Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững (Bài cuối)
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) áp dụng mô hình 3 bên Triple Helix phải chú trọng tới đổi mới, sáng tạo để thích ứng với môi trường mới.
Bài cuối: Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế tuần hoàn - Ai giữ vai trò chủ chốt?
Báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu gồm các thành viên: Lê Minh Hạnh, Nguyễn Kiều Lan Phương, Từ Minh Thuận, Lê Bá Nhật Minh, Nguyễn Minh Tú, Phạm Phú Trường, Nguyễn Hồng Quân từ Viện Kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP.HCM đã đưa ra mô hình liên kết Triple Helix giữa 3 chủ thể Doanh nghiệp - Khối học thuật - Chính phủ để thúc đẩy SME tham gia vào nền KTTH, tạo ra giá trị phát triển bền vững.
Nhà nước kiến tạo môi trường phát triển
Theo nhóm nghiên cứu, mối quan hệ giữa 3 chủ thể thông qua các yếu tố đầu vào và các yếu tố đầu ra, dựa trên giả định rằng mỗi chủ thể đều liên kết với một chủ thể khác trong cấu trúc giao thoa và đồng thuận của mình.
Ví dụ, doanh nghiệp sẽ thu nhận các giá trị từ trường đại học thông qua việc chia sẻ cũng như bảo vệ tri thức. Các doanh nghiệp cũng sẽ hợp tác với chính phủ và các trường đại học để đạt được mục tiêu chiến lược. Các yếu tố đầu vào và đầu ra trong các mối quan hệ hợp tác đó có có thể giúp định hình các mối quan hệ hợp tác giữa 3 chủ thể một cách rõ ràng và cụ thể hơn.
Điều này đặc biệt hữu ích trong mô hình Hybrid khi mà các chủ thể không chỉ tham gia vào hợp tác Triple Helix bằng các chức năng truyền thống của mình, mà còn tham gia vào với vai trò của những chủ thể khác. Qua đó, mô hình các yếu tố đầu vào và đầu ra có thể phù hợp hơn mô hình nhấn mạnh vào nội dung và mục đích hợp tác như ở nhiều nghiên cứu khác.
Hơn thế nữa, mô hình các yếu tố đầu vào và đầu ra còn có thể sử dụng trong các mô hình tối ưu hóa đo lường hiệu quả của mô hình Triple Helix trong nghiên cứu thực nghiệm.
Nhà nước đóng vai trò quan trọng, xây dựng thể chế hợp tác và định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp và trường đại học. Trong mô hình Triple Helix, Nhà nước kiến tạo nên môi trường phát triển thông qua khuyến khích mối tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Vai trò của Nhà nước được thể hiện qua bốn chức năng: Đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, tạo lập môi trường thuận lợi cho sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường đại học, điều tiết hoạt động liên kết và hoạch định chính sách quốc gia.
Vai trò của Nhà nước lúc này là bên thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ qua việc hỗ trợ, phát triển các dự án, ươm tạo, các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; Trường đại học tăng cường quyền tự chủ; Doanh nghiệp ứng dụng những kết quả nghiên cứu và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo
Để tiếp cận với các mô hình mới, trong trường hợp này là KTTH, việc đề cao đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là rất cần thiết. Về mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, doanh nghiệp cần các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực và phát triển các nghiên cứu khoa học cơ bản.
Theo mô hình đổi mới sáng tạo tuyến tính, trường đại học sẽ là nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu định hướng các ngành cần sản xuất và thương mại hóa. Tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách hàng nên nắm bắt được nhu cầu của thị trường.
Do vậy, đổi mới sáng tạo được khởi sự từ doanh nghiệp, cung cấp và đặt đề bài cho các trường đại học phát triển các giải pháp và công nghệ mới sát với thực tiễn. Về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, vai trò quan trọng của nhà nước là tạo ra và duy trì khuôn khổ để doanh nghiệp luôn phát triển đổi mới sáng tạo.
Mô hình KTTH về bản chất mang tính hệ thống và do đó, việc hoạch định chính sách đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các lĩnh vực. KTTH tạo cơ hội thúc đẩy sự đổi mới thông qua điều chỉnh các chính sách môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực.
Trong mô hình Triple helix, đầu vào cho các hoạt động hoạch định chính sách là từ doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp cần chỉ ra những rào cản về thủ tục hành chính, đề xuất các cơ chế hợp tác phù hợp, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh doanh, thuế, đầu tư cho Nhà nước để xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp.
Trường đại học với tư cách là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học cần đề đạt cho Nhà nước các chính sách phát triển nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động các quỹ nghiên cứu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đào tạo đại học.
Nhà nước cũng thực hiện chức năng định hướng phát triển hoạt động. Sản phẩm đầu ra chính là những chính sách, văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước thông qua và ban hành, có giá trị hiệu lực pháp lý. Các chính sách này lại trở thành cơ sở pháp lý, tác động vào hoạt động của doanh nghiệp và trường đại học. Việc hoạch định chính sách của các chính phủ là bước đầu tiên để tạo ra một môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước đã ban hành cơ sở pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017 và Luật giáo dục đại học năm 2012, sửa đổi 2018.
Trường đại học, viện nghiên cứu cần là nơi tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt kết nối 3 nhà trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn yêu cầu cách tiếp cận liên - xuyên ngành, điều mà chỉ có thể có được từ các trường đại học, Viện nghiên cứu.
Việc nghiên cứu liên - xuyên ngành, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn cùng với tích hợp các công nghệ và kỹ thuật với sự tham gia của các bên có liên quan sẽ góp phần đảm bảo góc nhìn khoa học đa chiều, hài hòa trong quá trình triển khai các mô hình kinh doanh KTTH, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; Góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước. Trường đại học, Viện nghiên cứu cũng là nơi phát triển các không gian đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực KTTH, đóng góp vào sự phát triển của các SME cũng như chính sách cho đất nước.
Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế tuần hoàn