Không khí TP.HCM trong lành trở lại sau nhiều ngày 'chìm' trong ô nhiễm
Sáng nay (23/1), chất lượng không khí tại TP.HCM đã được cải thiện rõ rệt so với những ngày trước đó do được đón cơn mưa trái mùa đêm qua.
Vào đêm qua, TP.HCM và một số tỉnh, thành Nam Bộ có mưa trái mùa vài nơi, không khí se lạnh. Nhiệt độ khoảng 24 độ C.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân mưa trái mùa đêm qua là do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao. TP.HCM và một số tỉnh, thành Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông vài nơi, cục bộ có nơi mưa vừa, diện mưa không quá rộng.
Hôm nay, trời TP.HCM phổ biến nhiều mây, nắng gián đoạn với cường độ không mạnh. Dự báo mức nhiệt cao nhất trong ngày 29-32 độ C.
Cũng nhờ vào "cơn mưa vàng" đêm qua, chất lượng không khí tại TP.HCM được cải thiện nhiều so với những ngày trước đó.
Ứng dụng PAMAir lúc 7h cho thấy chỉ số AQI của TP.HCM chủ yếu ở mức tốt đến trung bình, chỉ vài nơi có chất lượng không khí xấu.
Cụ thể, nơi có chất lượng không khí trong lành là các điểm đo Quốc Hương (TP.Thủ Đức) - 49 đơn vị, Nguyễn Công Hoan (quận Phú Nhuận) - 50 đơn vị, Phú Mỹ Hưng (quận 7) - 44 đơn vị.
Khu vực đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là nơi duy nhất có chất lượng không khí ở ngưỡng kém - 155 đơn vị. Các điểm quan trắc còn lại có chỉ số AQI 56-137 đơn vị, ngưỡng trung bình đến xấu.
Còn ứng dụng AirVisual cho thấy chỉ số AQI trung bình lúc 7h của TP.HCM là 105 đơn vị - ngưỡng xấu. Trong đó, hầu hết điểm quan trắc cho chỉ số ở ngưỡng trung bình hoặc xấu.
Nơi có chỉ số AQI cao nhất là đường Nguyễn Đình Chính (quận Phú Nhuận) với 155 đơn vị - ngưỡng kém. Nơi thấp nhất là điểm quan trắc Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) với 45 đơn vị - đây cũng là điểm đo duy nhất cho thấy không khí trong lành. Các nơi còn lại có chỉ số trong khoảng 53-133 đơn vị.
Tuy nhiên, ứng dụng này cũng dự báo chất lượng không khí 5 ngày tới của TP.HCM ở ngưỡng xấu, riêng ngày 28/1, không khí ở mức trung bình. Chỉ số AQI trong khoảng 87-131 đơn vị.
Trao đổi với Zing, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết từ nay đến cuối năm, Nam Bộ duy trì kiểu thời tiết mát mẻ do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc. Từ đầu năm, bà Lan đã dự báo cho các nhà vườn trồng mai là nhiệt độ miền Đông Nam Bộ năm nay thấp hơn mọi năm, đêm và sáng se lạnh. Do đó, nhà vườn cần có phương án tăng cường thuốc hoặc dinh dưỡng để cây mai khỏe.
"Với kiểu thời tiết này, khoảng giữa tháng Chạp nếu trời nắng thì nhà vườn phải lặt lá muộn, trường hợp lạnh hơn thì phải lặt lá sớm cho cây mai có mầm để ra hoa", chuyên gia tư vấn.
Bà Lan nói thêm rằng mưa trái mùa có thể gây thiệt hại cho mai. Tuy nhiên, từ nay đến gần Tết, mưa trái mùa sẽ giảm, kết hợp với tiết trời se lạnh nên nhà vườn có thể sẽ tiến hành lặt lá sớm hơn mọi năm.
Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, chất lượng không khí những ngày qua luôn trong ngưỡng báo động đỏ, ngưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mọi người.
Theo kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội 34 trạm trên địa bàn TP vào 7h sáng 22/1, chất lượng không khí có 4/34 trạm chạm ngưỡng rất xấu (mức cảnh báo 5/6), 27/34 trạm chạm ngưỡng xấu (mức cảnh báo 4/6) và 3/34 trạm còn lại chạm ngưỡng kém (mức cảnh báo 3/6), AQI dao động trong khoảng 140 – 218.
Các khu vực có chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu như Minh Khai (218), Hàng Đậu (205), Phạm Văn Đồng (202), Chi cục BVMT (203), …
Bên cạnh đó, số liệu theo Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy, các tỉnh, thành lân cận chất lượng không khí cũng đang ở mức rất xấu như: UBND xã Cao Đức (299), Trung tâm quan trắc phường Suối Hoa (279), Khu liên cơ Thuận Thành (274)… Đặc biệt, trạm quan trắc đặt tại KCN Quế Võ có chỉ số AQI = 310 chạm ngưỡng nguy hại (mức cảnh báo 6/6, mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe).
Nồng độ bụi PM10 trung bình 1h tại 34 trạm dao động 100.2 – 223.7 µg/m3 và bụi PM2.5 dao động trong khoảng 70.2 – 149.1 µg/m3. So với cùng thời điểm 7h sáng 21/1, chất lượng không khí có xu hướng giảm nhẹ, nồng độ chỉ tiêu bụi PM10 giảm 29.3% và bụi PM2.5 giảm 22%.
Minh Phương