Thứ sáu, 03/05/2024 04:56 (GMT+7)
Thứ hai, 14/02/2022 13:00 (GMT+7)

‘Khởi động’ thị trường bán buôn điện mặt trời tại Ai Cập từ 13/2

Theo dõi KTMT trên

Lần đầu tiên, Ai Cập triển khai dự án thị trường bán buôn điện mặt trời tại thành phố Alexandria, phía Bắc Ai Cập từ ngày 13/2.

Đây là một phần trong dự án thí điểm do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm thúc đẩy ứng dụng năng lượng mặt trời tại các quốc gia Nam Địa Trung Hải.

Được biết, dự án này bao gồm phát triển các tổ hợp đơn vị điện mặt trời, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu năng lượng của địa phương và được liên kết với lưới điện quốc gia nhằm bán nguồn điện năng dư thừa ra thị trường.

Hành động của quốc gia này nhằm hỗ trợ những nỗ lực của quốc gia Bắc Phi trong chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế “xanh”. Trong tương lai, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21.

Kể từ năm 2014, Chính phủ Ai Cập đã nỗ lực mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng hợp tác với nhiều ngân hàng phát triển để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái sinh.

‘Khởi động’ thị trường bán buôn điện mặt trời tại Ai Cập từ 13/2 - Ảnh 1
Ai Cập nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng, hướng tới một nền kinh tế xanh. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, quốc gia Bắc Phi này đã thực hiện nhiều dự án năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua, như dự án Công viên năng lượng mặt trời Benban ở tỉnh Aswan, vùng Thượng Ai Cập, nơi có hơn 32 dự án năng lượng mặt trời với tổng công suất khoảng 1.465 MW. 

Nhà máy điện mặt trời Benban Solar Park có diện tích 37 km2, nằm ở vùng sa mạc phía tây Ai Cập, cách thủ đô Cairo khoảng 650 km về phía nam. Dự án được xây dựng từ giữa 2014, nằm trong chiến lược về năng lượng tái tạo bền vững năm 2035 của chính phủ Ai Cập, và hoàn thành năm 2019. Bên trong hệ thống gồm 41 nhà máy điện nhỏ hơn. Tổng chi phí dự án là 823 triệu USD.

Theo thống kê, hiện có 32 nhà máy điện mặt trời đang hoạt động ở Ai Cập, với tổng sản lượng điện năm ngoái đạt khoảng 4.500 GWh.

Bức tranh chuyển dịch năng lượng sạch trên toàn cầu

Trước làn sóng chuyển dịch năng lượng xanh, Trung Quốc là quốc gia có khả năng sản xuất điện mặt trời lớn hơn bất kỳ nước nào trên thế giới với khả năng sản xuất Điện khổng lồ lên đến 1330 Gigawatts mỗi năm.

Trung Quốc cũng là nước sở hữu dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất lên đến 1,547-MW ở sa mạc Tengger, hay còn được gọi với cái tên “Bức tường năng lượng mặt trời vĩ đại” (theo ghi nhận năm 2018).

Theo tổ chức truyền thông Foreign Policy, 30% nhà sản xuất tuabin gió trên thế giới là ở Trung Quốc và hơn 70% quang điện mặt trời trên thế giới được sản xuất bởi nước này. Hơn nữa, Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ chuỗi cung ứng trước khi tiến tới bước lắp ráp cuối cùng cho xe điện.

Việc phát triển thành công những kỳ công này một phần là nhờ Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Mức sản xuất pin mặt trời tại đây đã vượt qua mục tiêu của chính phủ về lắp đặt năng lượng mặt trời.

Trong khi đó, chỉ trong 10 năm, thị phần năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Mỹ đã tăng gấp đôi từ 10% vào năm 2010 lên 20% vào năm 2020, theo báo cáo của Deloitte.

Phần lớn sự tăng trưởng đó là nhờ năng lượng mặt trời và năng lượng gió, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 84% và 15% trong thập kỷ qua. 

‘Khởi động’ thị trường bán buôn điện mặt trời tại Ai Cập từ 13/2 - Ảnh 2
Với những “cánh đồng pin mặt trời”, Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới về năng lượng tái tạo. (Ảnh: Nikada)

Để đạt được những mục tiêu trong chuyển dịch năng lượng sạch, Mỹ sẽ phải tăng tốc đáng kể trong thời gian tới. Vào cuối năm 2020, Mỹ có hơn 100 gigawatt (GW) năng lượng mặt trời và 122,5 GW công suất điện gió, nhưng nước này sẽ cần bổ sung thêm 70–100 GW cho năng lượng mặt trời và gió mỗi năm để trung hòa carbon từ năm 2035 đến năm 2050.

Là nhà của những “cánh đồng pin mặt trời”, Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới về năng lượng tái tạo. Hiện tại, Mỹ đang đề ra các chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này.

Đồng thời, đưa ra nhiều biện pháp kịp thời như nỗ lực cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này.

Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng.

Đức là một trong những nước đầu tiên triển khai mạnh mẽ ứng dụng điện mặt trời và là quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng mặt trời. Các nguồn năng lượng tái tạo được coi là ưu tiên quan trọng nhất của Chính phủ với mục tiêu đạt mức 80% năng lượng điện đến từ năng lượng tái tạo trong năm 2050.

Với sự phát triển tiên phong trong công nghệ và chế tạo, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng nguồn cung năng lượng tái tạo từ 15% lên 22-24% trong giai đoạn 2018 - 2030. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Nhật Bản đã và đang phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời nổi hàng đầu thế giới.

Trước đó, vào ngày 5/10, Nhật Bản tuyên bố sẽ thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo một cách tối đa, tiết kiệm năng lượng triệt để hướng tới đáp ứng bộ tiêu chí đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Kế hoạch năng lượng cơ bản mới tên là Kế hoạch chiến lược năng lượng lần thứ 5 nhằm đặt ra các mục tiêu cho phát triển điện năng của Nhật Bản đến năm 2030 cũng như các kịch bản đến năm 2050 đã được nội các Nhật Bản phê duyệt vào ngày 3/7/2018.

Kế hoạch lần thứ 5 với trọng tâm tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong vòng một thập kỷ tới, sẽ tiếp tục đề cao sự cần thiết phải bảo đảm cung cấp năng lượng ổn định, an toàn và an ninh cho đất nước vốn rất nghèo nguồn tài nguyên, nhiên liệu hóa thạch này, đồng thời có cam kết đối với các sáng kiến “năng lượng sạch”.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết ‘Khởi động’ thị trường bán buôn điện mặt trời tại Ai Cập từ 13/2. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.