Kinh tế tuần hoàn là động lực phát triển bền vững quốc gia
Kinh tế tuần hoàn được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Đổi mới sáng tạo trong mô hình kinh tế tuần hoàn
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng đến hiện thực hoá kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, ông Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Theo đó, công cuộc đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững thông qua các sáng kiến, nỗ lực cụ thể. Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được đánh giá là một trong những giải pháp góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, mang lại các lợi ích cả về kinh tế, tạo việc làm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Theo Quỹ Ellen MacArthur, kinh tế tuần hoàn không chỉ là thiết kế ở góc độ sản phẩm, hay cơ sở sản xuất kinh doanh mà theo nghĩa rộng nó bao gồm cả việc thiết kế sự vận hành của cả một nền kinh tế của quốc gia, địa phương nhằm hướng đến giảm khai thác nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường do các hoạt động kinh tế, dân sinh gây ra. Tất cả những điều này để hiện thực hóa đều phải dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá, phát triển là vấn đề cốt lõi. Chính vì vậy, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần thực hiện hóa kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số là xu hướng phát triển chiến lược. Trong xu hướng này kinh tế tuần hoàn sẽ dần trở thành kinh tế tuần hoàn số.
Theo các chuyên gia, để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh và thực hiện các cam kết tại COP26 về ứng phó với BĐKH, giảm thiểu các tác động xấu và rủi ro trong quá trình phát triển đòi hỏi việc xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ và mô hình kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo hướng đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc gia.
Tuy nhiên, ở Việt Nam đang có sự “lệch nhịp” giữa phát triển kinh tế số và quá trình số hóa kinh tế tuần hoàn. Do đó, cần gắn kết chúng với nhau để tiến tới hội nhập kinh tế tuần hoàn số với kinh tế số bằng một số giải pháp như tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn số cùng với kinh tế số, nhất là đối với doanh nghiệp; tạo dựng hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; kết nối xây dựng nền tảng số kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; phát triển công nghiệp môi trường dựa trên nền tảng số.
Đối với mục tiêu dài hạn đưa Việt Nam trở thành một nước phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia để xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cập nhật. Trong đó nền tảng là xác định được kịch bản phát thải thông thường dài hạn của Việt Nam, các biện pháp giảm phát thải khả thi và lộ trình thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đã cam kết.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì các mục tiêu khí hậu
Năm 2022 đánh dấu mốc quan trọng về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực và Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn được Chính phủ phê duyệt.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã chính thức khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện cam kết đạt "phát thải ròng bằng 0”.
TS Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược và chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), kế hoạch hành động quốc gia này sẽ bao gồm nhiều nội dung mang tính chất tạo khung và định hướng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở thực hiện cho quy mô từ các bộ, ngành cho tới doanh nghiệp.
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia là đặc biệt quan trọng để mở ra hướng đi cho kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động quốc gia là rất thách thức khi những nguồn lực trong nước còn khan hiếm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Trong đó, những lợi ích này bao gồm: Phát triển kinh tế tuần hoàn là thể hiện trách nhiệm của quốc gia trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.
Thực tế, kinh tế tuần hoàn là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam phát triển các thể chế và chính sách mạnh mẽ, thúc đẩy kinh doanh bền vững và giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp cải thiện những bất cập của quá khứ mà còn hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai.
Với việc thay đổi cách khai thác, tiêu thụ và thải bỏ vật liệu theo hướng bền vững hơn, các chuyên gia quốc tế ước tính sẽ giúp giảm khoảng 45% lượng khí thải phát sinh. Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều giải pháp như nông nghiệp tái sinh, gạch không nung, chất thải thành năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, hóa học xanh... các giải pháp này rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Sau nền kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp, bây giờ chúng ta nhắc đến kinh tế tuần hoàn để đi đến phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn thay đổi cơ bản nguyên lý và tư duy phát triển so với kinh tế tuyến tính.
Kinh tế tuần hoàn phải có sự tham gia toàn dân toàn xã hội mới có thể thành công. Chính phủ cần có kế hoạch rất rõ ràng. Nếu Chính phủ không đưa ra lộ trình, chính sách rõ ràng thì rất khó cho doanh nghiệp, địa phương”.
Theo Bộ trưởng, kinh tế tuần hoàn thay đổi cơ bản so với kinh tế tuyến tính về vòng đời khi phần loại bỏ khu vực này lại là đầu vào khu vực kia. Kinh tế tuần hoàn cũng thay đổi tư duy của doanh nghiệp, tư duy hoạch định chính sách, tạo ra sự kết nối, đổi mới phương thức, quy hoạch thiết kế để cùng nhau có lợi.
Lan Anh