Thứ bảy, 27/04/2024 09:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/01/2022 12:00 (GMT+7)

Indonesia: Tiềm năng điện mặt trời bắt đầu được khai thác

Theo dõi KTMT trên

Từ những cải thiện trong ý thức của người dân, sự hỗ trợ của chính sách và giá pin mặt trời giảm mạnh, Indonesia - quốc gia vốn phụ thuộc vào điện than, đang chứng kiến tiềm năng tăng trưởng mạnh của điện mặt trời.

Hiện nay Indonesia đang là nơi xuất khẩu than lớn nhất thế giới được sử dụng trong các nhà máy điện. Hiện năng lượng mặt trời vẫn là một nguồn năng lượng chiếm phần nhỏ tại nước này. Cơ cấu năng lượng của Indonesia vẫn phần lớn dựa vào điện được sản xuất từ than.

Điện than chiếm khoảng 60% trong tổng số 73.000 MW công suất phát điện của Indonesia. So với con số đó, điện mặt trời chỉ chiếm 180 MW, trong đó bao gồm các trang trại năng lượng mặt trời và các tấm pin mặt trời tư nhân được lắp đặt trên mái nhà. Dù là một quần đảo nhiệt đới với 17.000 hòn đảo được thiên nhiên ưu đãi với ánh nắng quanh năm, Indonesia vẫn đứng cuối về công suất điện mặt trời trong số các quốc gia G20.

Indonesia: Tiềm năng điện mặt trời bắt đầu được khai thác - Ảnh 1
Pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà dân tại Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Mặt khác, theo Bộ Năng lượng của nước này, Indonesia có tiềm năng đạt được 400.000 MW điện mặt trời. Vào năm 2060 hoặc sớm hơn, Indonesia cũng đặt mục tiêu sẽ từ bỏ than đá và trung hòa carbon.

Gần đây, mọi chuyện đã bắt đầu xuất hiện những thay đổi nhất định. Tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này, nhu cầu năng lượng tái tạo đang bắt đầu gia tăng. Xu hướng này được thúc đẩy nhờ những thay đổi trong chính sách và giá pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất giảm mạnh. Giá pin giảm đã khiến điện năng sản xuất từ các tấm pin mặt trời này rẻ hơn điện được bán từ PLN.

Mặt khác, sự cải thiện trong ý thức bảo vệ môi trường của những người thuộc tầng lớp trung lưu như Aji – kỹ sư tại một công ty sữa cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Aji Tri Atmojo sống trong một ngôi nhà truyền thống của người Java với những bức tường gỗ ở ngoại ô Thủ đô Jakarta của Indonesia. Tuy nhiên, ngôi nhà theo phong cách cổ của anh đã có thêm những nét hiện đại sau khi anh lắp đặt những tấm năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Từ khi được lắp đặt vào năm 2020 với chi phí 702,25 USD, những tấm năng lượng mặt trời này đã giúp anh giảm một nửa hóa đơn tiền điện hàng tháng. Hơn nữa chỉ trong khoảng thời gian 5 năm, khoản đầu tư này sẽ hòa vốn. Theo Aji, do gần như tất cả sản lượng điện ở Indonesia đều đến từ than đá nên gia đình anh có thể góp phần giảm phát thải khí nhà kính bằng cách này.

Ông Amarangga Lubis, đồng sáng lập công ty kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC) SolarKita, chia sẻ rằng mọi người đang nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. Ông bổ sung: "Kể từ khi đại dịch xảy ra, văn hóa làm việc tại nhà đã được thiết lập và nhu cầu sử dụng điện đang tăng lên".

Các phương thức tài trợ mới như cho thuê bảng điều khiển năng lượng mặt trời cho người dùng thương mại cũng đã giúp các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời. Những thay đổi về quy định cũng đã thúc đẩy tăng trưởng. Một ví dụ cho việc này là động thái giảm phí năng lượng tối thiểu vào cuối năm 2019 của PLN. Chính sách này đã giúp cho người dùng năng lượng mặt trời giảm được thời gian bù đắp chi phí lắp đặt, ông Lubis cho biết thêm.

Tính từ cuối năm 2018 đến tháng 11/2021, số lượng người sử dụng pin mặt trời tư nhân được lắp đặt trên mái nhà đã tăng hơn 7 lần lên khoảng 4.500. Theo công ty điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN), công suất điện mặt trời được lắp đặt đã tăng lên mức 44 MW từ mức 1,5 MW khởi đầu.

Indonesia: Tiềm năng điện mặt trời bắt đầu được khai thác - Ảnh 2
Trang trại năng lượng mặt trời tại Bontang, Đông Kalimantan, Indonesia. (Ảnh: Hitachi Energy)

Theo hiệp hội Năng lượng Mặt trời Indonesia (ISEA) dự đoán, công suất lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà có thể đạt 1.000 MW vào năm 2023. Kể từ đó, con số này có thể gia tăng từ 3.000 MW đến 5.000 MW mỗi năm từ năm 2025.

Những người dùng năng lượng mặt trời thương mại cũng có thể xuất toàn bộ điện năng thừa của mình sang PLN kể từ tháng 8. Ngoài ra, những người này còn có thể tham gia vào thị trường carbon của Indonesia được dự kiến ra mắt vào năm 2025.

Giám đốc điều hành ISEA ông Fabby Tumiwa cho biết, những thay đổi này, sẽ dẫn tới nhu cầu điện mặt trời gia tăng. Những thỏa thuận của các công ty đa quốc gia nhằm hạn chế lượng khí thải carbon cũng sẽ góp phần vào sự gia tăng nhu cầu năng lượng mặt trời của các công ty, nhà máy và tòa nhà thương mại trong những năm tới.

Ngoài nhu cầu thương mại, Tumiwa cũng dự kiến ít nhất 2% trong số 77 triệu khách hàng gia đình của PLN sẽ lắp đặt pin điện mặt trời trong vòng 3-5 năm tới.

Ông Lubis dự đoán, triển vọng tăng trưởng điện mặt trời tại Indonesia trong vòng 5 năm tới, việc lắp đặt điện mặt trời sẽ có những tăng trưởng mạnh. Mọi người sẽ trở nên “kén chọn hơn và sẽ đầu tư vào những thứ có lợi hơn" cho môi trường, ông Lubis cho hay.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Indonesia: Tiềm năng điện mặt trời bắt đầu được khai thác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới