Từ năm 2021, Hà Nội sẽ không còn tình trạng đốt rơm rạ
UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Chỉ thị trên, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.
Thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Hà Nội đạt mục tiêu, đến năm 2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường. (Ảnh minh họa: Internet) |
Ngoài ra, nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trên địa bàn.
Theo UBND TP.Hà Nội, Chỉ thị nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và từng công dân trong công tác thực thi pháp luật, giám sát, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường Thủ đô.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai thực hiện Chỉ thị.
Thời gian qua, TP.Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Tuy vậy, tình trạng này vẫn liên tục tái diễn sau mỗi mùa gặt do người dân còn tùy tiện, chưa có ý thức, đặc biệt là do chưa có chế tài xử phạt nặng.
Theo báo cáo của các quận, huyện và thị xã, mỗi năm tại TP.Hà Nội phát sinh một triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ phát sinh là 642.000 tấn (chiếm 59%), số lượng đốt bỏ khoảng 296.000 tấn (chiếm 36%).
Tình trạng này phổ biến tại các huyện Phúc Thọ, Thanh Trì, Đông Anh..., khi người dân thu hoạch lúa xong thì đốt rơm tại chỗ để làm mùn bón ruộng.
Tương tự, tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nhất là các xã gần khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, như Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình... cũng diễn ra tình trạng đốt rơm tại ruộng hoặc ven đường nội đồng.
Khói bụi từ việc đốt rơm rạ này không những gây ô nhiễm môi trường không khí, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống dân sinh của người dân.
Nhật Hạ