Kiểm toán quản lý nguồn nước gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là nội dung quyết định vừa được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam công bố.
Mục tiêu của cuộc kiểm toán là đánh giá công tác quản lý Nhà nước và việc tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Kông, gắn với việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc mục tiêu phát triển bền vững số 6.
Cuộc kiểm toán này tập trung vào các nội dung gồm: công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước lưu vực sông Mê Kông; việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mê Kông.
Phạm vi kiểm toán trong giai đoạn 2016 - 2020 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Địa điểm kiểm toán tại 4 bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố. Thời hạn kiểm toán là 58 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm toán tại đơn vị.
Nội dung cuộc kiểm toán trên được Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề xuất đưa vào Kế hoạch chiến lược của ASOSAI giai đoạn 2020-2021 và thực hiện theo hình thức kiểm toán song song; trong đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì và Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) Thái Lan, Myanmar là thành viên.
Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông mang tính bền vững, cải thiện môi trường sống và sự phát triển hài hòa của các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông.
Tại cuộc kiểm toán lần này, bên cạnh chủ đề và mục tiêu kiểm toán đã được thống nhất, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và ban hành Đề cương kiểm toán xác định cụ thể 4 nội dung và các tiêu chí kiểm toán tương ứng của cuộc kiểm toán và khuyến khích các SAI cùng thực hiện một số nội dung và tiêu chí kiểm toán cụ thể do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam xác định nhằm đánh giá tổng thể ảnh hưởng của việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông tới Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc kiểm toán sẽ áp dụng nhiều phương pháp kiểm toán như: nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan; tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh; phỏng vấn; chọn mẫu. Quá trình kiểm toán có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn quốc tế về nguồn nước, kiểm toán hoạt động liên quan đến thực hiện các SDG, kiểm toán môi trường. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm toán có thể mời thêm chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về một số vấn đề chuyên môn cụ thể.
Để Đoàn kiểm toán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện nghiêm vai trò, trách nhiệm, quy chế hoạt động của đoàn, các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị đầu mối cung cấp hồ sơ, tài liệu, phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm toán, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm giúp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam hoàn thành tốt cuộc kiểm toán. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược với cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Diệp Anh