Thứ năm, 05/12/2024 01:47 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 17:00 (GMT+7)

Khai thác tài nguyên số cần phải "vá được lỗ hổng" an toàn thông tin

Theo dõi KTMT trên

Muốn xây dựng được bộ khung tài nguyên số tiến tới bước khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững thì vấn đề an toàn thông tin – dữ liệu phải được đặt lên hàng đầu.

Nếu tài nguyên số được ví như ngôi nhà thì thông tin – dữ liệu chính là bộ khung để xây lên ngôi nhà đó. “Bộ khung” này có an toàn thì ngôi nhà mới vững chắc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề an toàn thông tin vẫn là bài toán chưa có lời giải đích đáng.

Để tìm giải pháp vá lỗ hổng an toàn thông tin ở Việt Nam trong thời gian tới, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tài nguyên số ở TP.HCM - ông Nguyễn Trọng Khoa.

Khai thác tài nguyên số cần phải "vá được lỗ hổng" an toàn thông tin - Ảnh 1
Chuyên gia tài nguyên số Nguyễn Trọng Khoa.

Cái gốc là đảm bảo an toàn thông tin người dân

PV: Ngoài phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp; Cung cấp dịch vụ kỹ thuật số nền tảng/hệ sinh thái; Phát triển giải pháp phần mềm/phần cứng đột phá; Triển khai mô hình nghiệp vụ số; Khai thác nguồn tài nguyên số thì đảm bảo an toàn thông tin - dữ liệu số là 1 trong 6 điều quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số, dữ liệu là một nguồn tài nguyên đặc biệt, hiện có nhiều doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào dữ liệu và dữ liệu lớn. Việc chia sẻ dữ liệu chính là cốt lõi trong khai thác, sử dụng tài nguyên số hiệu quả. Nhiều người cho rằng “an ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số đang phát triển, giúp phục hồi nền kinh tế", còn quan điểm của ông thì sao?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Tôi hoàn toàn đồng ý “an ninh mạng đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế số đang phát triển, giúp phục hồi nền kinh tế”. Sự phát triển của công nghệ IoT (Internet of Things) là công cụ tuyệt vời giúp Chính phủ, doanh nghiệp, người dân, start-up điều hành, phát triển quốc gia, hội nhập quốc tế,.. Đặc biệt đây là cơ hội tuyệt vời hiếm hoi dành cho các start-ups công nghệ trong lĩnh vực an ninh mạng, nơi trí tuệ được sử dụng đúng chỗ, hợp lý với năng lực của mỗi cá thể.

Ngày nay, khi nhắc đến chuyển đổi số, chúng ta dễ dàng liên tưởng ngay đến Chính phủ số, kinh tế số, thương mại điện tử, giáo dục số,… Tất cả đều liên quan đến sự an toàn của dòng chảy dữ liệu và người sử dụng, hay còn gọi là công dân số.

PV:  Ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn thông tin số đang là rào cản lớn cho định hướng phát triển kinh tế số. Nhiều người dân sau khi đi mua nhà, giao dịch với ngân hàng, giao dịch tại các cửa hàng, thành lập công ty... liên tục bị gọi điện làm phiền bởi những lời chào mời liên quan đến vấn đề khác. Nên rất nhiều người e ngại chia sẻ thông tin cá nhân của mình.

Có lẽ vì thế mà tài nguyên số ở Việt Nam được ví như là "cô gái rất xinh đẹp, toàn diện ở nhiều mặt nhưng không phải bố mẹ cô gái "kín cổng cao tường" mà chính cô gái ẩn mình, không biết làm cho mình đẹp trong mắt người khác". Vấn đề này nằm ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Như tôi đã nói ở trên, thông tin của người dân sẽ quyết định xây dựng tài nguyên số có thành công hay không. Việc bị lộ thông tin cá nhân vô tội vạ sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối liên quan đến đời sống của “chính chủ”. Ví dụ như mạo danh trên không gian mạng, lừa đảo tài chính,… từ đó nảy sinh tâm lý e ngại và kế hoạch xây dựng tài nguyên số rất dễ bị phá sản.

Chính vì thế, vấn đề thông tin cá nhân bị khai thác trái phép, tràn lan như vậy thật sự là một vấn đề nghiêm trọng, đáng để chúng ta phải lưu tâm khi nền kinh tế số càng ngày càng bùng nổ. Tôi hi vọng và rất mong Chính phủ có những quy định chặt chẽ trong cách sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp để giảm thiểu tối đa các vấn đề phát sinh, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế số đích thực và an toàn thông tin.

Khai thác tài nguyên số cần phải "vá được lỗ hổng" an toàn thông tin - Ảnh 2
An toàn thông tin - dữ liệu quyết định thành, bại của tài nguyên số (Ảnh  minh hoạ).

Lưu tâm đến tên miền trước khi tham gia vào kinh tế số

PV: Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỉ USD, đóng góp 5% GDP và cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 57 tỉ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Nếu tận dụng tối đa lợi thế, kinh tế số có thể đem lại 27% GDP vào năm 2030.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, các rủi ro an ninh mạng cũng gia tăng nhanh chóng. Làm sao để có thể phát triển tài nguyên số an toàn, bền vững, tránh được các rủi ro có thể xảy ra?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Để có thể phát triển tài nguyên số an toàn, bền vững, tránh được các rủi ro có thể xảy ra, Chính phủ cần phải có một Chiến lược phù hợp, hài hòa với Luật quốc tế; đẩy mạnh các chương trình giáo dục liên quan đến đào tạo kĩ năng số cho người dân; thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích và cảnh báo an ninh mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đầu tư mạnh mẽ vào những tài năng, cá nhân tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông.

Riêng đối với người dân, mỗi cá nhân tự “nâng cấp bản thân” thông qua kiến thức trên internet và các khóa đào tạo. Cuối cùng, chúng ta luôn luôn tỉnh táo trước khi nhấp vào mỗi đường link và chia sẻ thông tin qua các mạng xã hội, tin nhắn.

Một trong những thành phần ảnh hưởng đến an ninh mạng trong nền kinh tế số đó là tài nguyên số, đặc biệt là tên miền. Tất cả mọi chuyển động, kết nối của người sử dụng internet nói chung và trong nền kinh tế số đều liên quan đến tên miền. Đây là cái gốc liên quan đến việc chuyển hóa, tạo ra dữ liệu của chúng ta. Vì vậy, mọi tổ chức và cá nhân nên lưu tâm đến tên miền trước khi tham gia vào kinh tế số.

Phan Ly (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Khai thác tài nguyên số cần phải "vá được lỗ hổng" an toàn thông tin. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới