Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn và những bài học từ Nhật Bản
Sáng ngày 6/7, cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và Gợi ý chính sách hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn”.
Sáng ngày 6/7, tại khách sạn The Ann (Hà Nội), trong khuôn khổ dự án “Khảo sát về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISponre) và đơn vị tư vấn Công ty TNHH Nippon Koei Vietnam international tổ chức buổi hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và Gợi ý chính sách hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn”.
Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu tổng quát kết quả dự án, Khung kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn (KTTH) và tham vấn ý kiến về Dự thảo Khung kế hoạch hành động.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Mai Thế Toản – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã chia sẻ: Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trên thế giới. Bắt đầu từ những năm 1999, đến nay nền kinh tế tuần hoàn ở nhật đã hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ. Ông cũng bày tỏ, Việt Nam rất vui mừng khi đón nhận những đề xuất, kiến nghị từ phía Nhật Bản để hoàn thiện hơn quy trình xây dựng KTTH tại Việt Nam.
Ông Tanaka Akihisa – Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam đã chia sẻ sơ lược về quá trình xây dựng KTTH tại Nhật Bản. “Hội thảo này được tổ chức để cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình thực hiện nền KTTH và làm sao để có thể thực hiện nền KTTH tại Việt Nam đáp ứng đúng các tiêu chí đã đề ra.
Cần có sự chuyển đổi giữa nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, áp dụng 3R (reduce – reuse – recycle) để kéo dài vòng đời của sản phẩm trong nền kinh tế. Giống với VIệt Nam, Nhật Bản cũng đã từng phải đối mặt với nhiều sức ép về diện tích đất và lượng rác thải lớn. Chúng tôi đã tích cực xây dựng các điều luật để hướng dẫn mọi người tham gia tái chế, tái sử dụng, đẩy mạnh quá trình phát triển KTTH.”
KTTH là xu thế phát triển chung của tất cả các nền kinh tế hiện nay, nhằm bảo vệ một hành tinh xanh, giảm thiểu tăng trưởng nóng, mang lại những giá trị xanh cho nền kinh tế, nhất quyết không đánh đổi lợi ích về môi trường với lợi ích kinh tế.
Trình bày tại hội thảo về định hướng xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về KTTH tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh về khung chính sách, pháp luật KTTH tại Việt Nam, đặc biệt là Điều 142 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc thực hiện của luật bảo vệ môi trường.
Ông cũng đã bày tỏ về những trăn trở của Việt Nam trong quá trình xây dựng khung pháp lý và các chính sách nhằm thúc đẩy KTTH phát triển tại Việt Nam - “Làm sao để thể hiện được tính hệ thống và đồng bộ”.
Tại Nhật Bản, KTTH đã phát triển từ năm 1999 với những quyết định, hành động đầu tiên của chính phủ. Đến nay, tầm nhìn đến 2020, nền KTTH tại Nhật Bản đã được nâng cấp, hoàn toàn chuyển từ kinh tế tuyến tính sang nền KTTH. Nhóm nghiên cứu JICA tại Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về kết quả khảo sát về KTTH bởi JICA. Các đại diện đã thay phiên giới thiệu các nội dung chính trong nghiên cứu này.
Dự án được thực hiện từ tháng 1 năm 2022 và được dự kiến hoàn thiện vào năm 2025, nhằm mục tiêu thu thập các thông tin cơ bản về KTTH tại Việt Nam và Nhật Bản.
Phân tích cấu trúc cơ sở pháp lý về KTTH tại Việt Nam, nghiên cứu tầm nhìn KTTH của Nhật Bản và các kế hoạch cơ bản để thiết lập một xã hội tuần hoàn – vật chất an toàn, thông qua đó xây dựng đề xuất về cấu trúc kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam, dựa trên các kinh nghiệm và bài học từ Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Sau thời gian dài nghiên cứu, JICA đã thu thập được nhiều văn bản pháp luật về KTTH tại Việt Nam và Nhật Bản, tiến hành phân tích các mối quan hệ giữa những thành tố trong hệ thống pháp lý và tìm ra đặc điểm chung.
Thông qua đó, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản, JICA đã trình bày về các bài học kinh nghiệm của Nhật Bản và các quốc gia khác trong triển khai KTTH.
Để có thể phát triển kinh tế tuần hoàn, chính phủ cần xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ, hợp lý, chú trọng vào các ngành công nghiệp được ưu tiên trong quá trình xây dựng, tạo nền tảng cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức trong quá trình thực hiện KTTH.
Trong phần thuyết trình của mình, ông Ichiro Adachi – Cố vấn quản lý môi trường của JICA tại Bộ TN&MT đã chia sẻ những thông tin và ví dụ điển hình về tái chế nhựa tại Nhật Bản.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm, vai trò của các cơ quan ban ngành, các Bộ, các cơ quan lãnh đạo trong hoạt động thực hiện KTTH tại Việt Nam và nhiều nước khác. Ông cũng đã đưa ra một số đề xuất cho Việt Nam để triển khai KTTH tại Việt Nam.
Trong phiên thảo luận về kết quả nghiên cứu của JICA được điều hành bởi PGS.TS Nguyễn Thế Chinh– Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần SHINEC (Hải Phòng) đã chia sẻ về những trăn trở của doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng KTTH trong doanh nghiệp.
Ông Điệp đề nghị “cần rà soát lại các điều luật, tích hợp giữa luật quy hoạch, luật đất đai, luật môi trường, luật thuế. Từ đó các doanh nghiệp mới có thể làm tốt hơn việc áp dụng KTTH mà không gặp các vướng mắc.
Tiếp đó, từ hiện trạng môi trường tại Việt Nam hiện nay, cần xây dựng kế hoạch hoàn thiện, tổng thể từ hiện đại cho đến tương lai. Vấn đề thứ 3 là áp dụng phù hợp mô hình kinh tế tuần hoàn trong nước. Các mô hình KTTH sẽ áp dụng thực tiễn tại Việt Nam như thế nào?”.
Ông Đỗ Thanh Bái (Hội Khoa học Việt Nam) cũng đã bày tỏ sự xúc động khi nghe các phần trình bày. “Nhìn lại Luật Bảo vệ Môi trường Việt nam 2014 và 2020, tôi cảm thấy cách tiếp cận của Việt Nam với KTTH còn chung và chưa chi tiết, cụ thể. Đây là điều cần học tập để có thể thay đổi hệ thống Luật pháp. Cần học tập từ cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn”.
TS Nguyễn Thế Đồng – Hội bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam, Hội bảo vệ nước sạch Việt Nam cũng đã bày tỏ sự tâm đắc với các nội dung được trình bày trong hội thảo. Từ đó, cá nhân ông cũng có nhiều trăn trở về những quy định, định nghĩa về Kinh tế tuần hoàn trong Luật đã quy định, cũng như là vai trò của người tiêu dùng trong mô hình này.
Tiếp theo trong chương trình hội thảo, ông Koki Takano đã trình bày về các đề xuất và khuyến nghị đối với khung kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam dựa trên những kết quả nghiên cứu mà JICA đã thực hiện và kinh nghiệm xây dựng KTTH tại Nhật Bản.
Cần đưa vào khung hành động quốc gia những điểm chi tiết, cụ thể mục đích của khung hành động, lộ trình 10 năm thực hiện ở Việt Nam,....
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng những nguyên tắc hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, Việt Nam cần dựa trên những dữ liệu, các chỉ số để lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên hợp lý trong quá trình xây dựng KTTH.
KTTH không phải là điều mà một quốc gia duy nhất có thể thực hiện được mà cần thực hiện dựa trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia với nhau. Như vậy mới có thể thực hiện được KTTH thực sự.
Ông cũng chia sẻ về những điểm cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch hành động quốc gia. Cần có sự hài hòa trong các kế hoạch, những chiến lược chính cũng là những nội dung cần cân nhắc, xem xét. Các mục tiêu cần được đưa ra theo hướng chiến lược, hợp tác giữa các bộ phận. Cần cân nhắc về những đặc điểm chung và học tập từ các nước đi trước.
Trong phiên thảo luận về khung hành động quốc gia, nhiều chuyên gia cũng đã tham gia góp ý, đặt câu hỏi về những nội dung liên quan, đặc biệt là các quy định về KTTH trong Luật cùng những thành tố trong mô hình KTTH.
Linh Chi