Thứ sáu, 22/11/2024 12:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/11/2021 15:00 (GMT+7)

Khí thải CO2 của Trung Quốc có bước ngoặt mới

Theo dõi KTMT trên

Nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060, Trung Quốc đã có tín hiệu đáng mừng đầu tiên khi lượng khí thải CO2 đã giảm trong quý 3/2021.

Trung Quốc giảm lượng khí thải CO2 0,5%

Một nghiên cứu mới cho thấy lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm trong quý 3/2021, lần đầu tiên kể từ khi nước này chuyển sang giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Đây được xem là kết quả của chính sách siết chặt lĩnh vực xây dựng nhà ở và tình trạng thiếu than đá trên diện rộng. Nghiên cứu này được đăng tải ngày 25/11 trên trang web Carbon Brief có trụ sở tại Anh, chuyên trang về khoa học và biến đổi khí hậu. 

Khí thải CO2 của Trung Quốc có bước ngoặt mới - Ảnh 1
 Trung Quốc là quốc gia gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Tác giả nghiên cứu trên, ông Lauri Myllyvirta, nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), cho rằng Trung Quốc, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, đã ghi nhận lượng khí thải CO2 giảm 0,5% trong thời gian từ tháng 7-9 so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguồn cung than đá khan hiếm khiến giá tăng cao kỉ lục đã gây ra tình trạng mất điện tại nhiều khu vực ở Trung Quốc vào cuối quý vừa qua, đồng thời ảnh hưởng đến các hoạt động công nghiệp.

Hoạt động sản xuất hai loại vật liệu xây dựng là thép thô và xi măng trong thời gian này đã giảm lần lượt là 16% và 11% so với 3 tháng trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã tăng cường kiểm soát lĩnh vực bất động sản do lo ngại nguy cơ sụp đổ của các tập đoàn địa ốc có nợ xấu cao như Evergrande Group.
Theo ông Myllyvirta, việc lượng khí thải CO2 của Trung Quốc giảm có thể được coi là một "bước ngoặt" và tổng lượng khí thải của nước này đạt đỉnh sớm hơn dự kiến nhiều năm so với mục tiêu mà Bắc Kinh đặt ra là trước năm 2030.

Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục các gói kích thích trong lĩnh vực xây dựng để thúc đẩy kinh tế, lượng khí thải có thể tăng trở lại trước khi lên tới đỉnh điểm vào cuối thập kỉ này.

Trước đó, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã tăng khoảng 9% trong nửa đầu năm nay, thời điểm mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19 với nhiều dự án xây dựng và công nghiệp nặng được triển khai.

Trung Quốc chứng kiến lần giảm khí thải CO2 theo quý gần đây nhất là quý I/2020, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan.

Trung Quốccông bố đạt mục tiêu trung hòa carbon

Bắc Kinh sẽ đưa lượng khí phát thải lên mức cao nhất trước năm 2030 sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060 và giảm trên 65% mật độ carbon trong mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế.

Theo tài liệu được công bố trên trang web về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, Trung Quốc sẽ tăng tỉ trọng sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 25%, tăng 5% so với mức đã cam kết trước đó.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có kế hoạch tăng trữ lượng rừng thêm 6 tỉ m3 so với mức năm 2005 và "nâng tổng công suất lắp đặt điện gió và Mặt Trời lên hơn 1,2 tỉ KW vào năm 2030".

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa, đánh giá cam kết của Trung Quốc về đưa mức phát thải ròng của nước này về 0 trước năm 2060 là "bước tiến tích cực".

Tuy nhiên, theo bà, cần làm việc với Trung Quốc để có thể để đẩy nhanh mốc thời gian trước năm 2060 sớm nhất có thể.

Khí thải CO2 của Trung Quốc có bước ngoặt mới - Ảnh 2
Bắc Kinh sẽ đưa lượng khí phát thải lên mức cao nhất trước năm 2030. (Ảnh minh họa)

Bà Espinosa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các kế hoạch rõ ràng.
Trong khi đó, giới phân tích cho rằng những mục tiêu mới của Trung Quốc thay đổi không đáng kể và là chưa đủ đối với một quốc gia chiếm tới hơn 25% tổng lượng phát thải khí carbon.

Theo nhà phân tích Li Shuo thuộc tổ chức Hòa bình xanh châu Á, Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mới mà Trung Quốc vừa đưa ra đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện tham vọng.

Ông cho rằng Bắc Kinh cần đưa ra các kế hoạch mạnh mẽ hơn nhằm đảm bảo đưa mức phát thải lên mức kỉ lục trước năm 2025.

Cùng chung nhận định trên, ông Nick Mabey, Giám đốc điều hành tổ chức E3G, chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng kế hoạch phát thải mới của Trung Quốc hầu như “không thay đổi” so với những cam kết trước đây.

Theo ông, điều này làm "giảm niềm tin của các nước" đối với mục tiêu cắt giảm mạnh lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc.

Theo Liên Hợp Quốc, các nước phải cắt giảm gần 50% lượng khí phát thải vào năm 2030 nhằm có thể khống chế mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tất cả các nước đã nhất trí cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế sự nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và phấn đấu đạt mức 1,5 độ C. Các bên đã đồng ý cứ 5 năm một lần lại đưa ra NDC mới tham vọng hơn.

Năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh sẽ đạt mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào khoảng năm 2060.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khí thải CO2 của Trung Quốc có bước ngoặt mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới